Ngành xuất bản

Cần "thuốc đặc trị" xử lý vi phạm

07:18 | 28/01/2018

367 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù đã có nhiều biện pháp “mạnh tay”, nhưng trong năm 2017, ngành xuất bản vẫn tồn tại vấn nạn sách lậu, không kiểm soát được liên kết xuất bản hay vi phạm bản quyền. Tất cả những vấn đề này đã và đang khiến người làm sách tiếp tục đối mặt với nhiều mối lo. 

Lúng túng vì liên kết

Năm 2017, một trong những vấn nạn mà người làm sách phải đối mặt chính là tình trạng biến tướng trong liên kết xuất bản, hiện tượng “bán giấy phép xuất bản” tồn tại ngầm lâu nay mà chưa được xử lý quyết liệt. Tình trạng này dẫn tới những sai phạm như sai nội dung, sai thể loại so với đăng ký hay tái bản nhiều lần nhưng vẫn để xảy ra sai phạm.

Trong số đó, có thể nhắc tới trường hợp đình chỉ và xử lý cuốn “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng do Nhà xuất bản (NXB) Dân Trí liên kết Công ty TNHH Văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng xuất bản.

can thuoc dac tri xu ly vi pham
Độc giả lựa chọn sách trong "Ngày sách Việt Nam 2017"

Cụ thể, Công ty TNHH Văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng đã làm sai lệch nội dung xuất bản phẩm liên kết “Miếng ngon Hà Nội” so với bản thảo được Giám đốc NXB Dân Trí ký duyệt. Ngoài ra, cuốn sách còn bị thay đổi nội dung với mục đích xấu về chính trị. Với những sai phạm trên, ngày 26-5, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa đã ký quyết định xử phạt 3 bên với tổng số tiền 270 triệu đồng.

Đến tháng 6-2017, Cục Xuất bản, In và Phát hành tiếp tục phát công văn gửi NXB Hội Nhà văn yêu cầu đình chỉ phát hành và thu hồi cuốn sách “Ði tìm sự thật” (tác giả Trần Nhuận Minh) do ý kiến của tác giả về lịch sử không phù hợp, nội dung sách khi xuất bản không như đăng ký. Cuốn “Một cơn gió bụi (Kiến văn lục)”, tác giả Trần Trọng Kim, cũng bị xử phạt, thu hồi với lý do sách được xuất bản lại là thể loại khác và tóm tắt nội dung không như đăng ký. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đánh giá nội dung cuốn sách đã bị sai lệch, vi phạm Luật Xuất bản khi có nhiều chi tiết, đánh giá không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng.

Hiện nay, cả nước có 60 NXB, trong đó 49 NXB thuộc cơ quan Trung ương và 11 NXB địa phương, hoạt động theo hai loại hình: đơn vị sự nghiệp công lập (44 NXB) và doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu (16 NXB).

Tuy nhiên, mức xử phạt như hiện tại được cho là chưa đủ răn đe sai phạm, số tiền phạt nhỏ hơn nhiều so với lợi nhuận thu được, nên một số đơn vị thậm chí cố tình làm sai và tái phạm nhiều lần.

Chết vì bản quyền

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông), năm 2017, các NXB đã nộp lưu chiểu 26.333 xuất bản phẩm với 312.894.874 bản, trong đó sách in 25.431 cuốn với 293.191.225 bản; sách điện tử 137 xuất bản phẩm… Trong đó, Cục đã phát hiện và xử lý 129 xuất bản phẩm vi phạm, xử phạt hành chính hơn 700 triệu đồng.

Cũng trong năm 2017, ngành xuất bản phải đối mặt với vấn nạn vi phạm bản quyền đối với cả sách in và sách nói. Tháng 7-2017, đại diện Câu lạc bộ sách Sài Gòn (Chibooks và Huy Hoàng Bookstore) đã có đơn kiến nghị lên Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam về việc Công ty Yeah1 Network có hành vi xâm phạm bản quyền. Cụ thể, Công ty Yeah1 Network công khai tuyển dụng trên mạng xã hội số lượng lớn cộng tác viên thu âm sách nói với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Nội dung công việc là nhận sách và đọc thu âm tại nhà, được hướng dẫn thu âm và chỉnh file tạo ra thành phẩm.

Các hoạt động thu âm vi phạm bản quyền diễn ra với các đầu sách: “Totto-Chan bên cửa sổ”, “Nhà giả kim”, “Một lít nước mắt”, “Đấu trường sinh tử”, “Harry Potter” (Nhã Nam và NXB Văn học đồng ấn hành); “Tony buổi sáng” (NXB Trẻ); “Thông minh hơn, nhanh hơn, giỏi hơn” (Alphabooks)…

Đến tháng 9-2017, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định thu hồi và tiêu hủy cuốn sách của tác giả Võ Quý và Nguyễn Lân Hùng Sơn vì vi phạm bản quyền ảnh. Quyết định này dựa trên đơn tố cáo của ông Lê Mạnh Hùng, Bùi Đức Tiến, Đặng Ngọc Sâm Thương về việc vi phạm bản quyền một số hình ảnh trong cuốn sách “Chim Việt Nam”.

Để chống lại vấn nạn này, Hội Xuất bản Việt Nam đề nghị tất cả các đơn vị xuất bản, phát hành sách phối hợp chống lại nạn sao chép tác phẩm, sách bị xâm hại, vi phạm bản quyền. Các đơn vị sẽ phối hợp với nhau chia sẻ rộng rãi các trường hợp vi phạm trên facebook, website… Sau khi tổng hợp đầy đủ chứng cứ, văn phòng Hội sẽ phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật để tìm ra biện pháp đấu tranh và xử lý thích hợp.

Tuy nhiên trên thực tế, còn nhiều cơ quan chưa kiểm tra, đôn đốc NXB thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích dẫn đến NXB sai phạm, yếu kém kéo dài. Nhiều NXB không quan tâm đến năng lực tài chính, đến nay vẫn còn 22 NXB chưa được đảm bảo điều kiện hoạt động, trong đó 15 đơn vị không đủ điều kiện về vốn.

Đã đến lúc, chúng ta cần thuốc “đặc trị” dành cho ngành xuất bản nói chung để xử lý dứt điểm và triệt để các sai phạm, tránh tình trạng tái phạm. Ngoài ra, để hạn chế sai sót, rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan trong triển khai đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách để giúp các NXB có đủ tiềm lực, không lệ thuộc vào đối tác liên kết. Có như vậy mới hy vọng các NXB đủ “sức khỏe” để đứng vững trong thị trường và phục vụ hiệu quả cho nhu cầu đọc sách của người dân.

Bộ sách “Anh hùng Héc-quyn” không phù hợp

can thuoc dac tri xu ly vi pham

Cục Xuất Bản có công văn gửi NXB Kim Đồng yêu cầu kiểm tra và giải trình về việc xuất bản bộ sách “Thần thoại Hy Lạp” có cuốn “Anh hùng Héc-quyn”.

Công văn nêu rõ: “…theo phản ánh của báo chí, hiện nay trên thị trường đang lưu hành bộ sách “Thần thoại Hy Lạp” có nội dung không phù hợp với trẻ em”. Vì thế, Cục yêu cầu “NXB Kim Đồng kiểm tra và báo cáo giải trình về việc xuất bản, phát hành bộ sách trên”.

Trước đó, bộ sách “Thần thoại Hy Lạp” do NXB Kim Đồng phát hành, dù đã tái bản đến lần thứ 9 vẫn bị Cục Xuất bản đình chỉ phát hành để rà soát và thẩm định vào năm 2015.

Sau đó, NXB Kim Đồng đã có văn bản báo cáo gửi Cục Xuất bản, In và Phát hành do Phó giám đốc Bùi Tuấn Nghĩa ký với nội dung: “Chúng tôi đã tiếp thu những nhận xét, góp ý quý báu của bạn đọc chỉnh lý, hoàn thiện bộ sách”. Tuy nhiên theo NXB, đó chỉ là “một số câu chữ, hình ảnh còn chưa thật sự phù hợp với độc giả Việt Nam”. Đơn vị này không hề đề cập đến các giải pháp xử lý đối với những hình ảnh và nội dung phản cảm trong cuốn sách “Anh hùng Héc-quyn”.

Khánh An