Chuyện khó tin nhưng có thật (số 105): “Anh ấy đã cưới một linh hồn”

09:59 | 16/03/2015

2,155 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Anh muốn làm lễ cưới với chị P. Anh nói với vợ rằng, lúc còn bên nhau họ đã hứa hẹn nên vợ nên chồng khi chiến tranh kết thúc, anh muốn hoàn thành nguyện ước năm xưa.

Kính gửi Tòa soạn!

Tôi và anh H. cùng một đơn vị. Chúng tôi cùng lên đường vào chiến trường miền Nam năm 1964. Chính trong những ngày tháng gian khổ ở đường mòn Hồ Chí Minh, anh H. đã yêu một nữ quân y. Chị ấy tên là P. Hình như họ sinh ra để cho nhau. Bởi thế mà chỉ trong lần gặp đầu tiên, họ đã say đắm nhau. Tôi nhớ lần ấy chúng tôi chỉ nghỉ chân gần Trạm Quân y nơi P. làm việc có một ngày một đêm. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy mà mối tình của hai người sau này trở thành một câu chuyện. Hai người đã hẹn ước nên vợ nên chồng khi chiến tranh kết thúc. Lời hứa hẹn của hai người lúc đó còn cao hơn cả lời tuyên thệ của những người lính trước khi bước vào trận đánh.

Sau này vào sâu trong chiến trường, anh H. vẫn tâm sự với tôi về lời hẹn ước đấy. Lúc đầu tôi cũng nghĩ đó là lời nói của một tâm hồn lãng mạn. Nhưng sau này, tôi hiểu ra đó là lời hẹn ước máu thịt mà không gì có thể phá vỡ ngoài cái chết. Trong chiến tranh có biết bao điều không thể lường trước được. Từ buổi gặp nhau gần trạm quân y trong một cánh rừng Trường Sơn, anh H. và chị P. không bao giờ gặp nhau nữa.

Năm 1973, anh H. trở về quê hương. Anh bị mất một chân trong một trận đánh gần hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh. Anh giải ngũ và chuyển vào làm việc trong một nông trường ở Ninh Bình. Năm 1975, chiến tranh kết thúc. Anh H. bắt đầu tìm cách hỏi thăm tin tức chị P.

Sau hòa bình, tôi đến nông trường thăm anh H. Anh H. lại nói với tôi về đám cưới của hai người. Nhưng đã hơn mười năm, hai người không có tin tức của nhau. Sau ngày hòa bình, anh H. đã tìm đến Ban quân sự tỉnh Quảng Bình quê chị, để hỏi thăm tin tức. Không may là anh không biết cụ thể xã, huyện của chị P. Những người ở Ban quân sự đã giúp anh tìm ra người có tên họ như của chị P. Anh H. đã tìm đến tận quê quán người đó. Nhưng họ tên thì đúng mà người thì không đúng. Anh H. không hề nản chí.

Mỗi khi có điều kiện anh lại đến những nơi có thể hỏi thăm tin tức chị P. Việc tìm kiếm tin tức về chị P. kéo dài trong nhiều năm. Thấy câu chuyện có vẻ như là chuyện trong mơ, tôi khuyên anh P. nên lập gia đình. Tôi nói với anh, có thể P. không phải tên thực của cô gái đó. Nhưng anh H. gạt ngay ý nghĩ đó của tôi ra. Anh H. bảo chỉ người trong cuộc mới biết tình cảm của họ với nhau như thế nào.

Mấy năm sau, có dịp công tác tại nông trường anh H., tôi nói thẳng với anh H. ý nghĩ của tôi về chuyện tình yêu của anh và chị P. Có thể chị P. nghĩ đến chuyện sống chết của người lính thật mong manh mà nhận lời đợi chờ anh như một sự động viên. Chuyện hẹn hò như vậy không phải là chuyện đặc biệt gì trong thời chiến tranh với hàng vạn cuộc gặp gỡ của những người lính còn trẻ. Những lời hẹn ước như thế nơi mặt trận không phải là sự giàng buộc.

Anh H. vẫn cứ tiếp tục hỏi thăm tin tức và chờ đợi. Hòa bình đã bảy tám năm rồi. Nhiều lúc anh nghĩ chị đã hy sinh. Nếu chị P. còn sống và còn yêu anh thì chị đã đi tìm anh. Cuối cùng anh H. cũng xây dựng gia đình với một nữ công nhân nông trường. Hai vợ chồng anh sống rất hạnh phúc.

Một lần, anh H. cùng các cựu chiến binh thực hiện một chuyến đi về đường mòn Hồ Chí Minh. Họ đã đến một nghĩa trang liệt sĩ, nơi chôn cất thi hài của nhiều người lính Trường Sơn. Anh H. đã thấy ngôi mộ một chiến sĩ trùng tên và quê quán mà chị P. đã nhắn gửi lại anh. Trong anh ngọn lửa hy vọng lại bừng cháy. Anh tức tốc trở lại Quảng Bình. Anh tìm đến đúng địa chỉ được ghi trên bia mộ. Khi bước vào nhà, anh bàng hoàng nhận ra tấm ảnh trên ban thờ chính là chị P.

