Cuối tháng 12/2011, trình UBND TP HCM dự án “buýt” đường sông

09:21 | 24/11/2011

388 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo chỉ đạo của UBND TP HCM, chậm nhất ngày 31/12/2011, công ty Thường Nhật phải trình thành phố xem xét thông qua dự án đầu tư hai tuyến buýt đường sông, trong đó có tuyến Tàu Hũ – Bến Nghé chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt.

Nếu thuận lợi, đầu năm 2013, người dân TP HCM sẽ có thêm buýt đường sông để di chuyển trong thành phố.

Tại buổi lễ thông xe hầm Thủ Thiêm ngày 20/11, chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân, khẳng định, một trong những việc ưu tiên cần làm ngay là hình thành tuyến buýt đường sông trên kênh Tàu Hũ – Bến Nghé nhằm khai thác triệt để công năng của dự án đại lộ Đông Tây cũng như tạo mỹ quan đô thị. Còn theo các chuyên gia giao thông, nếu quy hoạch, triển khai đồng bộ các tuyến buýt đường sông sẽ giúp thành phố tiết kiệm được hàng chục tỉ đồng do kẹt xe mỗi ngày.

Dự án buýt đường sông đầu tiên của TP HCM đã được công ty TNHH Thường Nhật khởi động cách đây cả năm. Ngày 22/11, ông Nguyễn Kim Toản, giám đốc công ty Thường Nhật, cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP HCM, chậm nhất ngày 31/12/2011, công ty phải trình thành phố xem xét thông qua dự án đầu tư hai tuyến buýt đường sông, trong đó có tuyến Tàu Hũ – Bến Nghé chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt.

- Theo dự án mà công ty dự kiến trình UBND TP HCM, lộ trình từng tuyến ra sao, có bao nhiêu tàu, thời gian hoạt động, giá vé thế nào, thưa ông?

Trong giai đoạn đầu, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng, khai thác hai lộ trình, đó là tuyến đi từ Linh Đông (quận Thủ Đức) về quận 1. Tuyến này có bến đón khách ở các khu vực: Bình Quới, Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức), Thanh Đa, Tân Cảng (Bình Thạnh), Tầm Vu, Thảo Điền, Bình An (quận 2), Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) và Bạch Đằng (quận 1). Tuyến thứ hai đi theo kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, qua các quận: 8, 6, 5, 4 về Bạch Đằng (quận 1). Trước mắt, chúng tôi sẽ đầu tư tám tàu lớn, loại 80 ghế. Mỗi tuyến bốn tàu và hơn chục tàu nhỏ để phục vụ hành khách giờ thấp điểm.

Buýt đường sông sẽ hoạt động từ 7 – 18h mỗi ngày. Trong giờ cao điểm từ 7 – 8h30, cứ 15 phút chạy một chuyến. Trong giờ thấp điểm từ 9 – 16h, cứ 30 phút chạy một chuyến.

Giá vé buýt đường sông sẽ cao hơn buýt đường bộ do các loại chi phí đều cao hơn. Hiện nay chưa thể nói chính xác là bao nhiêu. Với thời điểm hiện tại, để vừa đủ chi phí hoạt động, giá vé buýt đường sông sẽ là 25.000 đồng/người. Nếu được Nhà nước hỗ trợ một phần thì giá vé ở mức 10.000 – 15.000 đồng/lượt.

- Hơn mười năm trước, TP HCM đã thí điểm tuyến buýt Bạch Đằng – Thanh Đa nhưng sau đó phải ngưng vì không đủ chi phí. Vậy cơ sở nào để ông quyết định đầu tư?

Có thể lúc trước chưa có cơ chế đầu tư thích hợp, nhu cầu chưa cao, thiếu bến lên xuống dọc đường… nên rất ít hành khách. Hiện nay, những trở ngại trên đã giảm bớt, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, các khu dân cư dọc sông Sài Gòn gia tăng, đường Võ Văn Kiệt đã làm xong, tạo thuận lợi phát triển buýt đường sông trên kênh Tàu Hũ – Bến Nghé.

Tuy nhiên, ai cũng biết đầu tư buýt đường sông hiện tại vẫn gặp khó khăn bởi bản thân sản phẩm khó tạo ra lợi nhuận từ giá vé. Trong khi nếu giá vé cao quá thì sẽ ít người đi. Do vậy, chúng tôi đề xuất được mở thêm các loại hình dịch vụ kinh doanh ở các bến buýt đường sông như các bến xe, nhà ga sân bay, xe lửa, để đảm bảo kinh doanh đạt hiệu quả.

- Nhưng liệu việc đầu tư các bến thuỷ có dễ dàng?

Chúng tôi đề xuất tổng cộng 16 bến các loại, trong đó có bốn bến trung tâm và 12 bến nhỏ và đã xác định xong địa điểm. Ở lộ trình tuyến Tàu Hũ – Bến Nghé, việc chọn địa điểm lập bến tương đối thuận lợi, chúng tôi dự tính triển khai ở các cây cầu vượt dọc theo đại lộ. Riêng tuyến số 1, chúng tôi đang thoả thuận với các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức để thống nhất địa điểm.

- Nếu thành phố yêu cầu mở tuyến Tàu Hũ – Bến Nghé trước?

Tuyến số 2 chạy theo kênh Tàu Hũ – Bến Nghé nếu đầu tư thì cầm chắc từ lỗ đến lỗ vì lộ trình này dân cư thưa thớt, nhu cầu đi lại ít. Do vậy, nếu chỉ đầu tư tuyến này thì chúng tôi không thể thực hiện. Chúng tôi chỉ có thể triển khai khi có hai tuyến cùng một lúc, tuyến 1 sẽ gánh cho tuyến 2.

- Nếu được UBND TP HCM thông qua dự án đầu tư, khi nào hai tuyến buýt đường sông được đưa vào khai thác?

Nếu mọi việc thuận lợi, chúng tôi phải mất từ sáu tháng đến một năm để xây dựng bến bãi, đầu tư phương tiện. Do đó, khoảng đầu năm 2013 có thể đưa buýt đường sông vào hoạt động. Ở đây, chúng tôi đầu tư đồng bộ nên sẽ cùng lúc đưa cả hai tuyến vào khai thác cùng một ngày. Nếu ở mức khai thác 50% công suất thì mỗi ngày hai tuyến buýt đường sông sẽ vận chuyển được 5.000 khách.

Chúng tôi cũng có kế hoạch phát triển giai đoạn hai của dự án, bao gồm các tuyến vành đai ngoài, các tuyến kết nối với các đô thị của tỉnh, thành lân cận như: Long An, Thủ Dầu Một, Nhơn Trạch, Biên Hoà, Phú Mỹ.

Thêm một doanh nghiệp đầu tư buýt đường sông

Đó là công ty cổ phần Tứ Hải. Công ty này vừa được UBND TP HCM chấp thuận cho nghiên cứu dự án đầu tư vận chuyển hành khách công cộng bằng buýt đường sông với tổng số vốn nghiên cứu là 5 tỉ đồng. Đại diện công ty này cho biết, sắp tới sẽ khảo sát các địa điểm và nhu cầu của hành khách và tổ chức hội thảo để lấy ý kiến của các ban ngành trước khi lập dự án đầu tư chi tiết báo cáo UBND TP HCM phê duyệt.

Theo SGTT