Việt Nam giàu khoáng sản nào nhất?

10:37 | 10/03/2012

8,388 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việt Nam có 3 loại khoáng sản có trữ lượng lớn là bauxit, đất hiếm và ilmenit (quặng titan) có trữ lượng lớn, nhưng trên thế giới cũng có nhiều loại này và phải hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm nữa vẫn chưa khai thác hết.

Trong các ngày từ 7 – 9/3 tại Trung tâm Triển lãm giảng Võ (Hà Nội) đã diễn ra triển lãm quốc tế về khai thác khoáng sản và khôi phục tài nguyên môi trường lần đầu tiên đã được tổ chức tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hội thảo “Địa chất, Khoáng sản và ứng dụng các công cụ quản lý trong doanh nghiệp khoáng sản” cũng lần đầu tiên công bố rộng rãi tiềm năng khoáng sản Việt Nam.

Việt Nam có, thế giới cũng nhiều

Việt Nam là nước có diện tích không lớn nhưng có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú với gần 40 chủng loại từ khoáng sản năng lượng (dầu khí, than, urani, địa nhiệt), khoáng sản không kim loại, vật liệu xây dựng đến khoáng sản kim loại. Tuy nhiên đất nước ta không phải là nước giàu về tài nguyên khoáng sản vì hầu hết các khoáng sản ở Việt Nam có trữ lượng không lớn, lại phân bố tản mạn không tập trung.

Việt Nam có 3 loại khoáng sản có trữ lượng lớn là bauxit, đất hiếm và ilmenit (quặng titan) có trữ lượng lớn, nhưng trên thế giới cũng có nhiều loại này và phải hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm nữa vẫn chưa khai thác hết.

Một mẩu quặng đất hiếm.

Bauxit thế giới có dự trữ 55 tỉ tấn, Việt Nam có hơn 5 tỉ tấn. Mỗi năm chỉ cần 200 triệu tấn, như vậy 275 năm nữa mới khai thác hết. Đất hiếm thế giới có 150 triệu tấn (Việt Nam hơn 10 triệu ), mỗi năm chỉ cần 135.000 tấn, như vậy phải hơn 1.000 năm nữa mới hết.

Quặng titan thế giới có khoảng 2 tỉ tấn (Việt Nam dự báo có khoảng 600 triệu tấn), hàng năm thế giới chỉ cần hơn 6 triệu tấn, như vậy cũng phải hàng trăm năm nữa mới hết. Việt Nam không giàu về tài nguyên khoáng sản, những thứ khoáng sản thiết yếu mà thế giới cần như dầu khí, vàng, kim cương… thì Việt Nam có rất ít.

PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh – Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết: “Tổng kết 13 năm thực hiện luật Khoáng sản (1996-2009) và trên thực tế đã thấy rất rõ, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan, nhiều nơi vô tổ chức đã không những làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng xấu đến cơ sở hạ tầng làm xuống cấp rất nhanh hệ thống đường xá, cầu cống, phá hủy môi trường sống, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội cho địa phương nơi có mỏ. Trong 13 năm cấp Trung ương đã cấp 353 giấy phép khai thác mỏ, cấp địa phương cấp tới 3.822 giấy phép khai thác mỏ. Các tỉnh cấp giấy phép khai thác mỏ nhiều nhất là Bình Thuận (200), Vĩnh Long (155), Yên Bái (152), Cao Bằng (142), Lâm Đồng (136), Nghệ An (126), Lai Châu (124), Lào cai (121), Thanh Hóa (101)…”.

Nhiều loại khoáng sản như đồng, chì kẽm, antimon, than… xuất thô tiểu ngạch sang nước ngoài làm thất thoát đáng kể và cạn kiệt tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Việt Nam giàu khoáng sản đất hiếm, bauxit

Đất hiếm trong sa khoáng chủ yếu ở dạng monazit, xenotim là loại phosphat đất hiếm, ít hơn là silicat đất hiếm (orthit). Trong sa khoáng ven biển, monazit, xenotim được tập trung cùng với ilmenit với các mức hàm lượng khác nhau, phân bố ven bờ biển từ Quảng Ninh đến Vũng Tàu. Sa khoáng monazit trong lục địa thường phân bố ở các thềm sông, suối điển hình là các mỏ monazit ở vùng Bắc Bù Khạng (Nghệ An) như ở các điểm monazit Pom Lâu – Bản Tằm, Châu Bình… Monazit trong sa khoáng ven biển được coi là sản phẩm đi kèm và được thu hồi trong quá trình khai thác ilmenit.

Ngoài các kiểu mỏ đất hiếm nêu trên, ở vùng Tây Bắc Việt Nam còn gặp nhiều điểm quặng, biểu hiện khoáng hoá đất hiếm trong các đới mạch đồng – molipden nhiệt dịch, mạch thạch anh – xạ – hiếm nằm trong các đá biến chất cổ, trong đá vôi; các thể migmatit chứa khoáng hoá urani, thori và đất hiếm ở Sin Chải, Thèn Sin (Lai Châu); Làng Phát, Làng Nhẻo (Yên Bái);… nhưng chưa được đánh giá.