Lúc này anh mới biết, chị P. đã hy sinh sau khi họ chia tay nhau được bảy tháng. Chính vì thế mà anh H. đã chờ đợi mãi nhưng không thấy chị P. trở về. Anh H. vô cùng đau khổ.

Anh trở về và kể cho vợ anh câu chuyện của anh và chị P. Vợ anh cảm động và càng quý trọng chồng mình. Chị nói với anh có thể lập một ban thờ nhỏ để thờ chị P. Anh H. không đồng ý. Nhưng đến một ngày anh đã nói với vợ một ý định kỳ lạ. Anh muốn làm lễ cưới với chị P. Anh nói với vợ rằng, lúc còn bên nhau họ đã hứa hẹn nên vợ nên chồng khi chiến tranh kết thúc, anh muốn hoàn thành nguyện ước năm xưa.

Nghe ý định của chồng, người vợ đã khóc. Chị hiểu và tôn trọng tình cảm thiêng liêng của những người lính và lòng thủy chung của chồng. Sau một vài ngày suy nghĩ, chị đồng ý để anh H. làm lễ cưới với chị P. Anh H. viết thư cho tôi nói về đám cưới đó và nhờ tôi giúp đỡ. Đọc thư xong tôi bàng hoàng. Tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng mối tình của một thời gian ngắn ngủi lại là một mối tình sâu sắc đến như vậy.

Khi tôi đến, anh H. vừa đi Quảng Bình về. Anh đã đến gặp gia đình chị P. để kể lại câu chuyện của hai người và xin gia đình họ hàng chị P. cho phép anh được cưới chị P. Cả gia đình chị P. đã khóc và cảm động trước tấm chân tình của anh H. và họ đã đồng ý.

Tôi trở thành phù rể cho anh H. Chúng tôi đã đến nghĩa trang liệt sĩ nơi mà chị P. đang yên nghỉ để đón dâu. Đến đúng ngôi mộ, anh mở chiếc balô lấy ra rất nhiều hàng mã gồm quần áo cưới, gương lược, đôi dép... Anh H. đặt tất cả mọi thứ lên mộ cùng với bức truyền thần chị P. và thắp hương. Anh chắp tay rì rầm nói chuyện với chị P. trong làn nước mắt. Sau khi hương tàn, anh đốt vàng mã rồi ôm một bó hoa lay-ơn đến trước bức truyền thần chị P. và nói: "Anh đến đón em đây". Rồi anh ôm bức truyền thần chị P. cùng bó hoa rời nghĩa trang liệt sĩ. Anh đã cưới một linh hồn

Buổi chiều chúng tôi về đến nhà anh. Vợ anh đã chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn. Anh H đặt bức truyền thần chị P cạnh mâm cơm trước một chiếc bát và đôi đũa đã được người vợ chuẩn bị trước. Sau bữa cơm ấy, vợ anh dọn dẹp và xin phép đưa hai đứa con nhỏ về bên nhà ngoại. Lúc đó, tôi đã hiểu ra mọi chuyện. Tôi thầm cảm phục chị, một người phụ nữ nhân hậu và cao thượng.

Anh H. ôm bức chân dung vào buồng. Trên giường có hai chiếc gối mới tinh. Tôi sửng sốt đến lạnh người và không thể tin nổi khi còn được biết chính vợ anh chuẩn bị một cái giường cưới như thế cho đêm tân hôn của chồng. Người tôi run lên bần bật và tôi òa khóc. Tôi thấy tôi chưa bao giờ hiểu được tình yêu cũng như tấm lòng nhân ái của con người lại có thể mạnh mẽ và thẳm sâu đến như vậy. Đêm ấy, anh H. đặt bức truyền thần chị P. lên chiếc gối có thêu đôi chim hòa bình bên cạnh anh.

Cả đêm ấy, tôi không sao ngủ được. Quả thực lúc đầu tôi nghĩ anh H. bị thương và sống nhiều với bom đạn trong chiến tranh nên bị ảnh hưởng thần kinh. Nhưng sau này thì tôi đã hiểu con người anh cũng như vợ anh, một nữ công nhân một nông trường mà sao có trái tim và tấm lòng nhân hậu đến như vậy.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, anh H. bảo tôi trông nhà để anh đạp xe sang nhà ngoại đón vợ và các con về. Bức truyền thần chị P. đã được anh gói lại và cất vào trong tủ. Anh nói với tôi: "Bây giờ tôi không còn giày vò và đau khổ nữa. Tôi có thể bắt đầu cuộc sống thanh thản với vợ con mình"

Theo ANTG Cuối tháng