Bầu chọn cấp trên cho mình - một cách làm hay

07:00 | 21/05/2016

677 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ trước đến nay, công tác bồi dưỡng, đề bạt và quản lý cán bộ các cấp là vấn đề được Đảng ta đặc biệt quan tâm.

Các quy trình nguyên tắc về đề bạt cán bộ đã được xây dựng hết sức cẩn thận, chi tiết và qua từng cấp để xem xét. Trong đó có một việc rất quan trọng là bỏ phiếu tín nhiệm.

Về mặt lý thuyết, với quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ như hiện nay, không thể có cửa để cho ai đó chạy chọt. Tuy nhiên, tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn diễn ra và đã được các lãnh đạo Đảng, Chính phủ nói tới rất nhiều.

Biết là có người chạy. Biết là có hiện tượng chạy. Nhưng thấy được thì cực kỳ khó. Hay nói một cách thẳng thắn là không thể nào thấy được. Bởi lẽ, việc đề bạt cán bộ ta nhiều khi vẫn nặng theo cảm tính, theo sự “yêu quý” của cấp trên. Một khi người nào đó đã được cấp trên yêu quý thì họ sẽ lèo lái bằng đủ cách, đủ kiểu để cho cấp dưới buộc phải bỏ phiếu cho người đó. Thậm chí, cũng có những biện pháp khá là thô bạo, mang tính độc đoán, chuyên quyền. Người viết bài này đã từng chứng kiến cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ theo kiểu “bỏ để cho có”, còn những người được quyền bỏ phiếu không ai dám gạch tên người được đề cử.

bau chon cap tren cho minh mot cach lam hay
Bầu chọn cán bộ cấp phó phòng ở Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí

Sòng phẳng mà nói, không phải nơi nào, chỗ nào công tác tuyển chọn cán bộ cũng được thực hiện đúng theo nguyên tắc của Đảng. Vừa rồi, vào ngày 6-5, tôi được tham dự một cuộc bầu chọn cán bộ cấp phó phòng ở Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và quả thực đã ngỡ ngàng trước cách làm vừa đảm bảo nguyên tắc, vừa rất dân chủ và dân chủ một cách thực sự, chứ không dân chủ giả hiệu.

Lần đầu tiên có trường hợp là các nhân viên được quyền chọn cấp trên cho mình, dù đó mới chỉ là cấp phó phòng.

Có hai ứng cử viên được giới thiệu cho chức phó phòng. Đây là những chuyên viên, cán bộ, đảng viên đã được quy hoạch từ trước và trước khi đưa ra để bỏ phiếu thì Chi bộ Đảng cũng đã xem xét và thống nhất ý kiến. Tại cuộc họp này, có các đồng chí lãnh đạo tổng công ty, các ban chức năng liên quan đến công tác cán bộ. Hai ứng viên phải lần lượt trình bày về quá trình công tác của mình, những ưu khuyết điểm của mình và đồng thời phải nêu kế hoạch nếu được đề bạt làm phó phòng thì họ sẽ phải làm gì, cái gì phải làm trước mắt, cái gì làm lâu dài. Và họ cũng phải nói được thực trạng hiện nay ở đơn vị mình đang như thế nào, phương hướng khắc phục để công việc được tốt hơn.

Rồi tiếp sau đó, các nhân viên ở trong phòng cũng như các đồng chí lãnh đạo của tổng công ty đã có những câu hỏi chất vấn cho ứng viên trả lời. Đã có những câu hỏi khá hóc búa, đã có những ý kiến mạnh mẽ và cũng đã có những ý kiến nói một cách thẳng thắn về ưu điểm, khuyết điểm của từng ứng viên. Nhưng các ý kiến nhiều nhất vẫn là: Nếu được đề bạt thì chương trình hành động sẽ như thế nào?

Quả thật, trả lời được những câu hỏi này không dễ và cũng không đơn giản. Cũng có ứng viên trả lời chưa sát với câu hỏi, cũng có những câu trả lời vẫn mang tính hình thức… nhưng toát lên một điều rằng, hai ứng viên được giới thiệu vào chức vụ phó phòng đều có khát vọng và trình bày được chương trình hành động của mình.

Sau khi trả lời chất vấn, cuộc bỏ phiếu kín được tiến hành. Trong 48 người dự họp, một ứng viên được 25 phiếu và một ứng viên được 23 phiếu. Sau đó, thủ tục đề bạt chức vụ phó phòng được tiến hành và quyết định được trao ngay lập tức.

Như vậy, đây là một cuộc chọn cán bộ rất dân chủ. Và điều thú vị là các cán bộ, nhân viên đã được quyền tự chọn cấp trên cho mình.

Trao đổi với chúng tôi, TS Ngô Hữu Hải - Tổng giám đốc PVEP đã khẳng định một quyết tâm của lãnh đạo tổng công ty là sẽ rà soát lại tất cả đội ngũ cán bộ, đồng thời sẽ có việc cán bộ nhân viên tự chọn cấp trên cho mình, kể cả đến cấp trưởng ban và sau này có thể đến cấp cao hơn nữa. Tất nhiên, cách làm này xét cho cùng không phải điều gì mới mẻ, bởi lẽ việc đề bạt cán bộ, trước đây bao giờ cũng có bỏ phiếu tín nhiệm. Nhưng, nhiều khi việc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra khá hình thức và giới thiệu 1 chọn 1 hoặc không để cho người được bỏ phiếu lựa chọn. Đó là chưa kể ở những nơi này, nơi khác, cấp ủy Đảng đã can thiệp một cách quá mức vào việc bổ nhiệm cán bộ.

Công tác cán bộ xét cho cùng thì chọn những người có tài, có đức để đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo. Vậy thì phải để cho quần chúng, cho người lao động được phát huy tối đa sự dân chủ. Đó là họ tự chọn cán bộ cho mình. Một khi người được đề bạt đã phải tự trình bày chương trình hành động của mình trước khi bỏ phiếu và cấp dưới được trực tiếp chất vấn người đề bạt thì chắc chắn sự lựa chọn của họ sẽ có ý nghĩa hơn.

Hiện nay, trong công tác cán bộ của chúng ta đã có những cách làm hay như ở Quảng Ninh đang nhất thể hóa một số vị trí lãnh đạo. Hoặc như trường hợp ở PVEP cũng là một cách làm hay. Vấn đề này cần có sự nghiên cứu, đánh giá, tổng kết, nhân rộng có như vậy chuyện chọn người tài mới đi được vào thực chất.

 

Kim Triêu

Năng lượng Mới 524