Xử lý nợ xấu cần cơ chế, chưa cần tiền ngân sách

05:00 | 20/09/2016

354 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đề xuất dùng tiền ngân sách mua nợ xấu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong Dự thảo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2016 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội và giới chuyên môn, các nhà quản lý. Trong đó có nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong quá trình xử lý nợ xấu. Để phần nào giải tỏa vấn đề này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng.  

Sinh ra không phải cho vui

PV: Trước hết, xin ông cho biết một cách khái quát về sự ra đời, chức năng, nhiệm vụ của VAMC?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Nhìn lại trong bối cảnh trước khi thành lập VAMC thì Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 843 vấn đề xử lý nợ xấu và Chính phủ có Nghị quyết 245 về việc triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó có xử lý nợ xấu. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 53 quy định về việc thành lập một doanh nghiệp xử lý nợ xấu. Căn cứ theo Nghị định 53, NHNN đã ban hành Quyết định 1490 thành lập VAMC - Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam với vốn điều lệ là 500 tỉ đồng.

Theo Quyết định 1490 thì VAMC có nhiệm vụ mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) dưới hình thức trái phiếu đặc biệt, mua bán nợ theo giá thị trường; cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, điều chỉnh lãi đối với những khoản nợ đã mua, chuyển nợ thành vốn góp, bảo lãnh, tái cơ cấu các doanh nghiệp, đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp, khai thác các tài sản thu giữ để thu hồi vốn, đôn đốc thu hồi vốn, xử lý nợ đối với các khoản nợ đã mua, tổ chức đấu giá phát mại tài sản đảm bảo… Như vậy, VAMC có khoảng 13 chức năng, nhiệm vụ và mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt chỉ là 1 trong 13 chức năng, nhiệm vụ đó. Những chức năng này cũng được thể hiện rất rõ trong đăng ký kinh doanh của VAMC.

xu ly no xau can co che chua can tien ngan sach

PV: Vậy VAMC đã làm những gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Từ năm 2013 đến nay, VAMC đã tiến hành rà soát, đánh giá các khoản nợ đủ điều kiện của các TCTD để mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Nhưng VAMC cũng không chỉ rà soát, đánh giá các khoản nợ mà còn tham gia điều chỉnh lãi suất; cơ cấu nợ; điều chỉnh kỳ hạn nợ; hỗ trợ doanh nghiệp làm sao vượt khó khăn, tái cơ cấu để trả nợ; theo dõi các khoản nợ, ủy quyền khởi kiện, tham gia tố tụng với các TCTD, cùng các TCTD làm việc trực tiếp với khách hàng để yêu cầu đôn đốc thu hồi nợ…

Đặc biệt, trong năm 2016, VAMC đã tập trung vào phân tích, đánh giá giá trị từng khoản nợ. Phân loại các khoản nợ, xác định từng mục một những khoản nợ đó làm gì, có khả năng thu hồi, có khả năng phát mại được không hay phải đấu giá, rồi khoản nợ đó có mua nợ theo giá thị trường được không, khoản nợ đó khởi kiện thì khởi kiện như thế nào… Hiện chúng tôi đang làm những việc như vậy và gần như là đã có bản đã hoàn thành. Hiểu một cách đơn giản là từ khi thành lập đến nay, bên cạnh việc mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt thì qua các hoạt động nghiệp vụ, theo chức năng nhiệm vụ của mình, VAMC đã đưa ra được những đánh giá tổng thể “sức khỏe” của các khoản nợ để từ đó đưa ra hình thức xử lý sao cho phù hợp, tốt nhất.

