Châu Âu làm sạch “nghĩa địa” hạt nhân lớn nhất thế giới

09:33 | 05/10/2017

1,440 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trên căn cứ cũ của đội tàu ngầm Liên Xô ở Murmansk, vùng cực bắc nước Nga ngày nay, vừa diễn ra lễ ra quân chương trình làm sạch “nghĩa địa” hạt nhân lớn nhất thế giới. 

Vượt qua những rào cản chính trị, dân tộc, chương trình làm sạch “nghĩa địa” hạt nhân do cộng đồng quốc tế tài trợ một nửa kinh phí là minh chứng rõ nét cho thấy sự đoàn kết giữa người dân châu Âu với nước Nga trước hiểm họa chung.

Anatoly Grigoriev là người có thân hình cao lớn và nói năng thẳng thắn. Ingar Amundsen lại mảnh mai và có phong thái của một người lính. Hai người, một Nga, một Na Uy, không giống nhau bất cứ điểm nào nhưng họ quý nhau như huynh đệ, ăn chung bàn, ngủ chung lán. “Tất cả vì công việc chung của chúng tôi”, Anatoly Grigoriev nói. “Và vì cả những khó khăn của quá khứ và tương lai”, Ingar Amundsen mỉm cười chen vào. Hai người họ đang cắm trại trên bờ vịnh Andreyeva, nằm trên biển Barents, phía bắc nước Nga, cách Murmansk khoảng 60 cây số. Đây là cấm địa từ lâu đối với người nước ngoài.

chau au lam sach nghia dia hat nhan lon nhat the gioi
Nhóm chuyên gia quốc tế tại lễ ra quân chương trình dọn dẹp bãi rác hạt nhân Murmansk ngày 27-6-2017

Trên khuôn mặt họ thể hiện cùng một niềm vui vì họ vừa đến đây tham gia vào giai đoạn đầu tiên của kế hoạch “làm sạch” một trong những nghĩa địa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới. Đó là vào ngày 27-6-2017. Dưới bầu trời xám xịt và mưa phùn ở Murmansk, trong một buổi lễ ra quân đơn giản nhưng cảm động, các quan chức Nga và phương Tây ca ngợi sự hợp tác quốc tế bất chấp những căng thẳng chính trị trong việc xử lý bãi rác thải hạt nhân Murmansk.

Quang cảnh biển lạnh và buồn tẻ của vùng Murmansk khiến nhiều người đến đây không thể nghĩ được đây lại là một “Chernobyl nổi”, có nguy cơ biến thành thảm họa hạt nhân bất cứ lúc nào.

Hải quân Liên Xô có 247 tàu ngầm hạt nhân và 5 tàu chiến chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hai phần ba trong số thuộc Hạm đội phương Bắc, đóng tại vịnh Andreyeva.

Murmansk là căn cứ lớn nhất trong 5 căn cứ hải quân của Liên Xô ở phía Bắc. Vào năm 1982, các vết nứt trong các bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng ở đây khiến người ta lo sợ sẽ xảy ra rò rỉ phóng xạ ra biển Barents. Đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, thế giới biết đến căn cứ Murmansk là bãi rác chất thải hạt nhân lớn nhất hành tinh. Năm 1992, cơ sở này đã bị đóng cửa và giao quyền quản lý cho Rosatom, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga, dưới sự giám sát của Bộ Môi trường.

Từ lâu các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cũ của quân đội Liên Xô đã được xử lý, chất thải phóng xạ được thu gom và chế biến. Nhưng do chi phí xử lý quá cao, cộng thêm những thay đổi chính trị thời kỳ cuối của Liên bang Xôviết, nhiều tàu ngầm hạt nhân cũ vẫn chưa được xử lý.

Mặc dù chưa xảy ra vụ rò rỉ phóng xạ nào từ căn cứ này nhưng Nga và các nước láng giềng châu Âu rất lo lắng và tìm cách giải quyết.

Tính tổng cộng đội tàu ngầm hạt nhân cũ ở căn cứ Murmansk có tới 22.000 bộ phận thiết bị nhiên liệu hạt nhân cần được tháo dỡ và vận chuyển đến nhà máy xử lý chất thải hạt nhân Mayak của Nga, cách Urals 3.000km về phía Nam. Việc vận chuyển trước tiên bằng tàu thủy đến một cảng gần Murmansk và sau đó bằng tàu hỏa đặc biệt và được bảo đảm an toàn cực cao.

Chi phí của chương trình làm sạch phóng xạ tại căn cứ Murmansk ước tính khoảng 18 tỉ rúp (khoảng 260 triệu euro). “Chúng tôi chia nhỏ các chi phí: người Nga lo chi phí hoạt động và vận hành ở căn cứ; các nước phương Tây đầu tư vào việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và nâng cấp các tiêu chuẩn an ninh tại Murmansk”, Balthasar Lindauer, một trong những chuyên gia của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cho biết. EBRD đã đóng góp 165 triệu euro, một quỹ đặc biệt mà Pháp là nước đóng góp chính với 40 triệu euro, cho các hợp tác song phương.

chau au lam sach nghia dia hat nhan lon nhat the gioi
Một tàu ngầm hạt nhân mục nát ở Murmansk

“Ngoài đóng góp tài chính, người phương Tây còn tạo mọi điều kiện để thực hiện dự án này”, Anatoly Grigoriev cho biết. “Nếu không xử lý thì chỉ cần một thiên tai, mối nguy hiểm hạt nhân từ căn cứ này sẽ trở thành thảm họa với không riêng nước Nga mà còn cả với nhiều nước châu Âu”, ông nhớ lại khi tìm cách thuyết phục cấp trên của mình hợp tác với người phương Tây.

“Ngay từ đầu, người Nga đã nhận thức được mức độ của vấn đề nhưng đã không có phương tiện hay tài chính để giải quyết”, Jane Smith-Briggs, người phụ trách vấn đề hạt nhân tại EBRD cho biết.

Nhìn quang cảnh kỹ sư các nước tháo dỡ số tàu ngầm hạt nhân ở Murmansk, người ta không thể nghĩ giữa Nga và Tây Âu giờ lại đang xảy ra căng thẳng.

Các kỹ sư Pháp thuộc Tập đoàn hạt nhân Areva điều khiển các robot tháo gỡ linh kiện từ tàu ngầm, Công ty Nicolas (cũng của Pháp) thì lo di chuyển các thiết bị trên đến điểm tập kết. Người Ý, trong chương trình hợp tác dọn dẹp bãi hạt nhân này, đã thiết kế chiếc tàu Rossita, đặc biệt cho hoạt động sơ tán chất thải hạt nhân tới một cảng gần Murmansk.

Người Anh tham gia vào việc tháo dỡ các tòa nhà đổ nát. Phía Nga có 70 kỹ sư chuyên trách giám sát và thi công ở tất cả các khâu do kỹ sư trưởng Igor Kazakov điều hành.

“Không có biên giới trong lĩnh vực hợp tác hạt nhân. Đây là một trong những mối đe dọa lớn nhất thế giới. Hãy nhìn xem!”, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Børge Brende nói.

Tất cả các hoạt động từ đầu tới cuối đều được giám sát chặt chẽ và được quay phim. “Mọi thứ đều được kiểm soát và quay phim. Chúng tôi chưa gặp vấn đề gì”, ông Igor Kazakov giải thích, trong khi xung quanh ông, các máy đo phóng xạ không ghi lại bất kỳ mức bất thường nào.

Theo kế hoạch, chương trình làm sạch “nghĩa địa” hạt nhân cần phải mất 6 đến 10 năm.

“Nếu không xử lý thì chỉ cần một thiên tai, mối nguy hiểm hạt nhân từ căn cứ này sẽ trở thành thảm họa với không riêng nước Nga mà còn cả với nhiều nước châu Âu”, Anatoly Grigoriev, Giám đốc dự án làm sạch phóng xạ tại căn cứ Murmansk cho biết.

S.Phương