Nhà khoa học trẻ Hà Phương Thư

Cùng cộng đồng xoa dịu nỗi đau ung thư

06:56 | 16/09/2017

651 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
TS Hà Phương Thư - Trưởng phòng Vật liệu nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) đã lọt vào danh sách “50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017” do Tạp chí Forbes Việt Nam công bố vào dịp 8-3-2017.

Đây là lựa chọn của Forbes Việt Nam nhằm ghi nhận, tôn vinh những người có vai trò nổi bật trong từng lĩnh vực hoạt động, thực sự là niềm vinh dự lớn với những nữ cán bộ làm khoa học, khi chỉ có 6 phụ nữ trong lĩnh vực khoa học - giáo dục được lựa chọn vào danh sách này.

Từ cô giáo thành nhà khoa học

Bố mẹ Thư đều là giáo viên ở TP Huế, Hà Phương Thư cũng mong muốn theo nghề giáo. Từng là học sinh giỏi toán nhiều năm học phổ thông, nhiều lần đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, nhưng khi lớn hơn, niềm đam mê của Hà Phương Thư lại chuyển sang hóa học. Không mấy khó khăn, năm 1992, chị thi đỗ vào Khoa Hóa - Đại học Sư phạm Huế. Ra trường, chị dạy học tại một trường THPT.

cung cong dong xoa diu noi dau ung thu
TS Hà Phương Thư (đứng giữa) cùng các cộng sự

Khi đăng ký làm nghiên cứu sinh ở Viện Hóa học - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam để nâng cao trình độ, chị bất chợt tìm thấy chính mình với niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Đây là bước ngoặt cuộc sống của cô gái Huế nhỏ nhắn, đằm thằm ấy. Thư bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, rời bỏ môi trường sư phạm, chính thức bước chân vào làng khoa học Việt Nam.

Trong quá trình làm nghiên cứu sinh, Thư nhận được học bổng của Viện Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) và với luận án tiến sĩ xuất sắc, chị lại nhận được học bổng đào tạo sau tiến sĩ tại Trung tâm Năng lượng nguyên tử của Pháp. Đây là cơ hội để tài năng của chị được tỏa sáng. Nhưng Hà Phương Thư đã từ chối cơ hội lớn ấy để trở về nước, bởi chị khao khát được cống hiến tất cả cho đất nước.

Chỉ có thể là đam mê

Khi Thư về Viện Khoa học vật liệu làm việc năm 2007, đúng vào thời điểm Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu bắt đầu với việc nghiên cứu và ứng dụng về công nghệ nano. Vốn ham hiểu biết, nhìn thấy tiềm năng ứng dụng trong cuộc sống của công nghệ còn mới mẻ này ở Việt Nam, Hà Phương Thư lập tức bắt tay vào nghiên cứu nano với sự giúp đỡ của GS Nguyễn Xuân Phúc và TS Trần Thị Minh Nguyệt.

Năm 2013, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phải thanh toán chi phí điều trị ung thư tới 160 triệu USD. Vì thế, để tránh vỡ quỹ, từ năm 2015, Bộ Y tế phải cắt giảm chi trả bảo hiểm y tế đối với 28 loại thuốc điều trị ung thư, từ 50-100% xuống còn 30-50%.

Công nghệ nano là lĩnh vực hoàn toàn mới cả ở Việt Nam và trên thế giới, đặc biệt là ứng dụng trong lĩnh vực y sinh. Khi về Viện, TS Hà Phương Thư cũng mới bắt đầu làm quen với công nghệ nano. Cũng chính vì công nghệ nano còn mới mẻ nên từ trang thiết bị, dụng cụ, đến con người phục vụ hoạt động nghiên cứu đều thiếu thốn. Cái khó lớn nhất là có được những đồng nghiệp vừa đam mê, vừa sẵn sàng hy sinh cho khoa học, rồi kinh phí nghiên cứu ít ỏi, chưa kể lĩnh vực khoa học luôn đòi hỏi phải có các đề tài để thực hiện và ý tưởng độc đáo...

Nhưng, vượt lên tất cả, chỉ sau 3 năm, TS Hà Phương Thư đã có công bố quốc tế đầu tiên về lĩnh vực nano y sinh. Để rồi chỉ trong gần 10 năm, nhà khoa học nữ ấy đã tạo dấu ấn mới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học bằng một con số mà nhiều nhà khoa học mơ ước: 30 công bố quốc tế về lĩnh vực nano.

Những thành quả ấy, nếu với các nhà khoa học nam đã là một nỗ lực lớn, thì ở nhà khoa học nữ, dường như còn đòi hỏi sự cố gắng gấp bội phần. Bởi nghiên cứu khoa học là công việc không chỉ vất vả mà còn đầy hy sinh, trong khi với Hà Phương Thư, ngoài việc phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở cơ quan, còn không thể lãng quên vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, công nghệ nano là lĩnh vực rất mới mẻ.

cung cong dong xoa diu noi dau ung thu

Vì thế, đây thật sự là thách thức của những người quyết định gắn bó cuộc đời với nano, đòi hỏi những người làm khoa học phải đam mê nghiên cứu, tìm được hướng đi mới và mang lại hiệu quả cao cho xã hội.

Tấm lòng với bệnh nhân ung thư

Cho đến nay, trong các đề tài mà TS Hà Phương Thư nghiên cứu, chị dành nhiều tâm huyết cho công nghệ hỗ trợ điều trị ung thư. Chị thấu hiểu nỗi đau do căn bệnh quái ác đang “phủ bóng đen” ở Việt Nam, khi mỗi năm có gần 200.000 người mắc mới, hơn 100.000 người bị cướp đi mạng sống.

Điều khiến chị luôn trăn trở là chi phí điều trị bệnh ung thư rất cao so với đời sống hiện nay của người dân Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người chưa đến 2.000USD/năm, mà riêng năm 2013, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phải thanh toán chi phí điều trị ung thư tới 160 triệu USD. Vì thế, để tránh vỡ quỹ, từ năm 2015, Bộ Y tế phải cắt giảm chi trả bảo hiểm y tế đối với 28 loại thuốc điều trị ung thư, từ 50-100% xuống còn 30-50%. Điều này càng khiến cho các bệnh nhân ung thư gặp khó khăn hơn trong việc điều trị.

Vì thế, chị quyết chia sẻ với các bệnh nhân theo cách thiết thực nhất, đó là tập trung nghiên cứu hỗ trợ điều trị căn bệnh ung thư.

cung cong dong xoa diu noi dau ung thu

Rất may mắn, những người có chung ý tưởng với TS Hà Phương Thư là Th.S Phan Văn Hiệu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI và Th.S Nguyễn Trường Thành - Giám đốc Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI. Vốn là hai dược sĩ xuất sắc của Trường Đại học Dược, hai doanh nhân trẻ đã chủ động tìm gặp Hà Phương Thư để hợp tác. Tấm lòng của nhà khoa học nữ và hai doanh nghiệp dành cho những bệnh nhân ung thư đã tạo nên sự hợp tác vô cùng thuận lợi.

Từ gợi ý của Th.S Phan Văn Hiệu, TS Hà Phương Thư bắt tay vào nghiên cứu bài thuốc Hắc hoàng kỳ phương của Tây Tạng từ củ nghệ và tam thất. Sau thời gian dài, có lúc tưởng phải bỏ cuộc vì muôn vàn khó khăn, cuối cùng, sản phẩm CumarGold Kare dùng để hỗ trợ điều trị ung thư đã ra đời.

PGS.TS Nguyễn Lĩnh Toàn (Học viện Quân y): “CumarGold Kare có tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư, đặc biệt trên dòng tế bào ung thư phổi A549, ung thư gan Hep-3B, ung thư vòm họng HTB-43. Tế bào ung thư có biểu hiện thưa thớt dần theo thời gian, hình dạng bị biến đổi, thoái hóa”.

Niềm vui như vỡ òa trước thành công mong đợi sau khi tiến hành thử nghiệm hoạt tính sinh học chống ung thư tại Học viện Quân y.

Đánh giá về kết quả của sản phẩm CumarGold Kare, PGS.TS Nguyễn Lĩnh Toàn (Học viện Quân y) cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu tác dụng kháng ung thư của CumarGold Kare trên dòng tế bào ung thư vòm họng, vú, phổi, gan và tuyến tiền liệt của người và thử nghiệm trên chuột thiếu hụt miễn dịch (nude mice) mang khối ung thư phổi người. Kết quả cho thấy, CumarGold Kare có tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư, đặc biệt trên dòng tế bào ung thư phổi A549, ung thư gan Hep-3B, ung thư vòm họng HTB-43. Tế bào ung thư có biểu hiện thưa thớt dần theo thời gian, hình dạng bị biến đổi, thoái hóa. Trên chuột nude mang khối ung thư phổi người, CumarGold Kare có tác dụng ức chế khối u phát triển, tăng tỷ lệ sống sót so với nhóm chứng. Đặc biệt, nhóm chuột ung thư sử dụng kèm CumarGold Kare với hóa chất kháng ung thư (Doxorubicine) có tỷ lệ tế bào miễn dịch NK và DC cao hơn so với tất cả các nhóm khác, bao gồm cả nhóm chứng, chứng tỏ CumarGold Kare có khả năng tăng cường miễn dịch không đặc hiệu”.

TS Hà Phương Thư cho biết, phức hệ Nano FGC đã cải thiện độ tan, tối ưu hóa khả năng bao gói, bảo vệ dược chất khỏi những rào cản sinh học, nâng cao thời gian lưu thông của thuốc trong hệ tuần hoàn, tập trung hoạt chất tại vùng khối u thông qua cơ chế hướng đích thụ động. Các hạt nano có thể chui vào, tập trung vào các khối ung thư, hướng đích để chữa trị tế bào ung thư và bỏ qua các tế bào lành. Những người bệnh ung thư thường phải hóa trị - xạ trị nên rất mệt mỏi, chán ăn, thậm chí sợ ăn, dẫn đến suy kiệt nhanh chóng, nhưng giờ đây, với sản phẩm mới này, người bệnh có thể sử dụng lượng thuốc thấp hơn bình thường mà hiệu quả lại cao hơn, đặc biệt là không gây tác dụng phụ.

Để kết quả nghiên cứu khoa học quan trọng này đi vào cuộc sống, phục vụ đắc lực việc chăm sóc, điều trị người bệnh ung thư, TS Hà Phương Thư và Viện Khoa học vật liệu đã ký kết chuyển giao nguồn nguyên liệu phức hệ Nano FGC cho Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI. Từ tháng 10-2016, trong hành trang của những người bệnh ung thư đã có thêm một sản phẩm mang thương hiệu Việt, do chính các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thành công.

Sự ra đời của Cumargold Kare dùng để hỗ trợ điều trị ung thư là một bước đi mới trong lĩnh vực điều trị ung thư ở Việt Nam. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh số người mắc và tử vong do căn bệnh ung thư ngày càng tăng.

Tình yêu với cây thuốc Việt vẫn luôn chảy trong trái tim nhà khoa học nữ, để TS Hà Phương Thư tiếp tục thực hiện các nghiên cứu mới, nhằm cho ra đời các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh nhân bị bệnh gan từ cây an xoa tím và sản phẩm dùng cho bệnh nhân bị loét ép từ cây nghệ và cây sim...

cung cong dong xoa diu noi dau ung thu

Nhà khoa học trẻ Hà Phương Thư là 1 trong 3 cái tên được vinh danh với giải thưởng L’Oreal UNESCO “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học” năm 2012 với đề tài nghiên cứu “Quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc Nano lên tế bào ung thư”.

Năm 2013, Hà Phương Thư được trao giải “Ngày Phụ nữ sáng tạo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Cuối năm 2016, TS Hà Phương Thư tiếp tục tạo một dấu ấn mới trong lĩnh vực hỗ trợ điều trị ung thư bằng việc chế tạo thành công phức hệ Nano FGC ưu việt với việc sử dụng toàn bộ nguyên liệu từ thiên nhiên, cây cỏ Việt Nam. Đây là một bước đi mới trong lĩnh vực hỗ trợ điều trị ung ở Việt Nam.

TS Hà Phương Thư: “Từ năm 2016, sau khi nghiên cứu thành công phức hệ Nano FGC dùng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, chúng tôi đã hỗ trợ cho bệnh nhân bị ung thư và bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sử dụng phức hệ Nano FGC hằng tháng. Một số bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4, di căn não sau khi tuân thủ phác đồ điều trị ở bệnh viện phối hợp uống FGC đã cho kết rất khả quan. Các khối di căn bị mất đi, bệnh nhân ăn uống tốt hơn, tiêu hóa tốt hơn, không còn buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư được cải thiện rõ rệt. Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ cho các bệnh nhân hàng trăm triệu đồng tính theo giá trị thương phẩm”.

Định kiến của xã hội “trọng nam khinh nữ” khiến cơ hội của phụ nữ thường rất nhỏ so với nam giới trong nghiên cứu khoa học. Thêm nữa, quỹ thời gian của phụ nữ hạn hẹp, trong khi công việc nghiên cứu đòi hỏi sự bài bản và mất rất nhiều thời gian, vì thế rất cần sự thông cảm, sẻ chia của đồng nghiệp, cơ quan, đặc biệt là gia đình, để cơ hội thành công trong nghiên cứu khoa học cao hơn.

Bên cạnh đó, có một khó khăn không nhỏ là điều kiện làm việc của các nhà khoa học ở Việt Nam còn rất khiêm tốn, nên không dễ dàng thực hiện được những giấc mơ trong nghiên cứu khoa học.

Nhưng, bản lĩnh cùng sự thông minh, sáng tạo luôn song hành với ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học đã giúp TS Hà Phương Thư vượt lên những khó khăn đó, bằng năng lực của chính mình và từng bước khẳng định tên tuổi trong làng khoa học.

Và như chị nói, nếu không có sự thông cảm, giúp đỡ của gia đình, chắc chắn Hà Phương Thư không thể có được “bảng vàng” thành tích hôm nay.

Dạ Miên