Vụ WikiLeaks: Xét xử kẻ phản bội nước Mỹ?

19:00 | 04/06/2013

770 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hôm qua, tòa án quân sự đặc biệt tại Mỹ bắt đầu phiên xử binh sĩ Bradley Manning, người đã chuyển giao hàng trăm ngàn trang tài liệu mật của quân đội Mỹ cho trang mạng WikiLeaks. Cho đến nay, hành động của Manning vẫn tiếp tục gây chia rẽ nước Mỹ.

Binh sĩ Bradley Manning (giữa), được dẫn ra tòa ở Fort Meade, hôm 3/6

Ngày 3/6, binh nhì Bradley Manning xuất hiện trước một vị thẩm phán quân đội trong một phiên tòa quân sự tại căn cứ Fort Meade thuộc bang Maryland.

Manning hiện phải đối mặt với bản án 20 năm tù sau khi tuyên bố nhận tội hồi tháng 2/2013 về 10 trong tổng cộng 22 tội danh trong cáo trạng đối với anh ta. Nhưng giờ đây, binh sĩ Mỹ này có thể đối mặt với bản án tù chung thân nếu bị kết tội là tiếp tay cho kẻ thù của Mỹ.

Manning, 25 tuổi, bị bắt giữ hồi năm 2010 trong lúc đang phục vụ quân đội Mỹ trong vai trò một nhà phân tích tin tình báo tại Iraq.

Người quân nhân này thừa nhận đã trao cho WikiLeaks hàng trăm nghìn điện tín ngoại giao của Mỹ, và những báo cáo chiến trường trong các cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo tại Iraq và Afghanistan, các băng thu hình một cuộc tấn công do máy bay trực thăng của Mỹ thực hiện tại Baghdad, giết chết nhiều thường dân. Đây được xem là một trong những vi phạm an ninh lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Nhưng Manning biện minh là không hề có ý định làm hại Mỹ, chỉ muốn “tạo ra một cuộc tranh luận công khai” về cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Ngược lại, chính phủ Mỹ cho rằng người lính trẻ này hoàn toàn ý thức là đã đặt Mỹ vào vòng nguy hiểm, khi lan truyền các tài liệu mật mà anh có được với vai trò người phân tích tin tức tình báo ở Iraq, từ tháng 11/2009 đến khi bị bắt vào tháng 5/2010. Bradley Manning bị cáo buộc là đã “thông đồng với kẻ thù” - có thể hiểu ngầm là Al Qaida, và chính phủ đang muốn chứng tỏ là các thông tin bị tiết lộ đã lọt vào tay tổ chức khủng bố.

Người biểu tình kêu gọi trả tự do cho binh nhì Bradley Manning bên ngoài cổng chính của căn cứ Fort Meade ở Maryland, ngày 3/6/2013

Hồi tháng 2/2013, Manning đã nói với đại tá Denise Lind, chủ tọa phiên tòa xét xử Manning,  rằng anh đưa ra các tài liệu mật nhằm tố giác sự hiếu sát của quân đội Mỹ và những hành động gây tổn thất nhân mạng cho thường dân.

Theo đại tá Lind, sự tiết lộ là rất trầm trọng tuy nhiên về hậu quả không gây nên tổn hại đáng kể. Manning đã nhìn nhận tội trạng và có thể lãnh án tù tới 20 năm. Nhưng  giới quân sự và chính quyền Tổng thống Obama chưa đồng ý về bản án như thế và cho rằng  với sự trợ giúp cho địch, hình phạt  phải là tù chung thân.

Ngược lại, hàng trăm người ủng hộ Bradley Manning có mặt trước căn cứ quân sự Fort Meade gần Washington từ hôm 1/6, lại cho anh là một biểu tượng của hòa bình, một người hùng đã can đảm tố cáo các lạm dụng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Họ dẫn ra đoạn video về sự thô bạo đối với thường dân Iraq, hay các báo cáo mật về 779 người tù ở Guantanamo, mà nhờ Manning, đã phát hiện được 150 người bị tống giam vô cớ.

Phiên tòa đặc biệt được mở ra ba năm sau khi Bradley Manning bị bắt giữ tại Iraq, bị biệt giam 9 tháng tại nhà tù quân đội Quantico (Virginia). Luật sư của Manning tố cáo “nhịp độ ốc sên” của thủ tục xét xử, đòi hủy bỏ các tội danh với lý do bị cáo bị cầm tù trong các điều kiện “tàn bạo, bất nhân và hèn hạ”.

Daniel Ellsberg, người tiết lộ tài liệu mật của Lầu Năm Góc, lên tiếng ủng hộ Manning bên ngoài Trại Meade, tiểu bang Maryland

Phiên tòa dự trù sẽ kéo dài cho đến suốt mùa hè, đến cuối tháng 8/2013 vì đây là vụ tiết lộ bí mật quân sự lớn nhất từ trước đến nay với trên 20 tội danh cáo buộc và rất nhiều tình tiết tranh luận. Vì tính cách bí mật trong nội  dung của sự việc, hầu hết các phiên tòa sẽ được xử kín, phóng viên và công chúng không được tham dư. Trong số 150 nhân chứng được tòa án quân sự đặc biệt triệu tập, có 24 người sẽ khai báo trong các phiên xử kín, chủ yếu là các đại sứ và viên chức tình báo, và một thành viên đội đặc nhiệm đã từng tham gia cuộc tập kích tháng 5/2011 vào nơi ẩn náu của trùm khủng bố Ossama Bin Laden. Họ sẽ cho biết nhận xét là các tài liệu do Manning tiết lộ có bị lọt vào tay lãnh đạo Al Qaida hay không.

Phiên tòa xử Bradley Manning gây tiếng vang quan trọng trong thời điểm chính quyền Obama đang bị chỉ trích sau vụ theo dõi các nhà báo của AP và Fox News. Nhân vật vắng mặt trong vụ này là Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks.

Nhiều chính phủ, trong đó có Mỹ, khẳng định hoặc gợi ý rằng WikiLeaks vi phạm luật chống gián điệp và bảo vệ an ninh khi công bố các thông tin cần giữ kín, đôi khi là những thông tin cực kỳ nhạy cảm. Những người bênh vực WikiLeaks – trong đó có Daniel Ellsberg, người tiết lộ tài liệu mật của Lầu Năm Góc– bảo rằng người dân có quyền được biết các hành vi của chính quyền họ bầu lên, và khi tiết lộ như vậy, hành vi đó được kể là “ngoại pháp” hay vượt trên khuôn khổ luật pháp. Theo yêu cầu của chính phủ Mỹ, các công ty thu tiền người ủng hộ đóng góp cho WikiLeaks – như Visa, Mastercard hoặc PayPal – phải ngưng thu.

Bức tường ghi kiến nghị của những người đòi trả tự do cho Manning bên ngoài cổng Trại Meade, tiểu bang Maryland

Th.Long (Tổng hợp)

Những thời điểm quan trọng của vụ WikiLeaks

2006: Julian Assange, công dân Australia kập ra WikiLeaks  cùng một nhóm bạn.

2008: Công bố nội dung các email lấy được từ tài khoản của bà Sarah Palin, ứng cử viên Phó tổng thống Mỹ.

2009: Công bố hàng ngàn tin nhắn của nhân viên cứu hộ dân sự và quân sự trong vụ khủng bố 11 tháng 9 năm 2001.

2010: Công bố hàng trăm ngàn công điện ngoại giao và tài liệu quân sự bí mật của Mỹ.

2011: Assange chống lại án dẫn độ từ Anh về Thụy Điển để xử về tội tấn công tình dục.

2012: Tòa án Anh cho dẫn độ Assange, đang ẩn náu tại đại sứ quán Ecuador ở London và đã được Ecuador cấp quy chế tỵ nạn.

2013: Binh nhì Bradley Manning nhận 10 trong số 22 tội danh bị khởi tố. Tòa xử các tội không nhận, trong đó có tội giúp đỡ địch quân.