Tiếng hát lời ca vang xa biển đảo

13:19 | 29/05/2023

6,351 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Còn tự hào kiêu hãnh nào hơn, còn vui sướng và khát vọng nào hơn khi đem những lời ca tiếng hát, điệu múa mang hơi thở ấm ấp từ đất liền, đến với cán bộ chiến sĩ, quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Lần này, tôi theo tàu 571 của Đoàn công tác số 13 đến thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/20 với tư cách là chiến sĩ nhà giàn DK1 được giao nhiệm vụ Đội trưởng đội Văn nghệ xung kích.

Tiếng hát lời ca vang xa biển đảo
Đội văn nghệ xung kích và cán bộ chiến sĩ đảo Len Đao “cháy” hết mình trong “hát mãi khúc quân hành”

Còn tự hào kiêu hãnh nào hơn, còn vui sướng và khát vọng nào hơn khi đem những lời ca tiếng hát, điệu múa mang hơi thở ấm ấp từ đất liền, đến với cán bộ chiến sĩ, quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Tôi cảm nhận được ánh mắt thân thương của chiến sĩ trẻ đảo Đá Đông C rưng rưng xúc động khi nữ đại biểu trong đoàn công tác số 13 ôm chặt bờ vai trước lúc chia tay. Tôi cảm nhận được tâm tư của Trung sĩ Hồ Văn Bảo ở đảo Len Đao nói: “Ở đảo anh em đoàn kết như một gia đình. Ngày mới ra đảo nhớ nhà, nhớ mẹ lắm. Rồi cũng quen. Càng khó khăn càng vững niềm tin”.

Tôi cũng không cầm lòng được khi Thượng úy chuyên nghiệp trắc thủ radar Hoàng Văn Tài ở nhà giàn DK1/20 chia sẻ: “Cuộc đời em gắn liền với nhà giàn quanh năm suốt tháng. Biết là khó khăn gian khổ, nhưng ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai. Nếu không có những chiến sĩ nhà giàn như chúng em, thì ai bảo vệ “Những cột mốc sống” của Tổ quốc giữa ngàn khơi xa này. Đã chọn nghề hải quân, thì sống với biển, vui buồn với biển, hi sinh vì Tổ quốc cũng là điều kiêu hãnh và chả có gì tiếc nuối. Nếu có, chỉ là chưa được cống hiến cho Tổ quốc nhiều hơn”.

Không thể nào quên hàng trăm cánh tay bám vai nhau đi thành 1 vòng tròn tại triền đảo Len Đao vừa đi vừa hát “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đến đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa”. Không thể xúc động nào hơn khi chúng tôi hoà cùng chiến sĩ Nhà giàn DK1/20 trong những cung bậc cảm xúc qua bài hát “Mùa xuân DK” của nhạc sĩ Thập Nhất. “Sóng gió mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó, chông chênh và chênh chông lính nhà giàn chẳng sợ bão giông Giữa trùng khơi vẫn xanh ngời, giữa biển trời vẫn sống yêu đời lính nhà giàn là thế đó. Mấy chậu hoa, với luống cà, nhớ mẹ già và con thơ, ầu ơ chỉ hát Ru....” như ngấm vào máu thịt.

Tiếng hát lời ca vang xa biển đảo
Hát ở đảo Trường Sa Đông

6 ngày trong chặng hải trình, tàu 571 vượt hơn 1.000 hải lý sóng gió, đưa hơn 200 đại biểu đến từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Kho Bạc nhà nước, tỉnh Hải Dương, văn nghệ sĩ, phóng viên báo đài Trung ương và địa phương đến thăm, tặng quà cho 5 đảo/điểm đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/20, là ngần ấy thời gian chứa chan hạnh phúc. Dù không ít đại biểu say sóng vì lần đầu đi biển và gặp những khó khăn, gian khổ, song tất cả đều có chung một sự khâm phục cán bộ chiến sĩ Trường Sa, Nhà giàn DK1- những người lính biển đang ngày đêm thầm lặng dâng hiến tuổi thanh xuân và sẵn sàng hi sinh vì bình yên chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Cảm ơn Quân chủng Hải Quân đã tổ chức cho hơn 200 đại biểu có một chuyến hải trình đặc biệt không thể nào quên trong suốt cuộc đời.

Tàu 571 cập cảng Quốc tế Cam Ranh kết thúc hải trình. Phút chia tay cảm xúc dâng tràn. Lưu vội số điện thoại và dòng địa chỉ. Siết chặt tay nhau. Những cái ôm vội vã, và cả những ánh mắt đỏ hoe bùi ngùi xúc động chẳng nói nên lời.

Tạm biệt con tàu 571 thân yêu. Chúng tôi trở về cơ quan đơn vị làm nhiệm vụ. Nhưng trong tim, khối óc của mỗi người mãi mãi không bao giờ quê chuyến hải trình đong đầy cảm xúc ấy.

Mai Thắng

Hội Cựu chiến binh Vietsovpetro

Hình ảnh Đoàn công tác số 4, đại biểu kiều bào thăm và tặng quà quân dân quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1Hình ảnh Đoàn công tác số 4, đại biểu kiều bào thăm và tặng quà quân dân quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1
Thiêng liêng và đầy cảm xúc trong lễ chào cờ ở đảo Trường SaThiêng liêng và đầy cảm xúc trong lễ chào cờ ở đảo Trường Sa