Xây dựng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế

16:06 | 22/12/2011

497 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác thâm nhập vào thị trường nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu, xây dựng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế là trọng tâm của Hội nghị Tham tán thương mại do Bộ Công Thương tổ chức tại TP HCM ngày 22/12.

Trao đổi của Tham tán thương mại và doanh nghiệp

Hội nghị tạo ra diễn đàn trao đổi giữa các Đại sứ, 63 Tham tán thương mại ở cả 5 châu lục với các sở công thương, hiệp hội, doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phía Nam.

Tham tán thương mại tại Hàn Quốc cho rằng: Các thị trường lớn hiện nay hầu hết đều có yêu cầu rất khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, để có thể vào được các thị trường này doanh nghiệp phải nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa của mình về giả cả, chất lượng, tính thân thiện với môi trường. Việc xây dựng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu làm được điều này sẽ tạo được niềm tin của khách hàng đối với hàng hóa Việt Nam, rất thuận lợi cho công tác xuất khẩu. Trong thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp làm tốt công tác này, tuy nhiên cũng có không ít doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “ăn xổi”, gây ác cảm cho khách hàng đối với hàng hóa Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác chiều sâu với các tập đoàn kinh tế thế giới, hiệp hội ngành hàng, tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, phối hợp với các cơ quan kinh tế của Việt Nam ở nước ngoài; như vậy, hoạt động xuất khẩu mới thực sự bền vững và lớn mạnh.

Nhật Bản là một trong những thị trường có nhiều sự cạnh tranh của các nước xuất khẩu vào đây. Đây cũng là thị trường rất khắt khe với chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ta cũng thâm nhập vào thị trường này. Tuy nhiên, sự thâm nhập không mang tính liên tục, không đủ kiên trì và công tác tiếp cận thị trường còn yếu dẫn đến thất bại.

Tham tán thương mại tại Nhật Bản cho rằng: Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong thâm nhập thị trường, quỹ xúc tiến thương mại của Nhà nước cần phải được tăng cường để hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu không có sự hỗ trợ của quỹ xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể có điều kiện để tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại ở một thị trường đắt đỏ như Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Thành Biên – Thứ trưởng Bộ Công Thương trong năm 2011 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta ước đạt 96,3 tỉ USD, tăng 33,3% so với năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 105,8 tỉ USD, tăng 24,7% so với năm 2010; tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với nhập khẩu và cao hơn so với chỉ tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu vẫn còn tồn tại nhiều thách thức do tác động bởi tình hình khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu đã dẫn đến chính sách thắt chặt chi tiêu, giảm sức mua ở các nước. Những khó khăn của thị trường châu Âu cũng tác động đến nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Dự báo, năm 2012 bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, các doanh nghiệp xuất khẩu cần xây dựng một chiến lược lâu dài, bền bỉ để đứng vững ở thị trường nước ngoài.

Hội nghị Tham tán thương mại lần này đã góp phần đẩy mạnh mối liên hệ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với đại diện của Nhà nước và ngành công thương ở nước ngoài. Mối liên hệ này sẽ giúp doanh nghiệp có được những thông tin cần thiết về tình hình kinh tế, thị trường, nhu cầu nhập khẩu ở các nước sở tại, chính sách thuế, thủ tục hải quan, tập quán thương mại ở các nước… tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thâm nhập, duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu. Đồng thời, các cơ quan này cũng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác thị trường ngoài nước.

Mai Phương