Các Bộ trưởng hứa gì và đã làm được gì?

08:14 | 26/10/2012

1,943 lượt xem
|
(Petrotimes) - Ổn định thị trường xăng dầu, củng cố thị trường tài chính - tiền tệ, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đặc biệt là việc giải quyết những vấn đề tồn tại, nhức nhối trong lĩnh vực giao thông vận tải là 5 chủ đề lớn mà cử tri cả nước đặt kỳ vọng rất cao vào các tân Bộ trưởng sẽ giải quyết triệt để trong nhiệm kỳ 2011-2016. Hơn một năm sau ngày nội các Chính phủ khóa XIII ra mắt, các tân Bộ trưởng đã làm gì và được gì đang là điều mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Ổn định thị trường xăng dầu: Vẫn phải chờ quyết sách mới

Mặt hàng xăng dầu là một trong những mặt hàng đặc biệt quan trọng, có tác động mạnh mẽ đến hầu hết các ngành, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Chính vì vậy, điều mà dư luận xã hội trông mong nhất vào nhiệm kỳ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ là sự minh bạch, công khai trong điều hành giá xăng dầu.

Không phụ lòng mong mỏi của đại bộ phận doanh nghiệp và người dân cả nước, tại Hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam”, trước một loạt dẫn giải của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã thẳng thắn tuyên bố: "Không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân... doanh nghiệp đừng có dọa cơ quan quản lý nhà nước, nếu cần tôi sẽ lập doanh nghiệp khác...".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ

Sự kỳ vọng của dư luận xã hội như vậy đã được người đứng đầu ngành tài chính đáp lại, bằng chứng cho việc này là việc Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã cho lập đoàn kiểm tra việc tính giá xăng dầu, trích quỹ bình ổn của 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn nhất. Người dân hả hê và tin rằng, với kinh nghiệm nhiều năm làm Tổng kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Vương Đình Huệ sẽ làm đâu ra đấy. Cả nền kinh tế hồi hộp, chờ đợi ngày kết quả cuộc thanh tra trên được công bố.

Cuối tháng 12-2011, Bộ Tài chính đã công bố kết quả kiểm tra giá xăng dầu tại 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn và cũng chỉ ra được một vài bất cập trong quản trị doanh nghiệp, cách tính giá cơ sở, chi hoa hồng quá lớn; bất hợp lý trong cơ chế trích nộp, quản lý quỹ bình ổn... Tuy nhiên, cái mà dư luận xã hội trông chờ nhất là các biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp đã bị kiểm tra lại không có.

Kiểu làm “đầu voi, đuôi chuột” khiến dư luận xã hội từ kỳ vọng chuyển sang thất vọng, thị trường xăng dầu vẫn đầy “bí ẩn”, sự công khai, minh bạch giá xăng dầu vẫn là điều xa xỉ. Thậm chí, chức năng quản lý, giám sát của Bộ Tài chính có phần lơi lỏng mà minh chứng rõ nhất là hồi tháng 5 vừa qua, thời điểm mà giá xăng dầu thế giới liên tục giảm trong vòng 1 tháng nhưng giá xăng dầu trong nước không được điều chỉnh. Khoản lợi nhuận 2.100 đồng/lít được báo chí và các chuyên gia kinh tế chỉ ra nhưng doanh nghiệp thì vẫn lờ đi còn Bộ Tài chính lại lặng thinh.

Không những vậy, sự thất vọng với Bộ trưởng Vương Đình Huệ còn thể hiện ở cái cách tính giá cơ sở một cách thiếu nhất quán, lúc 10 ngày, lúc lại 20 ngày của Bộ Tài chính.

Dẹp loạn đầu cơ, thao túng vàng, khơi thông dòng vốn: Mục tiêu vẫn còn quá xa vời

Cũng giống với Bộ trưởng Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng thể hiện rõ quyết tâm sẽ đưa thị trường tài chính, tiền tệ và đặc biệt là vàng về trạng thái ổn định. Nói là làm, lãi suất huy động đã được đưa về 9% và lãi suất cho vay cũng được giới hạn ở mức 13%, Thống đốc còn yêu cầu các ngân hàng điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ về mức 15%. Thậm chí, khi nói về cơn “điên loạn” của vàng, Thống đốc đã chỉ thẳng ra rằng: “Nếu vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từ 400.000 đồng/lượng trở lên chứng tỏ đã và đang có hiện tượng đầu cơ, làm giá”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Nhìn nhận những chính sách tài khóa, tiền tệ mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thực hiện, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, bước đầu là thành công, có kết quả rõ ràng, hướng tới tính ổn định của nền tài chính. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn có vẻ không được tốt như sự lạc quan của Thống đốc. Trong khi lãi suất huy động của dân đã giảm ngay lập tức thì việc cho vay đầu ra là chưa thành công.