Vấn đề nữa, khi khoản nợ đã được VAMC nhận về thì các khách hàng đều biết chủ nợ là VAMC và phải có trách nhiệm làm việc, hợp tác trong quá trình trả nợ. Mặc dù khoản nợ đó, TCTD có thể đi đôn đốc thu hồi nợ do VAMC ủy quyền. Trách nhiệm của khách hàng với VAMC cũng khác hơn so với các TCTD khi đi thu hồi nợ. Với hơn 100 con người, VAMC đã mua nợ gần 250.000 tỉ đồng qua việc phát hành khoảng 220.000 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt, đồng thời đã phân loại từng khoản nợ, khoản nợ nào TCTD thấy có thể xử lý thì VAMC ủy quyền xử lý để TCTD chủ động, khoản nào TCTD thấy có thể mua lại để tham gia tái cấu trúc, chuyển nợ thành vốn góp thì cũng bán lại… Như vậy, bản thân VAMC cũng phải phát hành ra các văn bản để đôn đốc thu hồi nợ chứ không thể nói là không làm được gì.

Đấy là những việc VAMC đã làm và được ghi nhận tại các TCTD, hàng trăm khách hàng đã được VAMC mời lên để làm việc trực tiếp yêu cầu đôn đốc trả nợ, yêu cầu trả nợ, bàn giao tài sản đảm bảo… Nhưng cũng phải thừa nhận những việc làm trên còn ở phạm vi hạn chế và mục tiêu chính của VAMC vẫn là mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt để làm sao đưa tỷ lệ nợ xấu về 3% theo yêu cầu.

PV: Vì sao lại có sự hạn chế đó?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Như đã nói ở trên, VAMC đã triển khai rất nhiều phần việc. Còn vấn đề VAMC có làm được hay không làm được thì đòi hỏi sự hợp tác trách nhiệm từ các TCTD, bởi ở đây mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt nên về mặt pháp lý, VAMC là chủ nợ nhưng quyền tham gia vào khoản nợ ấy thì vẫn phải có sự phối kết hợp của TCTD. Nếu TCTD không phối kết hợp thì cũng rất khó khăn trong việc đôn đốc, xử lý nợ với khách hàng. TCTD phải phối kết hợp rất chặt chẽ với VAMC chứ không phải bán xong là xong, hết trách nhiệm. Anh vẫn phải trích dự phòng rủi ro. VAMC ủy quyền yêu cầu thì anh vẫn theo dõi, đôn đốc nó. Và thứ nữa, VAMC đã có văn bản yêu cầu khách hàng phải trả nợ thì cán bộ theo dõi khoản nợ đó của TCTD phải có trách nhiệm phối kết hợp để đưa văn bản đó đến khách hàng và yêu cầu khách hàng lên làm việc với VAMC.

Nhưng ủy quyền thì cũng chỉ trong phạm vi của VAMC bởi có những quyền của TCTD nhưng VAMC không được ủy quyền. Như khoản nợ này nếu ở TCTD, họ có thể bán thỏa thuận nhưng nếu sang VAMC thì phải bán đấu giá. Điều này dẫn đến việc các tổ chức TCTD cũng không chủ động được trong việc xử lý những khoản nợ này. Việc đấu giá cũng rất phức tạp, qua nhiều khâu, rất mất thời gian mà chưa chắc đã được giá như thế. Trong khi thỏa thuận thì có thể là giá cao cũng có thể là giá thấp và mình thì vẫn đề phòng những tiêu cực, không minh bạch. Việc xử lý nợ xấu vì thế lại vướng và bản thân tổ chức tín dụng có tâm lý lưỡng lự khi đưa sang VAMC.

VAMC có hẳn một thông tư để tổ chức đấu giá. Nhưng muốn đấu giá thì phải được TCTD đồng ý thì mới đấu giá. Khi tiến hành đấu giá thì TCTD cũng lại muốn tự tổ chức đấu giá. VAMC lại ủy quyền đề TCTD làm vì việc làm đó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ. Đó là cách làm nhân văn mà VAMC đã và đang làm. Nhưng rồi khi khoản nợ đó được bán, người ta lại bảo TCTD bán được mà không hiểu rằng, để bán được khoản nợ đó, VAMC giữ vai trò rất lớn, là tác nhân tác động vào quá trình xử lý nợ được nhanh, hiệu quả hơn.

Thứ nữa, về vấn đề ủy quyền khởi kiện, VAMC không thể đứng ra khởi kiện khoảng 6.000 khoản nợ. Muốn khởi kiện VAMC phải ủy quyền cho các TCTD khởi kiện. Khi khởi kiện lại phát sinh vướng mắc là tòa xác định chủ nợ là VAMC, ủy quyền cho TCTD nhưng có tòa chấp nhận, có tòa không, vì tổ chức ủy quyền cho tổ chức là không được.

Như vậy khi nhìn cụ thể thì không thấy nhưng vào bản chất, vụ việc, các văn bản… để đi đến việc xử lý một khoản nợ, bán được một tài sản đảm bảo, VAMC có vai trò nhất định. Đến giờ phút này, thông qua quá trình xử lý từ VAMC đã có những doanh nghiệp thành công, đã tiếp tục triển khai và hoàn thành những nhà máy có số vốn lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Và hiện nay, người ta đang không công nhận cái bóng dáng ấy. Còn muốn VAMC xử lý tốt thì VAMC phải được chủ động, được toàn quyền xử lý nợ.

xu ly no xau can co che chua can tien ngan sach

Chưa đến lúc dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu

PV: Trong dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề xuất dùng tiền ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Tôi cho rằng, việc dùng vốn ngân sách để xử lý nợ trong một thời điểm nào đó là hợp lý. Không một nước nào trên thế giới xử lý nợ xấu mà không dùng vốn ngân sách. Dùng vốn ngân sách có thể qua rất nhiều hình thức. Có nước chấp nhận dùng vốn ngân sách để bù lỗ hoặc chấp nhận bỏ tiền ra mua khoản nợ ở mức giá nào đó phù hợp (bình quân 30-40%), bán được hơn thì lãi, thấp hơn thì lỗ. Nhưng theo mô hình của Việt Nam tôi không nghĩ vậy bởi bản thân VAMC hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và cũng không bao giờ nghĩ rằng giao vốn cho VAMC thì chỉ bảo toàn vốn. Và càng không bao giờ có chuyện được giao vốn VAMC sẽ làm dòng vốn đó tụt đi.

Như vậy, ngân sách có giao cho tôi 10 ngàn tỉ thì ít nhất khi kết thúc công việc này, tôi phải trả lại ngân sách 10 ngàn tỉ cộng với hệ số an toàn. Đó là trách nhiệm VAMC phải làm.

PV: Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Việc cấp vốn ngân sách nếu có thì bản chất là cấp vốn điều lệ, mà vốn điều lệ thì phải đảm bảo nguồn vốn được cấp chứ không phải mang nguồn tiền đó đi bù đắp cho nợ xấu. Mà vốn đó tôi dùng để mua nợ xấu theo giá thị trường. Và chỉ khi nào có thị trường mua bán nợ - yêu cầu tất yếu của các TCTD - thì lúc đó vốn mồi là vốn ngân sách là rất cần thiết. Lúc đó, VAMC sẽ là chủ đạo, chỉ đạo trong việc tham gia thị trường mua bán nợ, thúc đẩy thị trường mua bán nợ vận hành nhanh hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn.

Ví như một khoản vay 100 tỉ, VAMC sẵn sàng mua 100 tỉ. Còn VAMC bán như thế nào, lỗ hay lãi thì VAMC phải chịu. Nhưng giờ VAMC chưa làm được vì TCTD còn phải đảm bảo bảo toàn vốn thì mới bán. Nợ xấu lại đòi bảo toàn vốn thì VAMC không thể làm được. VAMC lấy tiền ngân sách mua khoản nợ xấu 50 tỉ bằng 100 tỉ đồng, đấy là dùng ngân sách bù cho nợ xấu. Đây là chuyện không bao giờ có, VAMC được cấp vốn điều lệ là phải bảo toàn vốn, mua để bán, bán phải hòa và có lãi. Cho nên không có chuyện dùng vốn ngân sách để xử lý nợ xấu thì nợ xấu mất đi.

Phải hiểu rằng, việc cấp vốn ngân sách cho VAMC để xử lý nợ xấu thông qua mua bán nợ theo giá thị trường, thông qua cơ cấu, tái cấu trúc nợ… rồi mới bán. Mục tiêu của VAMC là qua quá trình đó, VAMC phải đảm bảo đồng vốn đó tối thiểu phải hòa. VAMC mua khoản nợ đó bằng 30%, VAMC bỏ thêm 10% để tái cấu trúc thì phải đảm bảo khi bán phải thu về 45-50%...

VAMC không mục tiêu lợi nhuận nên tôi cũng không mua rẻ của TCTD, mà là thuận mua vừa bán.

PV: Thời điểm này đã làm được chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Chưa. Thời điểm này có cho tôi vốn tôi cũng không dám làm, bởi tôi có 2.000 tỉ trong túi nhưng vẫn chưa làm được. Bởi bán dưới giá trị thì TCTD không cho bán. Mà đã là nợ xấu rồi lại còn đòi bằng giá gốc, tài sản đảm bảo thì không đủ, còn thiếu, bán đi giỏi lắm được 50-60% thì làm sao làm được, phi kinh tế.

Thứ 2, khoản nợ đó bán cho VAMC, VAMC mua nợ thì TCTD mới trích dự phòng rủi ro 20%, còn 80% mà giờ bán được có 50%, nghĩa là phải trích ngay 30% thì liệu TCTD có lực không. Vậy nên, TCTD sẽ lại để đấy, đến lúc nào đó trích được 80% rồi, bán đi họ không ảnh hưởng gì, họ có thu nhập bất thường thì lúc đó họ mới tham gia thị trường mua bán nợ theo giá thị trường. Còn hiện nay, tất cả các khoản nợ mà họ bán cho VAMC, mục tiêu của họ chỉ đặt vấn đề hòa vốn và hiện VAMC cũng đang làm việc với các TCTD về các khoản nợ trên tinh thần chỉ bán nợ trên cơ sở thu hồi đủ gốc thì mới đàm phán với VAMC. VAMC cũng đang chấp nhận nếu tài sản đó có khả năng bán có lãi được thì sẵn sàng mua nhưng vẫn chưa mua được khoản nào.

PV: Vậy vấn đề đặt ra ở đây là gì?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Câu chuyện ở đây là vấn đề hành lang pháp lý, kể cả việc định giá các khoản nợ, tài sản đảm bảo. Khi định giá khoản nợ phải có một tiêu thức để định giá khoản nợ. Tiêu thức đó không phải do VAMC, NHNN đặt ra bởi anh là nơi có các khoản nợ thì không thể làm được, cần phải có một cơ quan độc lập đưa các tiêu thức định giá khoản nợ. Sau này người ta có soi vào thì thấy là đó là do giá thị trường, biến động thị trường chứ không phải có tiêu cực trong đó. Còn bây giờ thì không có tiêu thức nên có muốn làm cũng không dám.

Cùng với đó, phải có đơn vị thẩm định giá. Có tiêu thức, xác định tiêu thức rồi nhưng phải được thẩm định giá độc lập để nó minh bạch và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định đó. VAMC chỉ bỏ tiền ra để mua các khoản nợ đó trên cơ sở định giá lại. Còn nếu trao quyền cho VAMC thì cần phải có cơ chế, tiêu thức đó.

VAMC không mong muốn gì việc đấu giá độc lập bởi đấu giá là quá trình đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu. Nếu VAMC vừa mua khoản nợ đó, vừa đứng ra bán sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra. Ở đây tôi không bàn đến việc đó nhưng để làm được thì cần một đơn vị, tổ chức đấu giá chuyên nghiệp. Họ tổ chức đấu giá.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đã có Thông tư 18 để VAMC tổ chức đấu giá phát mại tài sản đảm bảo mà tôi chưa làm được khoản nào vì các tổ chức tín dụng có cho làm đâu, họ đề nghị ủy quyền hết. Vậy nên, cần có một tổ chức định giá, thẩm định và đấu giá độc lập để xử lý nợ xấu cho minh bạch và căn cứ vào đó để ông nọ kiểm soát ông kia. VAMC có mua khoản nợ này, nhà nước thấy rằng quan tâm thì thẩm định lại tất cả khoản nợ đó và có một cơ quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thẩm định đó. Cuối cùng khi tôi mua có thể là thấp hơn nhưng tối đa sẽ bằng mức giá đó.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Ngọc

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành:

Mua nợ xấu phải trả bằng tiền thật

Xử lý nợ xấu bằng ngân sách Nhà nước cũng là một biện pháp thế giới áp

xu ly no xau can co che chua can tien ngan sach

dụng nhưng cần có cơ chế xác định giá thị trường, không mua cao, bán thấp gây mất vốn Nhà nước. Các nước cũng đã sử dụng tiền ngân sách từ khoảng 7-10% GDP để giải quyết nhanh nợ xấu. Tuy nhiên, trường hợp của Việt Nam, phải xem lấy tiền ngân sách chỗ nào để giải quyết nợ xấu.

Chúng ta nên thực hiện việc mua nợ xấu theo giá thị trường như đã đề ra, và phải trả bằng tiền thật. Để có tiền, VAMC sẽ đứng ra vay, với sự bảo lãnh của Chính phủ, từ các tổ chức quốc tế hoặc trên thị trường tài chính. Khi nợ xấu được bán, VAMC lấy tiền đó trả nợ, mức chênh lệch giữa giá trị thị trường và giá trị nợ sổ sách có thể được hỗ trợ bằng một khoản vay dài hạn cho ngân hàng.

Việc mua nợ xấu vừa qua mới chỉ là mua trên giá trị sổ sách nên rất ít doanh nghiệp nào dám mua lại. Do đó, cần nhìn rõ thực trạng này để có giải pháp tận cùng. Nhiều doanh nghiệp trong nước, thậm chí cả nước ngoài rất muốn mua nợ xấu vì họ tin là xử lý được, nhưng khi nhìn vào giá trị sổ sách và bảng cân đối tài chính, thu chi và tài sản của khối nợ xấu, họ lắc đầu quay đi.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng:

Phải xây dựng thị trường mua bán nợ xấu minh bạch

xu ly no xau can co che chua can tien ngan sach

Việt Nam chưa có thị trường nợ xấu đúng chuẩn quốc tế, đó là cách xác định nợ xấu vẫn chỉ một số bên như ngân hàng, con nợ và VAMC, giá mua là giá trị sổ sách do đó khi bán rất khó. Nợ xấu dồn toa về VAMC như kiểu chỗ trú chân, nhốt tạm, không ai mua, không thu hút được nguồn lực xã hội.

Nếu bây giờ dùng ngân sách thì cần mua bằng giá thị trường, giá trị thật của khoản nợ. Tức là những nợ xấu được mua về phải được cơ quan độc lập đánh giá giá trị, nhiều khoản nợ xấu có thể bị chiết khấu đi chỉ còn 10% giá trị thực và số nợ của sổ sách, cũng phải xử lý. Và nếu đã dùng tiền ngân sách thì phải xây dựng thị trường mua bán nợ xấu minh bạch, chứ không thể giao đống tài sản cho VAMC như hiện nay làm được. Nợ xấu cần mua bằng tiền thật, giá trị thật và được bán theo giá thị trường, xác định giá của các doanh nghiệp nữa.

Nguyễn Dương

Năng lượng Mới 559