Chậm rãi công nghiệp văn hóa Việt

16:54 | 25/07/2012

3,449 lượt xem
|
(Petrotimes) - Con đường phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ được mở lối ra sao và kéo dài như thế nào là trọng tâm mà nhiều chuyên gia đang nghiên cứu, đề xuất. Liệu có thể rút thật ngắn chặng đường từ đề án, đề xuất đến thực thi?

Chỉ mê thương mại hóa

Việt Nam có ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) hay không và thực trạng CNVH hiện nay ra sao? Vấn đề này được nêu lên trong tọa đàm “Phát triển cơ chế tài chính và khuôn khổ pháp lý mới cho CNVH tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Viện Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) - Bộ VH-TT&DL. Được biết, để thật khách quan, thời gian qua với sự hỗ trợ của UNESCO, Viện đã mời các chuyên gia UNESCO khảo sát, tham vấn tại Việt Nam và xây dựng đề án cho sự phát triển CNVH.

Các di sản là nguồn lực quan trọng cho CNVH chứ không chỉ là đối tượng bảo tồn. Ảnh: Cầu đá chùa Bút Tháp (Bắc Ninh)

Thực tế cho thấy, tiềm năng cho ngành kinh tế này ở Việt Nam rất dồi dào nhưng lại không được hiểu một cách đầy đủ cũng như khai thác tốt. PGS.TS Lương Hồng Quang – Phó viện trưởng Viện VHNT cho rằng, Việt Nam có CNVH nhưng thực sự nó không “ra hồn”, nói là có cũng được, là không cũng được! Theo ông Quang, các lĩnh vực trong CNVH đã xuất hiện nhưng chúng ta lại chưa có được chiến lược tổng thể để phát triển. Chuyên gia Tom Fleming của UNESCO nhận xét, trong thời gian nghiên cứu, chúng tôi thấy sự mơ hồ và băn khoăn của những người mà chúng tôi tham vấn, mọi người hay nghĩ một cách hẹp đó chỉ là văn hóa truyền thống, là vấn đề bản sắc, là vấn đề kiểm duyệt… hoặc nói đến CNVH là nghĩ đến chuyện thương mại hóa.

Hiểu không đầy đủ, thiếu chiến lược, thiếu đầu tư, CNVH ở Việt Nam hiện mang một khuôn mặt buồn, vừa là thực trạng cũng vừa là nguyên nhân kìm hãm. Đó là nền tảng dữ liệu kém, quản lý phức tạp, thiếu sự lãnh đạo rõ ràng, bỏ lỡ nhiều cơ hội, thiếu các tổ chức phi chính phủ thực sự trong ngành, tiếp cận quan liêu và không rõ ràng trong quản lý tài chính và hỗ trợ tài chính, thiếu một nền kinh tế hỗn hợp cho ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, cơ sở hạ tầng kém phát triển, thiếu một hệ sinh thái sáng tạo tổng thể, tiếp cận nguồn tài chính khó khăn…

Chìa khóa ở đâu?

Bên cạnh chính sách cho văn hóa, chúng ta phải tiếp tục xây dựng, củng cố, có sự phát triển rộng hơn cho CNVH ở Việt Nam. Và như vậy, cần hướng tiếp cận có hệ thống hơn, đưa ra tầm nhìn và những cam kết của Chính phủ trong phát triển CNVH. Chuyên gia Tom đặt vấn đề: Chúng tôi đề xuất, Chính phủ Việt Nam cần kết nối với các đối tác từ công lập cho đến tư nhân và xã hội dân sự để xây dựng chiến lược phát triển cho CNVH hay còn gọi là Công nghiệp sáng tạo (CNST) bằng những bước đi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Và phục vụ cho chiến lược đó là những dự án nền tảng.

Phố cổ Hội An (Quảng Nam)

Những hoạt động này có đặc điểm là dựa vào tri thức, sử dụng nguồn nhân lực là chủ yếu, tạo việc làm và lợi nhuận. Việc nuôi dưỡng sức sáng tạo và khuyến khích xã hội sáng tạo sẽ gìn giữ được sự đa dạng văn hóa và củng cố sự đóng góp về kinh tế của họ.

Trong nhiều gợi ý, các chuyên gia đưa ra các dự án lập bản đồ sáng tạo thử nghiệm nhằm hình thành hệ thống thông tin và dữ liệu về quy mô và thực trạng ngành; phát triển mạng lưới doanh nhân sáng tạo; chuyển từ mô hình “bao cấp” sang mô hình “đầu tư” cho ngành; thiết lập cấu trúc chính quyền có sự rõ ràng về lãnh đạo, hợp tác và cấu trúc chuyển giao cho ngành CNST; hình thành các chùm sáng tạo. Về lâu dài cần hình thành bối cảnh đầu tư rõ ràng cho văn hóa và CNST; quy định hỗ trợ cho các tổ chức phi chính phủ trong trao đổi kinh doanh và tăng nguồn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau… Có rất nhiều vấn đề cần điều chỉnh, cải tiến và xây dựng mới mà trong đó, như nhận định của PGS.TS Lương Hồng Quang thì quan trọng nhất là cơ chế chính sách và tổ chức. Còn chuyên gia William Codjo của

UNESCO cho rằng, muốn chiến lược, tầm nhìn khả thi, phải có nền tảng đầu tư tốt, cơ chế tài chính là tiên quyết và cốt lõi trong phát triển CNST.

Hy vọng nào cho 10 bước đi?

Để cụ thể hóa những hướng đi trên, chiến lược và chương trình kinh tế sáng tạo 2012-2014 đã được đưa ra gồm 10 hành động, nhấn mạnh vào tính thử nghiệm để từ đó nghiên cứu áp dụng rộng rãi. 10 hành động này sẽ lấy ý kiến rộng rãi trước khi các chuyên gia hoàn thiện bản đề án, đảm bảo có thể trình Bộ VH-TT&DL cùng các ngành liên quan và cấp cao hơn. Theo đó, các cơ quan, tổ chức như Bộ VH-TT&DL, UNESCO tại Việt Nam, Viện VHNT, các địa phương, Sở VH-TT&DL địa phương cùng một số tổ chức khác, có thể tổ chức các hội nghị sáng tạo tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng vào cuối năm 2012 và đầu 2013 nhằm kết nối các đầu mối, hướng về Chính phủ với cam kết có chương trình dài hạn cho phát triển CNST…

Cùng với đó là thiết lập dự án thử nghiệm lập bản đồ CNST tại Hà Nội và TP HCM; xây dựng chương trình đào tạo kinh doanh sáng tạo ở một số trường đại học; lập kế hoạch và nghiên cứu khả thi cho quỹ vay nợ sáng tạo thử nghiệm tại TP HCM. Ngoài ra, trong các hành động còn có đề xuất xây dựng chương trình thử nghiệm quản lý và doanh nhân sáng tạo cho các công ty thủ công, bán lẻ và thiết kế ở Hội An hoặc một địa phương khác phát triển về du lịch văn hóa; nghiên cứu khả thi cho một chùm sáng tạo chuyên biệt ở TP HCM. Các chuyên gia còn nêu vấn đề phát triển thương hiệu chung  nhằm thúc đẩy CNVH, ví dụ như “Việt Nam sáng tạo”. Đồng thời, có thể bắt đầu giai đoạn hình thành tổ chức phi chính phủ mới dẫn dắt sự phát triển, tăng trưởng của CNST và đổi mới các cấu trúc quản lý Nhà nước khác.

Nhận định nhiều, phân tích rộng, đề xuất phong phú, hướng tới niềm tin vào tiềm năng và tương lai phát triển của CNVH Việt Nam, tất nhiên các chuyên gia sẽ cần nghiên cứu cụ thể, sát thực hơn nữa. Nhưng để hiện thực hóa những hành động trên sau khi hoàn chỉnh, đệ trình cùng những gợi ý, đề xuất khác, đòi hỏi sự thay đổi lớn trong nhận thức của nhiều thành phần từ giới lãnh đạo, quản lý, kinh doanh, đầu tư về lĩnh vực CNVH. Hy vọng sớm có những hoạt động đầu tiên thúc đẩy CNVH để lĩnh vực này không rơi vào vòng tròn nghiên cứu, đề xuất, chờ đợi và kéo dài hy vọng.

Khái niệm CNVH nhìn chung bao gồm hoạt động sản xuất và xuất bản các văn bản, âm nhạc, truyền hình, đồng thời gồm cả thủ công mỹ nghệ và thiết kế. Ở nhiều nước, kiến trúc, nghệ thuật thị giác và nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa cũng nằm trong lĩnh vực này…

Xuân Bách

(Năng lượng Mới số 140, ra thứ Ba ngày 24/7/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan