1.001 kiểu tiêm chủng vắc-xin cho trẻ trên thế giới

09:23 | 02/07/2017

1,179 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc tiêm chủng vắc-xin ở trẻ đang gây tranh cãi lớn tại một số quốc gia châu Âu. Trên bình diện toàn thế giới, vấn đề tiêm chủng cho trẻ em rất đa dạng. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Agnès Buzyn hôm 16-6-2017 tuyên bố rằng, bộ này đang cân nhắc việc “bắt buộc phải tiêm 11 loại vắc-xin cho trẻ thay vì 3 loại như trước đây”. Thông báo này ngay lập tức gây ra một cuộc tranh luận lớn trong xã hội Pháp.

Hiện nay, ở Pháp chỉ có 3 loại vắc-xin là bắt buộc với trẻ: bạch hầu (từ năm 1938), uốn ván (từ năm 1940) và bệnh bại liệt (từ năm 1964). 8 loại mới đáng chú ý có ho gà, viêm gan B và sởi, cho đến trước thông báo của Bộ Y tế Pháp mới chỉ ở dạng khuyến khích.

“Chúng tôi đang xem xét việc bắt buộc phải tiêm 11 loại vắc-xin (bại liệt, uốn ván, bạch hầu, ho gà, sởi, quai bị, rubella, viêm gan B, vi khuẩn Haemophilus influenzae, phế cầu, não mô cầu C) trong một thời gian hạn chế, có thể là từ 5 tới 10 năm” - bà Agnès Buzyn cho biết.

1001 kieu tiem chung vac xin cho tre tren the gioi

Đề xuất của bà Agnès Buzyn đã gặp phải sự phản đối của nhiều tổ chức và cá nhân. Việc tăng số lượng vắc-xin bắt buộc sẽ là “một sự suy giảm chưa từng thấy đối với quyền tự do của người dân”, Augustine Livois, Chủ tịch của Viện Bảo vệ sức khỏe tự nhiên (IPSN), cơ quan đã đưa đơn khiếu nại đề xuất mới của Bộ Y tế tới Hội đồng Quốc gia Pháp nói.

Về phần mình, nghị sĩ Michèle Rivasi tố cáo một “món quà của các phòng thí nghiệm”, ám chỉ số lượng ngày càng tăng của các vụ bê bối trong ngành y tế. Trường hợp điển hình là chiến dịch tiêm chủng lớn chống lại viêm gan B vào năm 1994 tại Pháp, làm nảy sinh nghi ngờ về mối liên hệ giữa loại vắc-xin này với một số bệnh thần kinh như bệnh đa xơ cứng.

Tuy nhiên, Công đoàn Y tế Pháp (CSMF) ủng hộ ý muốn của bà Buzyn. Những người ủng hộ tiêm chủng mở rộng ở Pháp cho rằng, việc tiêm phòng không chỉ là một hành động mang tính cá nhân mà còn nhằm bảo vệ cộng đồng. Một số trẻ em, chẳng hạn như những trẻ mắc bệnh bạch cầu, không thể được tiêm chủng ngừa. Do đó, các đối tượng này có nguy cơ bị nhiễm virus nguy hiểm khi tiếp xúc với những trẻ không được tiêm phòng đầy đủ.

Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam được triển khai từ năm 1985 với 6 loại vắc-xin: lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi. Năm 1997, bổ sung thêm vắc-xin viêm gan B, năm 2010 là vắc-xin HIB phòng viêm màng não Nhật Bản và viêm phổi. Đồng thời, tại những vùng có nguy cơ cao chúng ta có bổ sung tiêm chủng vắc-xin thương hàn, viêm não Nhật Bản.

Trong khi đó tại Italia, ngày 19-5-2017, Chính phủ Roma thông qua một nghị định, hiện còn cần được Quốc hội thông qua trong vòng 3 tháng, yêu cầu trẻ em khi đăng ký đi học bắt buộc phải có giấy chứng nhận tiêm đủ 12 loại vắc-xin. Trước 6 tuổi, 12 loại vắc-xin trên bắt buộc phải có nếu trẻ muốn vào học mẫu giáo. Sau 6 tuổi, những trẻ vào lớp 1 mà không có giấy xác nhận đã tiêm chủng đủ thì cha mẹ chúng sẽ bị phạt tiền rất nặng.

Những loại vắc-xin bắt buộc là: bại liệt, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, haemophilus influenzae B, viêm màng não B và C, sởi, rubella, quai bị, ho gà và thủy đậu.

Ở Mỹ, một loạt các loại vắc-xin (sởi, quai bị, rubella, uốn ván, bạch hầu, ho gà, bại liệt, thủy đậu, viêm gan B, viêm gan A, phế cầu khuẩn, HPV) được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ khi sinh ra đến khi 6 tuổi, cộng với tiêm chủng hằng năm chống cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.

Không luật liên bang nào đòi hỏi phải tiêm chủng, nhưng khoảng 50 tiểu bang yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đối với một số loại vắc-xin cần thiết cho trẻ nếu muốn vào trường công lập, chẳng hạn như bệnh sởi. Việc tiêm các loại vắc-xin này hoàn toàn miễn phí. Trẻ em khi đi tiêm được miễn giờ học hay giờ nghe giảng đạo, nếu theo đạo.

Tại Đức, việc tiêm chủng ở trẻ em là không bắt buộc nhưng chính phủ dựa vào các biện pháp răn đe khiến người dân phải đưa con em đi tiêm phòng. Kể từ năm 2015, luật pháp Đức quy định, cha mẹ nào luôn từ chối tiêm phòng cho con cái của họ có thể về mặt lý thuyết, bị phạt tiền đến 2.500 euro. Tháng 5-2017, cái chết của một người bị bệnh sởi đã khiến Bộ trưởng Y tế Đức, Hermann Grohe quyết định thắt chặt việc tiêm chủng ở trẻ. Hạ nghị viện Đức ngày 1-6-2017 thông qua một đạo luật đòi hỏi các trung tâm chăm sóc và trông giữ trẻ em phải báo cáo Bộ Y tế những trường hợp cha mẹ từ chối tiêm phòng cho con cái của họ.

Ở Thụy Điển, 9 loại vắc-xin (bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà, haemophilus influenzae B, sởi, quai bị, rubella và phế cầu khuẩn) nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia được khuyến khích nhưng không bắt buộc. Các bé gái được tiêm thêm vắc-xin chống lại HPV (Human Papilloma Virus).

Theo người đứng đầu chương trình tiêm chủng quốc gia Thụy Điển, Ann Lindstrand, việc bắt buộc tiêm vắc-xin đối với trẻ em ở Thụy Điển sẽ là thừa, vì hơn 96% các bậc cha mẹ ở đây đưa con cái đi tiêm chủng vắc-xin. Con số này đã được ổn định trong nhiều thập niên.

Tại Bồ Đào Nha, Chương trình Tiêm chủng quốc gia bao gồm 13 loại vắc-xin. Hai loại bắt buộc (bạch hầu và uốn ván). Cái chết vào giữa tháng 4-2017 của một cô gái 17 tuổi do không tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi đã mở ra một cuộc tranh luận trong xã hội Bồ Đào Nha về sự cần thiết phải bắt buộc tiêm tất cả các loại vắc-xin có trong Chương trình Tiêm chủng Quốc gia.

Còn ở Rumani, 10 loại vắc-xin (viêm gan B, lao, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, ho gà, haemophilus influenzae B, sởi, quai bị, rubella) là bắt buộc về mặt lý thuyết trong “lịch trình tiêm chủng quốc gia”, nhưng không có hình phạt nào được đưa ra nếu người dân không tuân thủ.

1001 kieu tiem chung vac xin cho tre tren the gioi

Bộ trưởng Y tế Pháp Agnès Buzyn trả lời trong một cuộc phỏng vấn với tờ Le Parisien: "Bệnh sởi xuất hiện trở lại” và đã giết chết 10 trẻ em từ năm 2008. Tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin phòng bệnh này ở Pháp là 75%, trong khi đáng ra nó phải là 95%. Thật không thể chấp nhận được một thiếu niên 15 tuổi có thể chết vì không được tiêm phòng”.

S.Phương (tổng hợp)