Theo nguồn gốc có thể chia các mỏ, điểm quặng đất hiếm trên lãnh thổ Việt Nam thành 3 loại hình mỏ như sau: Mỏ nhiệt dịch: phân bố ở Tây Bắc, gồm các mỏ lớn, có giá trị như Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao, Mường Hum, Yên Phú và hàng loạt các biểu hiện khoáng hoá đất hiếm khác trong vùng. Kiểu mỏ hấp thụ ion: kiểu mỏ này mới đươc phát hiện tại khu vực huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Mỏ sa khoáng: gồm 2 kiểu sa khoáng chứa đất hiếm: Sa khoáng lục địa: phân bố ở vùng Bắc Bù Khạng (Pom Lâu, Châu Bình và Bản Gió); Sa khoáng ven biển: ven biển Việt Nam có nhiều mỏ và điểm quặng sa khoáng ilmenit có chứa các khoáng vật đất hiếm như monazit, xenotim.

Theo thành phần nguyên tố, quặng đất hiếm ở Việt Nam có thể chia làm 2 loại. Đất hiếm nhóm nhẹ: gồm các mỏ Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Đông Pao và quặng sa khoáng. Trong đó, khoáng vật đất hiếm chủ yếu là bastnezit (Nậm Xe, Đông Pao, Mường Hum) và monazit (Bắc Bù Khạng, sa khoáng ven biển). Đất hiếm nhóm nặng: điển hình là mỏ Yên Phú, tỷ lệ hàm lượng oxyt đất hiếm nhóm nặng trên tổng oxyt đất hiếm trung bình khoảng 30%. Ngoài mỏ Yên Phú, mỏ đất hiếm Mường Hum, tỷ lệ này tương đối cao, trung bình khoảng 22%.

Ông Bùi Tất Hợp - Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản cho biết: Tổng trữ lượng và tài nguyên đất hiếm trong các mỏ gốc và phong hóa ở Việt Nam đạt khoảng trên 16 triệu tấn tổng oxit đất hiếm, tập trung chủ yếu ở tỉnh Lai Châu. Các mỏ đất hiếm gốc và phong hóa ở Việt Nam đều thuộc loại quy mô lớn, trong đó mỏ đất hiếm lớn nhất là Bắc Nậm Xe. Tổng trữ lượng và tài nguyên monazit khoảng 7.000 tấn. Khối lượng tài nguyên không lớn nhưng phân bố tập trung, điều kiện khai thác, tuyển đơn giản nên cần được quan tâm thăm dò và khai thác khi có nhu cầu.

Khai thác Bauxit ở Tây Nguyên.

Theo tài liệu hiện có, tài nguyên bauxit nói chung và bauxit laterit ở Việt Nam được dự tính khoảng 5,5 – 6,9 tỉ tấn và có khả năng còn tăng thêm, thuộc loại quốc gia có tài nguyên bauxit lớn trên thế giới.

Với nguồn tài nguyên bauxit phong phú, năm 2007 Việt Nam đã có quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 – 2015, có xét đến năm 2025 nhằm phát triển bền vững ngành công nghiệp nhôm trong tương lai, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là cân đối như thế nào giữa tài nguyên và trữ lượng với tỷ lệ hợp lý để đảm bảo trữ lượng tin cậy cho sự phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit ở Việt Nam trong sự ảnh hưởng của lạm phát, suy giảm kinh tế ở khu vực và toàn cầu.

Tài nguyên bauxit ở Việt Nam đã được biết đến từ những năm 30 thế kỷ trước, khi vào khoảng năm 1936-1943 các nhà địa chất Pháp đã phát hiện và khai thác mỏ bauxit Lỗ Sơn (Hải Dương) và các mỏ bauxit ở vùng Lạng Sơn. Cho đến trước năm 1975 kết quả điều tra, thăm dò của ngành địa chất Việt Nam đã xác định và sơ bộ đánh giá triển vọng các vùng quặng bauxit lớn ở miền Bắc Việt Nam phân bố ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Nghệ An. Trữ lượng và tài nguyên được điều tra, thăm dò với các độ tin cậy khác nhau ở các vùng quặng bauxit này đạt 357,205 triệu tấn, trong đó trữ lượng chung ở các nhóm mỏ Lạng Sơn và Cao Bằng.

Từ năm 1975 đến nay công tác điều tra, thăm dò bauxit ở Việt Nam đã đưa lại những kết quả mới với những dự báo đến “chóng mặt”, chủ yếu liên quan đến loại bauxit laterit trong các vỏ phong hóa các đá bazan tuổi Neogen và Pliocen – Pleistocen.

Quặng bauxit laterit ở miền Nam Việt Nam tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên. Năm 2010, một kết quả thống kê chuyển đổi trữ lượng và tài nguyên bauxit laterit về một “mặt bằng cấp trữ lượng và tài nguyên” theo quy định về thăm dò, phân cấp trữ lượng và tài nguyên bauxit cho thấy tổng trữ lượng và tài nguyên bauxit laterit của 23 mỏ ở Tây Nguyên được 2,522 tỉ tấn quặng tinh. Trữ lượng quặng tinh có thể huy động vào nghiên cứu khả thi khai thác đạt 314,159 triệu tấn. Trữ lượng đã được cấp phép khai thác là 50,739 triệu tấn.

Quyết định số 167/2006/QĐ- TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu và định hướng phát triển là: “Đẩy mạnh công tác thăm dò và nâng cấp trữ lượng tài nguyên bauxit để đảm bảo độ tin cậy cho việc khai thác; đảm bảo trữ lượng tin cậy cho phát triển bền vững công nghiệp khai thác và chế biến bauxit toàn quốc”.

Đức Chính

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc