Vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm: Bệnh nhân cần đi xét nghiệm máu lại

07:00 | 10/08/2013

1,102 lượt xem
|
“Hành vi “nhân bản” kết quả xét nghiệm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức là việc làm không thể chấp nhận được, xét cả về mặt con người và y đức. Việc làm ấy ẩn tàng những nguy cơ vô cùng lớn cho người bệnh, nhất là những bệnh liên quan đến máu hoặc những bệnh qua quá trình xét nghiệm máu mới phát hiện thấy” – Bác sĩ Lê Quang Tường, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Huyết học Truyền Máu TW đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên PetroTimes.

>> Khởi tố vụ 'kết quả xét nghiệm trùng nhau' ở Hoài Đức

PV: Thưa ông, xin ông cho biết cụ thể quy trình làm xét nghiệm máu?

BS. Lê Quang Tường: Đầu tiên, bệnh nhân đến bệnh viện đăng ký khám bệnh, sau đó lấy số vào khám. Bác sĩ sẽ khám lâm sàng cho bệnh nhân và ra chỉ định làm xét nghiệm máu. Các điều dưỡng và KTV lấy máu bệnh nhân tại phòng khám rồi mang đến phòng xét nghiệm để tiến hành phân tích mẫu máu. Khi có kết quả sẽ trả về phòng khám để bác sĩ đọc kết quả cho bệnh nhân, sau đó bệnh nhân được chuẩn đoán, kê đơn thuốc. Đó là quy trình hoàn chỉnh của một ca khám bệnh bằng xét nghiệm máu.

Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức

PV: Ai có thể làm được những xét nghiệm này, thưa ông?

BS. Lê Quang Tường: Về nguyên tắc, nhân viên xét nghiệm được đào tạo mới được làm xét nghiệm, đào tạo lĩnh vực nào thì được làm xét nghiệm của lĩnh vực đấy, đào tạo đa khoa thì làm đa khoa.

Đào tạo thì cũng có nhiều cách, có thể là học theo khóa, lớp tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các viện đầu ngành... hoặc học kiểu đào tạo lẫn nhau theo kiểu cầm tay chỉ việc tại các khoa phòng, các labo (nhưng phải do những người có kinh nghiệm dạy và phải có kiểm tra đánh giá).

Tuy nhiên, riêng một số xét nghiệm chuyên sâu như HIV, phương pháp ELISA, sinh học phân tử học... thì phải được đào tạo rất cơ bản, tại các cơ sở lớn, nếu không được đào tạo thì không thể làm được xét nghiệm.

PV: Xin ông cho biết vai trò của xét nghiệm máu trong quá trình chuẩn đoán, phát hiện bệnh từ cơ thể bệnh nhân?

BS. Lê Quang Tường: Xét nghiệm máu có vai trò đặc biệt quan trọng, làm căn cứ hàng đầu để phát hiện những bất thường trong cơ thể người bệnh. Với những bệnh lý liên quan trực tiếp đến máu, xét nghiệm máu phát hiện tới 80-90% các loại bệnh có liên quan. Những nhóm bệnh khác thì tỷ lệ này ít hơn những cũng là một con số không nhỏ.

PV: Việc các nhân viên Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức dùng kết quả xét nghiệm máu của người này dùng cho người khác theo ông sẽ dẫn tới hậu quả như thế nào?

BS. Lê Quang Tường: Tôi cũng theo dõi vụ việc này qua các phương tiện truyền thông và bàng hoàng trước việc làm quá ư liều lĩnh của những nhân viên bệnh viện này. Đó là việc làm không thể chấp nhận được, xét cả về mặt con người và y đức. Việc làm ấy ẩn tàng những nguy cơ vô cùng lớn cho người bệnh, nhất là những bệnh liên quan đến máu hoặc những bệnh qua quá trình xét nghiệm máu mới phát hiện thấy.

Với các loại bệnh khác nhau nhưng lại dùng chung một kết quả xét nghiệm thì hậu quả khó lường. Đó là, bác sĩ không thể chẩn đoán đúng bệnh, dẫn đến điều trị sai, có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Chẳng hạn, với một bệnh nhân, chỉ số bạch cầu bao nhiêu đó thì cần phải mổ, nhưng vì kết quả sai, bác sĩ quyết định không mổ; hoặc với bệnh sốt xuất huyết, nếu chỉ số tiểu cầu sai (vì dùng kết quả của người khác), dẫn đến điều trị sai thì bệnh nhân có thể xuất huyết mà chết.

Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm máu có thể phát hiện ra những loại bệnh nguy hiểm như: Ung thư máu, viêm gan, giảm tiểu cầu… và đặc biệt là virut HIV. Có hàng nghìn người bệnh đã nhận kết quả không phải là của mình từ bệnh viện này và hiện tại họ đương nhiên không thể biết được thực trạng sức khỏe của mình. Điều đó rất nguy hiểm với những bệnh cần phát hiện điều trị sớm.

PV: Ông có lời khuyên nào với những bệnh nhân đã nhận kết quả xét nghiệm bị “nhân bản”?

BS. Lê Quang Tường: Tôi khuyên những bệnh nhân có liên quan đến vụ việc này nên sớm trở lại các cơ sở y tế khám lại để biết đích xác tình trạng sức khỏe của mình.

P.V: Xin cảm ơn bác sĩ.

Vũ Minh Tiến (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc