Cơ sở phân loại đảo, đá và bãi cạn

06:00 | 02/04/2015

5,324 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dựa vào đâu để phân loại đảo, đá và bãi cạn?

Đảo Trường Sa lớn, thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Internet

Trước hết, cần hiểu những khái niệm sau đây:

Đảo là gì?

Đảo theo cách hiểu thông thường là một vùng đất có nước bao quanh. Theo cách hiểu này, ta có đảo nằm trong các sông hồ và đảo nằm trong biển (hải đảo). Đối với người đi biển thì đảo được hiểu là các hải đảo nói chung, bao gồm các đảo, đá.

Theo nghĩa pháp lý:

Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. (trích Điều 121, Công ước Luật Biển 1982)

Định nghĩa trên đã đưa ra các điều kiện pháp lý để một vùng đất có nước bao quanh được công nhận là đảo trước pháp luật:

  1. một đảo phải được hình thành một cách tự nhiên: “Vùng đất tự nhiên” này phải có sự gắn bó hữu cơ với đáy biển;
  2. có cùng độ nổi thường xuyên như đất liền, khi thủy triều lên vẫn ở trên mặt nước, ở trên mực triều cường và
  3. Đảo cần phải có nước bao bọc xung quanh. Tuy nhiên, khi một đảo được nối với đất liền bởi cây cầu hoặc đường hầm thì đương nhiên vẫn có giá trị như một đảo. Trong các quy định của luật pháp quốc tế cũng như thực tiễn đời sống quốc tế đã chứng minh thành phần vật chất cấu tạo nên đảo có thể từ bùn, san hô, cát, đất… mà không ảnh hưởng đến chế độ pháp lý của các đảo.

Chế độ pháp lý của đảo:

Với điều kiện phải tuân thủ Khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của một hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác. (trích Điều 121 Công ước Luật Biển 1982)

Quy định này khẳng định các đảo cũng có cùng các danh nghĩa và được đối xử ngang bằng như các vùng lãnh thổ đất liền. Có nghĩa là, các đảo có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.

Trên các đảo, quốc gia cũng có chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền (các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp). Điều này đã làm tăng thêm vai trò của các đảo. Năm 1955, Nữ hoàng Anh đã ra lệnh cho Hải quân cắm cờ, dựng bia chủ quyền trên Rock All rộng 3 m vuông, cao 21 m, để tuyên bố vùng đặc quyền về kinh tế xung quanh Rock All là 200 hải lý.

Đảo Cook rộng 243 km vuông có quyền nhận 352.240 km vuông vùng đặc quyền về kinh tế. Đảo Naru với 21 km vuông sẽ có 323.750 km vuông vùng đặc quyền về kinh tế. (1)

Phân loại

Mặc dù có một quy chế cho các đảo, nhưng Công ước Luật biển 1982 không đưa ra được các tiêu chuẩn để phân loại các đảo. Trước đây, trong dự thảo các điều khoản liên quan tới việc hoạch định quyền tài phán của quốc gia ven biển trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của họ đưa ra trong Hội nghị lần thứ III của LHQ về Luật biển ngày 17/7/1973 có đưa ra đề nghị đảo “là một diện tích tự nhiên có diện tích trên 1 km vuông” (2). Kiến nghị này có vẻ như giống các nỗ lực phân loại của Văn phòng Thủy văn Quốc tế và một số chuyên gia:

+ Đá (rocks) có diện tích nhỏ hơn 0,001 hải lý vuông
+ Đảo nhỏ (islets) có diện tích 0,001 - 1 hải lý vuông
+ Đảo vừa (isles) có diện tích 1 - 1.000 hải lý vuông
+ Đảo lớn (islands) có diện tích trên 1.000 hải lý vuông

Cho đến nay, vẫn chưa có sự phân loại các đảo một cách cụ thể chính xác của bất cứ cơ quan, tổ chức quốc tế nào.

Còn bãi cạn thì như thế nào? Điều 13 Công ước Luật Biển 1982 đã quy định rõ: “các bãi cạn nửa nổi nửa chìm là các vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thuỷ triều xuống thấp thì lộ ra, khi thuỷ triều lên cao thì bị ngập nước”. 

 

Trích “Sổ tay pháp lý dành cho người đi biển”

Tập thể tác giả, Luật sư, TS Hoàng Ngọc Giao chủ biên

NXB Chính trị Quốc gia