Minh chứng cho nhận định đó, TS Cao Sĩ Kiêm với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đưa ra con số: 40% doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, đồng thời cũng khẳng định, mức lãi suất cho các khoản vay cũ là 15% cũng chỉ là lời khuyên chứ không phải quy định pháp luật nên có ngân hàng thực hiện, ngân hàng thì không.

Ổn định thị trường vàng, chấm dứt tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao để đẩy lùi đầu cơ, thao túng… cũng là mục tiêu lớn mà Thống đốc đã đề ra. “Thương hiệu vàng quốc gia” đã bắt đầu được hình thành nhưng chủ trương huy động vàng của Ngân hàng Nhà nước vẫn không đủ sức hấp dẫn người dân mà bằng chứng là khoảng 400 tấn vàng vẫn nằm “chết” trong dân.

Diễn biến thị trường vàng cũng bất ổn như lòng tin của người dân với các chính sách huy động vàng khi mà mức chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, có thời điểm lên tới 3 triệu đồng/lượng. Và như vậy, hiện tượng đầu cơ, thao túng trên thị trường vàng vẫn đang diễn ra theo như lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định ngày mới nhậm chức.

Nói như vậy để thấy rằng, cái điều cốt tử mà nền kinh tế chờ đợi ở Thống đốc vẫn chưa trở thành hiện thực. Dòng vốn giá rẻ vẫn không thể chảy vào nền kinh tế, còn thì trường vàng thì vẫn tiềm ẩn đầy nguy cơ bất ổn và rủi ro!

Nói cải cách giáo dục nhưng bất cập vẫn tràn lan

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận đã từng đưa ra lời hứa về việc xem xét tình trạng lạm thu, học thêm tràn lan tại các cơ sở giáo dục, cũng như việc nâng cao chất lượng giáo dục hiện còn rất yếu kém của Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 1 năm nhìn lại, có lẽ Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ cần suy nghĩ lại khi chưa lời hứa nào của ông biến thành sự thật.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận

Về tình trạng lạm thu, dạy thêm - học thêm tràn lan, năm 2012 rõ ràng là một năm rất đáng nhớ với nền giáo dục Việt Nam. Một loạt các trường học trong hệ thống giáo dục quốc dân bị thanh tra do lạm thu đầu năm, điển hình là các trường tiểu học Nguyễn Trãi, Nam Trung Yên (Thanh Xuân) và Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng). Số tiền đầu tư “mô hình lớp học tương tác” cho mỗi lớp học này lên tới hàng trăm triệu đồng và tất cả đều do phụ huynh “tự nguyện đóng góp”. Tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn rất nóng bỏng, mặc kệ những biện pháp của Bộ GD&ĐT.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT mới chỉ cấm được trên… văn bản, chứ thực tế, tình trạng này vẫn ngang nhiên diễn ra bất chấp các kết luận thanh tra của Bộ.

Và cũng có thể nói rằng, năm 2012 là năm của “scandal giáo dục”. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 được ghi dấu ấn bằng sự kiện “quay cóp” tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang). Hàng loạt clip ghi lại hình ảnh thí sinh vô tư quay cóp và giám thị trở thành những người cung cấp đáp án. Sau khi những hình ảnh ấy được công bố, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT vẫn đạt tỷ lệ rất cao 97,63%, trong đó, tỷ lệ đỗ của Trường THPT Dân lập Đồi Ngô là 78,39%. Con số này đối với cả nước rất thấp, thậm chí là kỷ lục đối với ngành giáo dục trong suốt 5 năm trở lại đây, thế nhưng nó lại quá cao đối với một nền giáo dục còn quá nhiều “sâu”.

Ấy thế nhưng, bản thông báo do Trưởng ban Chỉ đạo thi, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký, lại một lần nữa nhấn mạnh: “Về cơ bản kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế”.

