Ăn chặn tiền học nghề

09:20 | 28/07/2017

2,103 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ năm 2009, Chính phủ có chính sách ưu đãi đối với các quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự được đi học nghề.

Việc đào tạo nghề với chương trình sơ cấp do các trường dạy nghề trong và ngoài quân đội đảm nhiệm. Tuy nhiên, không phải tất cả các quân nhân xuất ngũ (QNXN) trở về đều có nhu cầu đi học. Lợi dụng những trường hợp này, có những cơ sở đào tạo nghề đã mua lại “Thẻ học nghề” của các quân nhân không học để trục lợi, chiếm dụng ngân sách Nhà nước. Tiêu biểu của thủ đoạn này là Trường Cao đẳng Nghề số 19 ở Thái Bình.

an chan tien hoc nghe
Trường Cao đẳng Nghề số 19 - Thái Bình

“Thẻ học nghề” có giá trị bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu tại thời điểm học nghề và có giá trị trong 1 năm kể từ khi cấp thẻ. Trường Cao đẳng Nghề số 19 đã mua lại thẻ học nghề của anh em QNXN không theo học với giá từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/thẻ. Sau đó trường lập danh sách QNXN học nghề để quyết toán, rút tiền của ngân sách Nhà nước.

Kết quả thanh tra đã phát hiện sai phạm của nhà trường là lập hai danh sách khác nhau để quyết toán khống số tiền Nhà nước hỗ trợ QNXN học nghề. Một danh sách có số lượng học viên học tại trường thật, còn một danh sách khác chỉ có tên học viên nhưng không đi học. Số tiền để đào tạo những học viên này đã bị nhà trường chiếm dụng.

Ngày 14-11-2015, Trường Cao đẳng Nghề số 19 đã ban hành Quyết định số 538, công nhận tốt nghiệp đối với 37 học sinh thuộc các lớp sơ cấp nghề khóa 5. Nhưng lại có một văn bản khác cùng số, cùng ngày, có nội dung giống hệt nhau, đều do Hiệu trưởng Trần Đình Lưu ký, đóng dấu thì số lượng học viên được công nhận tốt nghiệp là 320 học sinh được công nhận tốt nghiệp.

Hiệu trưởng Trần Đình Lưu thừa nhận có việc quyết toán thẻ học nghề cho QNXN vượt xa so với con số thực tế học tập tại trường. Ông Lưu “tâm phục khẩu phục” kết luận của thanh tra về việc thu sai quy định từ thẻ học nghề là 16 tỉ đồng (trong 2 năm 2014 và 2015). Nhưng ông lại thanh minh rằng: “Sai phạm đó nhà trường không có ý kiến gì nữa bởi số tiền 16 tỉ đồng này liên quan đến người tiền nhiệm của năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015”.

Kết luận của thanh tra nêu rõ: “Năm 2016, sai phạm trong việc thanh quyết toán thẻ học nghề là 16 tỉ đồng và đầu tư xây dựng cơ bản là 780 triệu đồng”.

“Người tiền nhiệm” mà ông Lưu nhắc đến là ông Nguyễn Trọng Tiềm, nguyên Hiệu trưởng nhà trường từ đầu năm 2014 trở về trước. Tuy nhiên, khi người viết bài này hỏi ông Tiềm thì ông nói rằng, khi đó ông đã nhận quyết định nghỉ hưu rồi; sai sót là ở thời kỳ ông Lưu làm hiệu trưởng. Quả thực, văn bản ký trùng số và quyết toán khống số tiền của 320 học viên do ông Lưu ký thì sao lại nói là sai phạm thuộc ông Tiềm được!

Vì thế nên ông Lưu mới thừa nhận: “Nội dung hai văn bản đó là có thật, thanh tra đã kết luận là sai phạm rồi”. Ông lại giải thích vòng vo thêm: “Mỗi thẻ học nghề chỉ có giá trị trong 1 năm, một số anh em đi làm xa có nhu cầu bảo lưu, nếu không quyết toán, sau này anh em muốn cũng không đi học lại được. Bên cạnh đó, mỗi “thẻ học nghề” chỉ được học một nghề, nhiều QNXN có nguyện vọng học nhiều nghề khác nhau nên nhà trường tạo điều kiện cho họ”.

Kết luận của thanh tra nêu rõ: “Năm 2016, sai phạm trong việc thanh quyết toán thẻ học nghề là 16 tỉ đồng và đầu tư xây dựng cơ bản là 780 triệu đồng”.

Qua vụ ăn chặn tiền học nghề ở Trường Cao đẳng Nghề số 19 ở Thái Bình cũng cần phải xem lại xu hướng không muốn học nghề của một số QNXN. Với chính sách ưu đãi của Nhà nước và quân đội, các quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về được bố trí vào học nghề miễn phí ở các trường dạy nghề trong và ngoài quân đội. Vậy mà còn nhiều người không học, trong khi nhu cầu sử dụng lao động ở các cơ sở sản xuất cần người phải có tay nghề, có chứng chỉ. Không có chuyên môn nghiệp vụ sẽ thất nghiệp. Không học mà bán lại thẻ học nghề, số QNXN đó cũng đã vô tình tạo điều kiện cho cách làm ăn gian dối, chiếm dụng ngân sách như Trường Cao đẳng Nghề số 19 nói trên. Vì vậy, anh em QNXN không nên bỏ qua cơ hội được ưu ái và học lấy một nghề gì đó mà mình ưa thích để sinh nhai. Các cụ xưa đã dạy rằng, “Tiền bạc dề dề không bằng nghề trong tay” mà!

Bùi Đức