Thu nhập của giáo viên

Yêu cầu mới, chính sách cũ

07:05 | 21/03/2018

1,208 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất là hai vấn đề đáng quan tâm nhất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Tuy nhiên, mới đây đề xuất tăng lương cho giáo viên không nhận được sự ủng hộ.  

Nhà giáo đã được ưu đãi đặc biệt?

Trước thực tế lương giáo viên bị đánh giá là quá thấp, thậm chí không đủ sống, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đề xuất nâng lương của giáo viên lên bậc cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp.

yeu cau moi chinh sach cu
Giáo viên trong một tiết dạy

Tuy nhiên, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12-3, đề xuất này đã bị gạt bỏ. Theo đại điện Bộ Nội vụ, hiện nhà giáo đã được ưu ái về mức lương, ngoài ra các chế độ phụ cấp cũng được ưu đãi với mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề, đồng thời khẳng định: “Đây là sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với nhà giáo”.

Bên cạnh đó, trong tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Bộ GD&ĐT đã đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: “Lương phải đi kèm với trách nhiệm. Khi yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng cao hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện, thì chính sách chế độ cũng phải phù hợp”.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, chính sách không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm đã thực hiện được 20 năm và đã có những hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ học sinh nghèo, học giỏi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên hiện nay nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sư phạm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm: “Học sinh, sinh viên sư phạm cũng cần phải đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành học khác. Tuy nhiên, để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên sư phạm, Dự thảo Luật quy định về tín dụng sư phạm và sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm, đồng thời Chính phủ quy định cụ thể chế độ tín dụng sư phạm và chính sách bồi hoàn kinh phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm”.

Lo ngại thiếu giáo viên giỏi

Nói về vấn đề tăng lương cho giáo viên, GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới) cho rằng, việc đề xuất tăng bậc lương bị loại bỏ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của đại bộ phận giáo viên. Nếu đề xuất được chấp thuận thì mức lương tăng cũng không được nhiều, nhưng sẽ là sự khích lệ, quan tâm về chính sách đối với giáo viên, để thầy cô nhiệt tình bước vào công cuộc đổi mới giáo dục.

GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: “Thực ra nghề giáo đang được hưởng một số chế độ lương bậc ưu ái hơn một số nghề khác, ví như phụ cấp thâm niên, bảo lưu tính vào lương hưu, phụ cấp giảng dạy ở vùng khó khăn, giờ lên lớp… Tuy nhiên, nhìn mặt bằng chung, thu nhập của nhà giáo vẫn còn ở mức thấp, ngoài dạy thêm không được khuyến khích, nhà giáo không có nguồn thu nhập khác”.

GS Đào Trọng Thi (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cũng cho rằng, đây là điều đáng tiếc vì quy định đó nếu đưa vào Luật Giáo dục sẽ là một bước tiến rất lớn trong chính sách về giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Thời gian qua, nhiều câu chuyện của giáo viên mầm non nhận lương hưu 1,3 triệu đồng sau hàng chục năm cống hiến đã khiến dư luận đồng cảm và đau xót. Chính mức thu nhập quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội là một nguyên nhân quan trọng khiến các trường sư phạm khó tuyển được người giỏi, dẫn tới thực tế điểm chuẩn rất thấp, chất lượng đầu ra không bảo đảm.

Có thể nói, giáo dục là quốc sách. Điều này càng đúng khi chúng ta đang bước vào thời đại công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, muốn có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp 4.0, đòi hỏi chất lượng giáo viên phải được nâng cao hơn nữa. Mà thực tế, muốn có thầy giỏi, trước hết, phải xem lại chế độ đãi ngộ và mức lương cho họ, chứ không chỉ đòi hỏi họ cố gắng không ngừng.

Lương giáo viên thấp hay cao?

Trong văn bản của Bộ GD&ĐT gửi Bộ Nội vụ và Bộ LĐ-TB&XH về tổng hợp quỹ tiền lương của ngành tính đến ngày 31-12-2016, tổng thu nhập bình quân của giáo viên tại các cơ sở giáo dục do ngân sách Nhà nước bảo đảm 3-10 triệu đồng/người/tháng (tùy thâm niên công tác). Trong đó, mức thu nhập thấp tập trung vào số giáo viên trẻ mới ra trường.

Tuy nhiên, mức lương 3 triệu đồng/tháng của giáo viên trẻ mới ra trường thấp hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 153/2016/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng I hiện là 3.750.000 đồng và mức lương tối thiểu vùng II là 3.320.000 đồng của người lao động ở các doanh nghiệp.

Mỗi nhà giáo đi từ bậc lương thấp nhất đến bậc cao nhất trong ngạch lương của mình là 24 năm đối với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học, 30 năm đối với giáo viên THCS, 27 năm đối với giáo viên THPT. Lương giáo viên mầm non và tiểu học từ bậc 1 là 1,86 đến bậc 12 là 4,06, với mức lương cơ bản hiện tại thì trong 24 năm công tác không tăng đáng kể, chỉ khoảng 2.860.000 đồng.

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.