Kể từ khi phong trào “Hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) được phát động vào năm 2006-2007, một loạt các kế hoạch, dự án được Bộ GD&ĐT triển khai để nâng cao chất lượng giáo dục, đưa giáo dục lý thuyết đến gần với thực tiễn. Và thực tế, “Hai không” được đông đảo những người làm giáo dục đồng tình, người dân ủng hộ và phong trào chống tiêu cực nở rộ ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Thế nhưng, dường như con số 100% đỗ tốt nghiệp THPT không phản ánh được hiện trạng của nền giáo dục Việt Nam.

Thực tế, vào ngày 7/8 vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization - WIPO thuộc Liên Hiệp Quốc) đã công bố bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu với 141 nước. Theo đó, vị trí của Việt Nam đứng 76/141, ở nửa dưới của thế giới và với xu hướng ngày càng thụt lùi xa so với các nước láng giềng.

Thêm vào đó, đã từ lâu không có trường đại học nào của Việt Nam lọt vào top 500 trường được xếp hạng quốc tế. Điều này cho thấy, nền giáo dục Việt Nam thật sự rất đáng báo động và cần phải nhìn nhận, đánh giá khách quan, cũng như rất cần những biện pháp mạnh tay nhằm nâng cao vị thế của trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế. Đó cũng chính là những vấn đề mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng như những người làm giáo dục cần phải suy ngẫm.

Tăng viện phí, nhưng chất lượng thì…

Đã từ lâu, các vấn đề liên quan tới đời sống dân sinh đều rất thu hút được sự quan tâm của dư luận, trong đó có ngành y tế. Trong phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội ở địa phương vào ngày 26/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nêu quyết tâm thực hiện việc giảm tải bệnh nhân tại các bệnh viện đầu ngành, các bệnh viện tuyến trên; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Bản thân Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đánh giá tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên vẫn rất trầm trọng, mặc dù đã triển khai một số biện pháp cụ thể. Hiện nay, công suất giường bệnh tại các bệnh viện (BV) thuộc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên tới 120-160%. Đặc biệt, các BV chuyên khoa như ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi (các BV: K, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Ung bướu, Từ Dũ, Nhi đồng 1, 2…) công suất sử dụng giường thậm chí có lúc trên 200%. Tình trạng 2-3 người bệnh chung một giường, có lúc 4 người/giường vẫn đang diễn ra phổ biến tại các BV tuyến trung ương, tỉnh, thành.

Theo số liệu của Bộ Y tế, riêng tại TP Hồ Chí Minh, đã có đến hơn 30 triệu bệnh nhân khám, chữa bệnh trong năm 2011. Tuy nhiên, trong khi các BV tuyến trung ương, thành phố đang quá tải thì nhiều BV tuyến quận, huyện lại chưa sử dụng hết 50% công suất giường bệnh.

Ngoài ra, tình trạng nhiều BV cố “giữ” bệnh nhân để tăng thu cũng là một vấn đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của dư luận; tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra, tình trạng các BV báo cáo lỗ do viện phí thấp rất nhiều, thậm chí có thể nói là nhiều BV đang “hấp hối”. Thế nhưng trên thực tế, lợi nhuận mà các BV “kêu lỗ” này nhận được trong năm 2011 lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Bên cạnh đó, có một thực tế đã diễn ra từ nhiều năm nay là ngành y và bảo hiểm luôn rất khó “gặp nhau” trong việc thực hiện các chính sách chi trả viện phí cho bệnh nhân. Ngành bảo hiểm luôn kêu khổ với các hóa đơn thanh toán viện phí của BV, còn BV lại chẳng mặn mà gì với cái gọi là khám theo sổ bảo hiểm của bệnh nhân.

Mâu thuẫn này càng trở nên gay gắt khi khung viện phí mới được Bộ Y tế xây dựng cao hơn khá nhiều so với khung viện phí cũ. Đồng nghĩa với việc này là chi phí của ngành bảo hiểm cũng vì thế mà phình to và theo ý kiến phản hồi của lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được đăng tải trên các phương tiện truyền thông thời gian qua thì nếu không có sự điều chỉnh, không có những chính sách phù hợp thì khi mức viện phí mới được áp dụng rộng rãi trên địa bàn cả nước, nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm là hoàn toàn có thể xảy ra. Ngành y thu được 10 thì cũng đồng nghĩa với bảo hiểm sẽ chi 10 từ các bệnh nhân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm.

Phương án tăng mức viện phí hiện đang được áp dụng như vậy vẫn chưa thỏa đáng, đó là vẫn chưa kể tới một loạt các vấn đề vốn được xem là bất cập của ngành y từ nhiều năm nay như chất lượng dịch vụ y tế, tình trạng tiêu cực, phong bì, phong bao… vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Như vậy, sau phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những biện pháp nhằm giảm tải tại các BV và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người dân mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra đều chưa phát huy được hiệu quả. Từ đó, người dân có quyền hy vọng vào những biện pháp mạnh tay hơn và thiết thực hơn từ phía các bộ, ngành.

Lĩnh vực giao thông: Khi Bộ trưởng nói và đã làm

Nếu đặt lên bàn cân để so sánh thì xem ra trong dàn lãnh đạo trẻ của đất nước, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng có thể xem là điểm sáng đáng ghi nhận nhất. Một loạt các quyết sách cứng rắn đã được Bộ trưởng đưa ra và theo đánh giá của TS Khuất Việt Hùng - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT thì Bộ trưởng Đinh La Thăng đang đi đúng hướng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng

TS Hùng nhấn mạnh: “Bộ trưởng Đinh La Thăng là một người từ một lĩnh vực khác chuyển sang lĩnh vực GTVT nhưng với tư chất nhạy cảm của một nhà doanh nghiệp, Bộ trưởng đã có những cảm giác về các nhóm giải pháp về giao thông rất đúng đắn. Thay vì đi vào hướng xây dựng cơ sở hạ tầng hay đầu tư đường sắt - những giải pháp rất xa vời, Bộ trưởng lại cho rằng, đây là thời điểm chúng ta phải quản lý giao thông thật tốt và sử dụng tốt, có hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện hữu và năng lực vận tải giao thông hiện hữu”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng từng nói: "Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành, phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội" và thực tế, Bộ trưởng nói và đã làm. Ngày 4/10/2011, trong chuyến công tác tại công trình nhà ga hành khách Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ra quyết định thay tổng chỉ huy công trình ngay tại công trường vì để dự án chậm tiến độ gần 2 năm. Tiếp đó, khi đi kiểm tra tiến độ Dự án xây dựng Quốc lộ 3 (Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên), Bộ trưởng Thăng cũng yêu cầu Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ GTVT) thay 5 nhà thầu không đảm bảo tiến độ.

Như vậy, quyết tâm của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc xử lý các bất cập của ngành GTVT lâu nay đã được Bộ trưởng nhìn nhận và xử lý quyết liệt. Tại buổi họp báo ngày 9/9/2011, khẳng định trách nhiệm của ngành giao thông trước các vấn đề bất cập của ngành, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tuyên bố: "Với quyết tâm và nhiều giải pháp đồng bộ như thế mà tai nạn giao thông không giảm thì có lẽ ngành giao thông phải đi cúng thôi". Và thực tế đã chứng minh các biện pháp ngành Giao thông đề ra đã có hiệu quả. 9 tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông đã giảm cả về số vụ, số người bị thương vong... số vụ ùn tắc cũng giảm đáng kể.

Cử tri cả nước không trông mong chỉ sau 1 năm những bất cập tồn tại bấy lâu của ngành GTVT sẽ được giải quyết nhưng xã hội đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu các bộ, ngành. Và thực tế, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm đó trong từng lời hứa của mình.

Nhìn lại một năm thực hiện nhiệm kỳ Bộ trưởng của vị “Tư lệnh” ngành GTVT có thể vẫn còn nhiều điều đáng nói, đáng bàn nhưng cử tri cả nước vẫn đang đặt lòng tin cao nhất vào Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ông Vũ Tuyên - tác giả Đề án “Ngày không xe máy” bày tỏ sự tin tưởng: “Bộ trưởng Thăng đang đi những nước cờ đầy táo bạo và bước đầu nó đã góp phần đưa bộ máy giao thông vận hành mạnh mẽ hơn. Và với cá tính của một con người mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách như Bộ trưởng Đinh La Thăng thì chắc chắn bài toán giao thông sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm là điều mà cả xã hội nhìn thấy ở vị “Tư lệnh” của ngành GTVT.

 

Thanh Ngọc - Vương Tâm

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc