Vĩnh biệt “sơn ca của các chiến lũy” - NSƯT Quang Hưng

00:10 | 23/01/2014

2,471 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiếng hát hào hùng của NSƯT Quang Hưng đã in đậm trong tâm trí các chàng trai thủ đô những ngày chống Pháp với bài ca “Người Hà Nội”, “Trường ca sông Lô”...

NSƯT Quang Hưng

“Đã về cởi áo lau son phấn/Trả mọi vinh quang lại cho đời”, đó là hai câu thơ nổi tiếng của nhà văn hóa Đào Tấn mà lúc sinh thời, NSƯT Quang Hưng rất thích. Giờ đây, NSƯT Quang Hưng đã thật sự “trả vinh quang lại cho đời” khi ông ra đi ở tuổi 80. Thông tin cho biết, ông đổ bệnh vào những ngày cuối năm và dù được các bác sĩ tận tình chăm sóc nhưng do tuổi già sức yếu, ông đã qua đời vào tối ngày 20/01 tại bệnh viện 198.

NSƯT Quang Hưng sinh năm 1934. Cuộc đời ca hát của ông trải dài theo hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trường kỳ của dân tộc và cho tới sau này. 

Ông là một trong những tên tuổi lớn thuộc thế hệ đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ dành trọn cuộc đời cho ca hát, phẩm chất nghệ sĩ và người lính trong ông đã hòa quyện thành giọng baryton, trầm ấm và truyền cảm. Tiếng hát hào hùng của nghệ sĩ này đã thật sự in đậm trong tâm trí các chàng trai thủ đô những ngày chống Pháp với bài ca Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Trường ca sông Lô của Văn Cao.

NSƯT Quang Hưng chính thức bắt đầu sự nghiệp ca hát của mình rất sớm, từ năm 13 tuổi. Ông từng thừa nhận rằng gene yêu nghệ thuật của ông là được thừa hưởng từ mẹ ông, cụ Nguyễn Thị Hiên, đàn hay, hát giỏi, từng là một giọng ca trù nổi tiếng ở Hưng Yên hồi đầu thế kỷ trước. Cũng nói thêm về bố ông, người mà theo ông là đã cho ông sự cứng cáp, rắn rỏi. Cha ông là cụ Lê Phổ Văn, giỏi Nho học và Tây học, từng cắp tráp theo hầu cụ Phan Bội Châu ngày trước.

Không lâu sau khi bước vào con đường ca hát, ông trở thành chiến sĩ - ca sĩ theo chân bộ đội tiến bước trên mọi nẻo đường gian khổ của dân tộc. Ông đoạt khá nhiều thành tích đáng tự hào trong sự nghiệp ca hát của mình giai đoạn kháng chiến. Như ông từng đoạt giải nhất cuộc thi hát toàn quân “Người lính hát hay và hay hát” năm 1955, được cử tham dự Liên hoan Thanh niên sinh viên Thế giới lần thứ sáu tại Liên Xô (cũ) năm 1956. Cũng trong dịp này, ông gặp được Hoàng My là hoa khôi trong đội văn công của sư đoàn 332, là vợ của ông cho tới cuối đời. Lúc đó, ông là lính pháo cao xạ của thủ đô.

Với giọng ca độc đáo, hóm hỉnh và cá tính, ông được các chiến sĩ gọi với cái tên “chim sơn ca của các chiến lũy”. Tên tuổi của ông gắn với các ca khúc: Anh quân bưu vui tính (Đàm Thanh), Bài ca Hồ Chí Minh (Ewan MacColl - Phú Ân), Tiến về Sài Gòn (Lưu Hữu Phước), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi)...

Trong các ca khúc kể trên, có thể nói Tiến về Sài Gòn được ông thể hiện thành công nhất, bằng hai giọng Nam – Bắc; ca khúc ấy gắn liền với tên tuổi của ông đến tận bây giờ và có lẽ là sẽ còn theo suốt chiều dài lịch sử sau này. Ca khúc này cũng đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đời ca hát của ông. Vào ngày toàn thắng 30/4/1975Tiến về Sài Gòn được phát vang lên khắp thành phố hai miền Nam - Bắc. Ông từng cho biết bài hát đó ông đã hát bằng cả tấm lòng của mình vì miền Nam thân yêu.

Có thể nói, NSƯT Quang Hưng là một người đa tài bởi ngoài giọng hát trời phú, ông còn có khả năng viết báo với những kiến thức sâu sắc. Về quan niệm sống của mình, ông luôn tâm niệm lời dạy của cha ông về lối sống lương thiện mà ông đã được cha dạy cho từ lúc còn bé. Sau này, ông cũng dạy cho các con cháu ông về lối sống đó.

Dẫu biết sinh - tử là quy luật ngàn thu, nhưng sự ra đi của NSƯT Quang Hưng vẫn khiến biết bao người cảm thấy tiếc thương, bùi ngùi. Ông là một người tài thật sự mà bất cứ người tài nào ra đi cũng là một mất mát!

Được biết, lễ viếng và đưa tang NSƯT Quang Hưng sẽ diễn ra vào sáng 23/1 tại Nhà tang lễ bệnh viện 198 Hà Nội.

PV

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...