Có cát bồi, biển Cửa Đại vẫn gặp nguy

08:19 | 20/12/2017

491 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháng 8-2017, người dân TP Hội An (Quảng Nam) vừa đón nhận tin vui vì cát dần bồi trở lại ở bờ biển Cửa Đại thì nay bờ biển này lại tiếp tục đón đợt xâm thực mới gây sạt lở trên diện rộng.   

Uy hiếp trực tiếp, người dân thất thu

Sau cơn bão số 11, 12 kéo theo mưa lớn trên diện rộng đã khiến bờ biển Cửa Đại đã sạt lở nay tiếp tục bị sạt lở nặng nề hơn, uy hiếp trực tiếp nhiều nhà dân và các công trình du lịch, nhà hàng trên tuyến đường Âu Cơ dọc bờ biển.

Theo ghi nhận thực tế tại bờ biển Cửa Đại, trừ khu vực biển An Bàng, hầu như các đoạn bờ biển của Hội An đều bị ảnh hưởng do tác động của sóng dẫn đến sạt lở. Nặng nhất phải kể đến đoạn bờ biển gần khách sạn Tropical (khách sạn Agribank trước đây), khi nước biển ăn sâu vào bờ, có đoạn gần 10m...

co cat boi bien cua dai van gap nguy
Cảnh tan hoang của biển Cửa Đại sau bão số 12 và đợt mưa lũ kéo dài

Dù chưa có những tính toán thiệt hại cụ thể, nhưng ước tính số tiền để kè chắn khắc phục những đoạn sạt lở này lên đến hàng chục tỉ đồng.

Tại khu du lịch Palm Garden Resort Hội An, nơi vừa diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vừa qua cũng bị sóng đánh làm bờ kè bị sạt lở, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Và ngay ở khu vực bãi tắm trung tâm biển Cửa Đại, dù đã được chính quyền đầu tư làm kè mềm bằng bao cát nhưng cũng không thể ngăn cản sự tàn phá của sóng biển.

Tình trạng bờ biển Cửa Đại sạt lở trong đợt mưa bão vừa qua khiến việc kinh doanh của các doanh nghiệp ở đây gặp nhiều khó khăn. Nhiều chủ nhà hàng đã phải cho người lao động nghỉ tạm để chờ khắc phục.

Ông Phạm Viết, quản lý nhà hàng Hà Hưng (tại khu vực Cửa Đại, TP Hội An) xót xa: Những năm gần đây, bờ biển Cửa Đại liên tục bị sạt lở. Mùa hè vừa rồi, các chủ nhà hàng ven biển đã đầu tư kinh phí xây dựng bờ kè, nhưng đợt mưa bão vừa rồi đã bị sóng biển đánh tan hoang…

Chung tâm tư với ông Viết, bà Nguyễn Thị Mộng Hà - chủ một hộ kinh doanh giáp biển Cửa Đại cũng than thở: “Người dân sát biển chúng tôi kinh doanh các dịch vụ liên quan đến du lịch là chủ yếu. Cứ sau mỗi đợt mưa bão, biển sạt lở khiến khách rất vắng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của cả chủ lẫn người lao động.

Đó là chưa tính mỗi lần bờ biển sạt lở, nhiều tài sản của chúng tôi bị cuốn theo xuống biển. Những lần trước, hầu như hộ doanh nghiệp nào cũng đã bỏ rất nhiều tiền để kè bằng đá, bao cát chống sóng nhưng giờ tan hoang hết. Không biết khi nào mới có thể khôi phục kinh doanh trở lại”.

Vẫn phải chờ Trung ương

Sau khi thị sát đợt sạt lở vừa qua tại biển Cửa Đại, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Thế Hùng cho rằng, với mức độ sóng biển xâm thực như đợt mưa bão vừa qua, nếu không có biện pháp xử kịp thời và phù hợp thì tới đây, không chỉ riêng các khu du lịch, dịch vụ nằm sát bờ biển, mà cuộc sống một bộ phận dân cư không nhỏ đang làm dịch vụ du lịch ở khu vực Cửa Đại cũng sẽ bị tác động mạnh.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã nhận được báo cáo của Hội An, nhưng cũng phải chờ giải pháp cụ thể từ trung ương.

“Hiện cũng có nhiều phương án, giải pháp, nhưng trước mắt sẽ tiếp tục thực hiện phương án nạo vét bơm cát… như đã làm trước đây. Vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, tính toán kỹ, phải chờ phương án chính thức cuối cùng từ trung ương và các nhà khoa học. Phải cân nhắc kỹ phương án chứ không thể làm tùy tiện được” - ông Quang nói.

Được biết, tháng 8 năm nay, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã có cuộc họp khẩn cấp với Nhóm nghiên cứu, tư vấn chống xói lở bờ biển Cửa Đại để thống nhất phương án chống xói lở. Phương án được chọn là dùng cừ Larsen, kè mềm và nuôi bãi để chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các dự án do tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An thực hiện lâu nay vẫn đang phát huy tác dụng tại bờ biển Cửa Đại nhưng còn chậm và thiếu bền vững.

An An