Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó
Với ngành thuỷ sản, khó khăn khi có tới hơn 90% doanh nghiệp chọn USD là đồng tiền thanh toán cho các đơn hàng xuất khẩu. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đồng NDT và nhiều đồng tiền khác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục giảm giá so với USD sẽ làm tình hình xuất khẩu thêm khó khăn. Trung Quốc và ASEAN là thị trường chiếm đến 20% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Giá cá tra sẽ chịu áp lực giảm vào các thị trường này trong thời gian tới.
Ngoài ra, giá xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh rất lớn khi Thái Lan và rất có thể là Indonesia và Ấn Độ sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền. Khi đó, cùng mặt hàng nhưng giá bán của tôm Việt Nam cao hơn sẽ khó cạnh tranh hơn vì khách hàng sẽ chọn nhà cung cấp có giá rẻ hơn.
|
Cá tra xuất khẩu gặp nhiều khó khăn |
Khó khăn của ngành thủy sản, đặc biệt là mặt hàng cá tra vào thị trường Trung Quốc trở thành mối lo ngại đối với nông dân, doanh nghiệp và hiệp hội. Chủ nhiệm một hợp tác xã cá tra Cần Thơ cho hay, giá cá tra bất ổn từ tháng 6 và tháng 7. Bước sang tháng 8, mặt hàng này phải hứng chịu thiệt hại từ việc đồng NDT phá giá. Hiện, giá thành cá tra cao hơn bán từ 1.000 – 1.500 đồng/kg, nghĩa là nông dân đang lỗ nặng. Dự báo sắp tới, cá tra xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc càng khó khăn hơn.
Về xuất khẩu hạt điều, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam khẳng định: Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu vào thị trường này. Bởi lượng hạt điều đang xuất khẩu sang thị trường này chiếm tỷ trọng lên đến 20%. Với việc phá giá đồng NDT thì giá xuất khẩu sẽ gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, nếu hợp đồng thanh toán bằng USD thì quy ra NDT doanh nghiệp Trung Quốc phải mất thêm 2% so với trước kia để trả cho doanh nghiệp Việt Nam.
Mặt hàng gạo cũng đang đối mặt với khó khăn tương tự. Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT dẫn đến nguy cơ sản lượng xuất khẩu gạo sang nước này giảm đáng kể. Lý do, doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc đang phải chi thêm một khoản tiền cho một khối lượng gạo nhập khẩu nhất định. Đơn cử, giá gạo thơm đang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 580 USD/tấn, với tỷ giá hiện nay DN Trung Quốc phải chi thêm khoảng 170 NDT so với trước đây. Để có lợi nhuận hơn trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp Trung Quốc đang yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hạ giá thành sản phẩm.
Đối với mặt hàng rau củ quả, chỉ sau vài ngày có biến động về tỷ giá hàng loạt loại trái cây rớt giá trầm trọng. Điển hình, nhãn tại Cần Thơ, đầu tháng 8 giá bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ở mức 15.000 đồng/kg nhưng đến nay giá nhãn rớt trầm trọng, hiện chỉ ở mức 10.000 đồng/kg. Tương tự, thanh long Bình Thuận đang vào mùa thu hoạch nhưng giá chỉ dao động ở mức 5.000 – 6.000 đồng/kg.
Nhằm có thể hạn chế tối đa thiệt hại từ tác động đồng NDT phá giá các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề đang lên kế hoạch tìm kiếm và chuyển hướng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, việc này cũng gặp không ít khó khăn vì Trung Quốc đang là thị trường lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam, đây cũng được đánh giá là một thị trường quen thuộc và khá dễ tính để xuất khẩu nông sản.
Mai Phương
Năng lượng Mới
-
Tin tức kinh tế ngày 29/5: Ưu tiên thông quan nông lâm thủy sản và sầu riêng
-
Tập trung ba đột phá chiến lược để tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững
-
Thành lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
-
Tin tức kinh tế ngày 9/4: ADB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2025 tăng trưởng 6,6%
-
Xuất siêu sang Mỹ: Việt Nam xứng đáng được đối xử công bằng
-
Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2025
-
Tin tức kinh tế ngày 30/6: VAMC dẫn đầu về khối lượng mua, xử lý nợ xấu
-
Giá bán lẻ xăng dầu đồng loạt giảm từ 0h ngày 1/7
-
Hợp nhất Đà Nẵng và Quảng Nam: Bước ngoặt trong phát triển vùng, phát triển quốc gia
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới giảm khi triển vọng nguồn cung tăng