Tổng thống Obama công du châu Á:

Washington tái khẳng định chính sách xoay trục

06:00 | 30/04/2014

740 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại sao Mỹ xoay trục sang châu Á? Nhắc lại câu hỏi này để một lần nữa thấy rằng Mỹ hẳn đã nhìn thấy quyền lợi họ đang bị đe dọa bởi sự bành trướng lấn sân và áp chế khu vực của Trung Quốc như thế nào, dù trên bề mặt Mỹ gần như không bao giờ công khai thừa nhận.

Năng lượng Mới số 317+318

Đằng sau những phát biểu lịch sự

Tại sao Mỹ xoay trục sang châu Á? Nhắc lại câu hỏi này để một lần nữa thấy rằng Mỹ hẳn đã nhìn thấy quyền lợi họ đang bị đe dọa bởi sự bành trướng lấn sân và áp chế khu vực của Trung Quốc như thế nào, dù trên bề mặt Mỹ gần như không bao giờ công khai thừa nhận. Buổi nói chuyện tại Bắc Kinh của Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel hay bài phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao William Burns tại Hiệp hội châu Á ở New York gần đây đều nói rằng, quan hệ Mỹ - Trung là “yếu tố chính trị quan trọng nhất thế giới trong thế kỷ XXI”.

Trong chuyến công du châu Á vào tháng 2/2014, Phó tổng thống Joe Biden cũng nói, “sự nuôi dưỡng” mối quan hệ “đang xây dựng” giữa hai nước là “nguyên tắc tổ chức trung tâm” trong quan hệ quốc tế thế kỷ XXI. Trong chuyến công du châu Á tuần này, Tổng thống Obama có thể cũng sẽ lập lại tương tự. Nói như thế có nghĩa là “xây” chứ không phải “phá”, là “đối tác” chứ không phải “đối thủ”, là “bạn” chứ không phải “thù”. Tuy nhiên, ngôn ngữ ngoại giao là ngôn ngữ của lịch sự, dè dặt và chừng mực. Chúng hiếm khi phản ánh đúng thực tế quan hệ và cũng không mang lại cái nhìn chính xác về những đòn thế hai bên.

Hàn gắn rạn nứt Nhật - Hàn là trọng tâm chuyến đi của ông Obama

Những gì không được phát biểu trên các diễn đàn ngoại giao chính thức của giới chức chính trị cấp cao mới cung cấp đầy đủ hơn thực chất vấn đề. Trung tuần tháng 4/2014, tướng tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ John Wissler đóng tại Nhật, trong buổi nói chuyện với nhóm phóng viên quốc phòng tại Washington, đã nói rất thẳng và rất mạnh rằng, nếu Trung Quốc chiếm Senkaku, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ lập tức vào cuộc. Tướng Wissler thậm chí nói hải quân và không quân Mỹ có thể đánh gục Trung Quốc và tái chiếm Senkaku mà chẳng cần Nhật hỗ trợ (trong chuyến công du châu Á mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cũng nói rằng, việc bảo vệ Senkaku là điều hiển nhiên vì nó nằm trong khuôn khổ hiệp ước quốc phòng Mỹ - Nhật).

Thông điệp cảnh cáo này được tô đậm hơn bằng một thông điệp gần tương tự của Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, rằng Trung Quốc không nên làm càn theo “kiểu Crimea” tại châu Á (dùng vũ lực chiếm các lãnh thổ - quần đảo đang tranh chấp). Có thể nói đây là những thông điệp trực diện và cứng rắn nhất của Mỹ đối với Trung Quốc kể từ khi Washington tuyên bố chính sách tái cân bằng.

Nghị trình của Obama

Đến Nhật ngày 23/4, sang Hàn Quốc ngày 25, qua Malaysia ngày 26; tới Philippines ngày 28, lịch làm việc châu Á của ông Obama đã cho thấy trọng tâm chính sách tái cân bằng của Mỹ được đặt ở đâu. Ngày 6/4/2014 tại Nhật, Chuck Hagel cho biết Mỹ sẽ đưa thêm hai khu trục hạm Aegis đến nước này vào trước năm 2017 “nhằm đối phó Bắc Triều Tiên”. Tháng 10/2013, Mỹ và Nhật đã thỏa thuận việc nâng cấp hệ thống phòng thủ bằng việc đồng ý đặt thêm một hệ thống radar cảnh báo sớm nữa vào cuối năm 2014 (hiện có một hệ thống đặt tại Bắc Nhật Bản); đồng thời đưa thêm máy bay không người lái Global Hawk đến Nhật vào tháng 4/2014 để “giám sát Senkaku hiệu quả hơn”.

Nói cách khác, điểm tập trung của “dàn cọc” châu Á là Nhật. Xây dựng một vệ tinh liên minh quân sự quanh trục Nhật cũng là một chiến lược, trong đó có việc hàn gắn mối quan hệ Nhật - Hàn vốn đang trong giai đoạn xấu nhất nhiều thập niên nay. Mỹ đã nỗ lực bắc cầu Seoul - Tokyo bằng chuyến kinh lý hai nước vào tháng 12/2013 của Phó tổng thống Joe Biden. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, bất chấp đề nghị Biden, đã thẳng tay chặt đoạn nối mong manh bằng việc viếng đền Yasukuni vào ngày 26/12/2013, đẩy quan hệ với Seoul tụt thêm một nấc.

Đứng giữa hai nguyên thủ “cứng cựa” là điều không dễ chịu với Mỹ. Cuối tháng 3/2014, nhân Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân tại Hà Lan, Tổng thống Obama đã “bày” ra ý kiến tổ chức cuộc gặp ba bên. Đó là lần đầu tiên Abe đối mặt trực tiếp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Tuy nhiên, cuộc gặp bộ ba tại Hà Lan chẳng mang lại gì sáng sủa (trong phát biểu chính thức về kết quả cuộc gặp, Obama chỉ nói đến sự đồng thuận ba bên về vấn đề Bắc Triều Tiên). Nhật - Hàn vẫn “nhà ai nấy ở, đường ai nấy đi”. Trong chuyến công du này, Obama lại phải nói gì để Seoul - Tokyo cùng “lắng nghe” và cùng “thấu hiểu”?

Trong chuyến kinh lý Bắc Kinh, khi nghe tướng Phạm Trường Long (Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc) kể: một trong những người chú/bác của đương sự đã chết khi bị đày làm nô lệ tại một hầm mỏ Nhật thời Thế chiến II, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel kể ngay rằng cha ruột mình cũng từng có mặt trong hàng ngũ quân đội Mỹ đánh phát xít Nhật. Lịch sử là lịch sử và nó không phải lúc nào cũng cần được lôi ra để ngụy biện cho những hành động phản hòa bình.


Ngoài nghị sự hàn gắn quan hệ Nhật - Hàn, một trọng tâm nữa trong chuyến công du Obama là khẳng định cam kết hỗ trợ và thắt chặt quan hệ quốc phòng với Philippines. Ngày 11/4/2014, Mỹ - Phi đã hoàn tất vòng đàm phán thứ tám về “Hiệp định hợp tác quốc phòng nâng cao” (EDCA). Bản tuyên bố chung cho biết, quân đội Mỹ được phép tiếp cận và sử dụng các cơ sở quân sự Philippines với điều kiện tôn trọng Hiến pháp và luật Philippines, rằng “họ (Mỹ) chỉ được phép mang đến Philippines những gì mà chúng tôi (Philippines) đồng ý” - theo đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia. Dự kiến Obama sẽ ký EDCA khi đến Manila.

Với EDCA, Mỹ có thể hiện diện quân sự một cách giới hạn tại Philippines khi có lời mời chính thức của Manila. Sẽ không có những căn cứ quân sự Mỹ khổng lồ tại Philippines như tại vịnh Subic trước thời điểm 1992 hay như ở Nhật và Hàn Quốc hiện tại nhưng chắc chắn từ nay quân đội Mỹ có thể dễ dàng tạt vào tạt ra Philippines để điều phối các chiến dịch giám sát vùng biển Đông Nam Á. Không được lập căn cứ quân sự nhưng được phép có “nhà kho quân sự” đã là một thuận lợi đáng kể cho các hạm đội Mỹ. Thậm chí không có EDCA, quân đội Philippines cũng đã được Mỹ hỗ trợ khá nhiều. Năm nay, Philippines sẽ nhận 50 triệu USD trong khuôn khổ “viện trợ quân sự nước ngoài” (nhiều nhất trong hơn một thập niên) và 40 triệu USD từ Quỹ An ninh toàn cầu Hoa Kỳ. Mỹ có kế hoạch luân chuyển đến Philippines một phi đội chiến đấu cơ, máy bay do thám tầm xa P3C-Orion và một tàu chiến cận duyên; cùng lời hứa lắp dàn radar duyên hải cho nước này.

Không mang màu sắc quân sự và có phần “nhạt” nhất trong chuyến công du ông Obama là nghị trình Malaysia (lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm Mỹ đến Malaysia kể từ thời Lyndon Johnson năm 1966). Tại sao Obama phải đến Malaysia? Không đóng vai trò chiến lược quân sự như Nhật hay Philippines nhưng Malaysia là thành viên có sức ảnh hưởng trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổ chức hội đoàn Hồi giáo (gồm 56 quốc gia). Quan hệ Mỹ - Malaysia từng có lúc lạnh nhạt vào thời Thủ tướng Mahathir Mohamed (1981-2003), bắt đầu khá hơn một chút vào giai đoạn Abdullah Ahmad Badawi (2003-2009) và thật sự gần gũi vào thời Najib Razak (từ năm 2009 đến nay).

Là cựu Bộ trưởng Quốc phòng, rất có “ý thức” về mối đe dọa nhiều mặt từ Trung Quốc, Razak lại có chính sách muốn cải thiện quan hệ với Mỹ. Cụ thể nhất của biểu hiện này là sự nhiệt tình Malaysia trong việc tham gia đàm phán vào TPP (hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương). Có thể nói Mỹ đang xem Malaysia là một đồng minh mới trong quỹ đạo xoay trục.

Bình luận về chuyến công du ông Obama sang châu Á, Ngô Tổ Vinh (Wu Zurong) thuộc Tổ chức Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc viết rằng (chinausfocus.com, 15/4/2014): “Lịch sử sẽ nói cho Obama biết là ông có đánh giá chiến lược đúng đắn hay không và có làm điều đúng cho nước Mỹ và thế giới hay không, hay ông có một sai lầm nghiêm trọng mang lại những hậu quả khôn lường cho hòa bình thế giới về lâu dài”. Chỉ trích Mỹ “bảo kê” Tokyo để Nhật hồi sinh chủ nghĩa quân phiệt dưới chiêu bài “mối đe dọa Trung Quốc”, Ngô Tổ Vinh cũng nhấn mạnh cái gọi là “mối đe dọa Trung Quốc” thực chất “không hề tồn tại” vì “cam kết phát triển hòa bình của Trung Quốc là thành thực và chắc chắn”. Kết luận, Ngô viết, “Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự phá vỡ hòa bình và ổn định châu Á nếu tiếp tục củng cố quan hệ quân sự với Nhật hoặc đi tiếp bước nữa là cố tạo ra một liên minh quân sự tại châu Á tương tự NATO”.

Sẽ mường tượng sao đây để đánh giá rằng “lịch sử sẽ nói” cho Barack Obama hay Ngô Tổ Vinh biết Châu Á - Thái Bình Dương sẽ như thế nào nếu Mỹ không xoay trục hoặc ai “phải chịu trách nhiệm về sự phá vỡ hòa bình và ổn định châu Á” nếu sự bành trướng quân sự Trung Quốc không gặp một sức cản đáng gờm nào? Với những diễn biến phức tạp dồn dập tại châu Á và nhiệt độ sủi bọt tại Thái Bình Dương như đang chứng kiến, thật không khó mấy để thấy rằng, “lịch sử” chưa kịp nói, hiện tại đã có câu trả lời!

Theo khảo sát của Viện Gallup (công bố trung tuần tháng 4-2014), với 130.000 đối tượng tham gia tại 130 nước, chỉ số tín nhiệm Obama trên thế giới đã tăng lên 46% vào năm 2013 so với 41% năm 2012. Với riêng châu Á, “Obama 2013” được 45% ý kiến châu Á ủng hộ, so với 37% của “Obama 2012”. Và tại riêng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chỉ số ủng hộ ông Obama thậm chí cao hơn. 5 quốc gia “chấm điểm” ông Obama cao nhất đều thuộc Châu Á - Thái Bình Dương: Campuchia (67%); New Zealand (62%); Philippines (62%); Australia (59%) và Hàn Quốc (54%).


Mạnh Kim

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc