Tiếp vụ tiết lộ bí mật của cựu nhân viên CIA Edward Snowden:

Vì sao Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ muốn “bịt mắt” NSA?

15:03 | 10/05/2014

583 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ ủng hộ dự luật chấm dứt chương trình do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) được coi là tín hiệu thuận lợi giúp đẩy nhanh quá trình thông qua dự luật này tại Thượng và Hạ viện.

Ngày 8/5, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Roger cho biết, đã nhất trí thông qua dự luật Đạo luật Tự do Mỹ vừa được Ủy ban Tư pháp Hạ viện phê chuẩn. Ông Mike Roger cũng mong muốn hợp tác với Ủy ban Tư pháp Hạ viện, giới lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện cũng như quan chức Nhà Trắng để giải quyết những vấn đề tồn đọng nhằm hướng tới việc ký thành luật dự thảo kể trên trong năm nay.

Động thái này diễn ra sau khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện biểu quyết thông qua dự luật chấm dứt chương trình do thám của NSA hôm 7/5. Đây được coi là nỗ lực của đảng Cộng hòa và Dân chủ nhằm chấm dứt hoạt động nghe lén đẩy nước Mỹ rơi vào vụ bê bối ngoại giao lớn. Trong thông báo chung, Ủy ban Tư pháp Hạ viện kêu gọi Hạ viện và Thượng viện sớm thông qua dự thảo Đạo luật Tự do Mỹ để có thể khôi phục lòng tin của người dân về cách thức giới tình báo thu thập thông tin và bảo vệ quyền riêng tư của tất cả người dân Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, gọi động thái của Ủy ban Tư pháp Hạ viên là "lịch sử" và cho biết, Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ xem xét dự luật trong mùa Hè này.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Roger

Theo dự thảo Đạo luật Tự do Mỹ, cấm toàn bộ hoạt động do thám điện thoại của NSA, gồm việc thu thập các số đã gọi, thời gian và độ dài các cuộc gọi. Dự thảo cũng yêu cầu Tòa án giám sát tình báo đối ngoại (FISA), chỉ cấp giấy phép dựa trên sự giải thích rõ ràng của cơ quan tình báo đối với các trường hợp tình nghi cần theo dõi điện thoại, hoặc trong trường hợp có liên quan đến một cuộc điều tra đang được tiến hành. Dự thảo cũng đề nghị lập ủy ban gồm các chuyên gia pháp lý để đảm bảo FISA sẽ tuân thủ các quyền riêng tư và quyền hiến định, đồng thời cho phép các công ty viễn thông quyền công bố nhiều thông tin hơn liên quan đến các yêu cầu cung cấp dữ liệu của chính phủ. Động thái này được đánh giá sẽ làm tăng tính minh bạch của FISA.

Theo giới phân tích, động thái này sẽ mở đường cho dự luật trên nhanh chóng được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện. Tuy nhiên, văn kiện này hiện vẫn đang vấp phải rào cản từ một số ủy ban thuộc Thượng viện. Trước đó (1/5), Chính phủ Mỹ đã công bố bản báo cáo mang tên Big Data, đánh giá về tình trạng bảo mật thông tin trên internet, đồng thời kêu gọi Quốc hội sớm thông qua các điều khoản bổ sung giúp tăng cường bảo vệ quyền riêng tư của người dân Mỹ.

Nghị sỹ đảng Cộng hòa Jim Sensenbrener cho rằng, việc Ủy ban Tư pháp Hạ viện ủng hộ dự luật này đã thể hiện rõ ràng quan điểm của Quốc hội không tán thành hoạt động do thám điện thoại trên diện rộng. Dư luận quan tâm tới việc ông Jim Sensenbrener, tác giả của Đạo luật yêu nước được Quốc hội thông qua ngay sau sự kiện 11/9/2001 (trao cho các cơ quan tình báo quyền hạn rộng hơn trong việc thu thập thông tin tình báo) lại cho rằng, chính phủ đã áp dụng sai Đạo luật yêu nước khi đi quá giới hạn, vi phạm quyền riêng tư của hàng triệu người Mỹ không bị tình nghi hoặc không có liên hệ với các hoạt động khủng bố. Mặc dù 2 ủy ban của Thượng và Hạ viện đều cho rằng, dự luật phù hợp với các ưu tiên của chính quyền Tổng thống Barack Obama, nhưng cho đến nay Nhà Trắng vẫn chưa có phản ứng đối với dự luật gây nhiều tranh cãi này.

Những việc kể trên đều có liên quan tới cựu nhân viên CIA Edward Snowden, người đã tiết lộ nhiều bí mật động trời của NSA. Ngày 8/5, các nhà lập pháp Đức đã quyết định, sẽ đặt câu hỏi cho Edward Snowden trong cuộc điều tra của nghị viện, vào việc giám sát hàng loạt công dân Đức, mà cựu nhân viên CIA từng thực hiện. Nhưng cho tới nay chính phủ Đức vẫn chưa quyết định sẽ đưa Edward Snowden tới Đức để trả lời trực tiếp hay trả lời qua video. Theo Roderich Kiesewetter, người đứng đầu phe bảo thủ của ủy ban được thành lập để điều tra các hoạt động mà NSA thu thập được tại Đức cho biết, đa số các ủy viên đã quyết định muốn nghe gì đó từ Edward Snowden.

Edward Snowden

Được biết, Berlin từng quyết định không mời Edward Snowden tới Đức để lấy lời khai giúp quá trình điều tra các hoạt động do thám của NSA bởi việc này có thể gây nguy hại tới lợi ích quốc gia. Berlin cho rằng, nếu mời Edward Snowden tới Đức, thì các cơ quan tình báo Mỹ sẽ "ít nhất là tạm thời" hạn chế hợp tác với các cơ quan tình báo Đức. Theo giới truyền thông, sau cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 3/5, Thủ tướng Angela Merkel thừa nhận, lãnh đạo Đức và Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận không giám sát lẫn nhau. Bởi theo yêu cầu của bà Angela Merkel, Washington phải ký với Berlin thỏa thuận ngừng các hoạt động do thám, nhưng Tổng thống Barack Obama khẳng định, đây là điều không thể vì Mỹ chưa có tiền lệ ký thỏa thuận tương tự với bất cứ quốc gia nào. Điều này cho thấy, Mỹ và Đức không xóa được mâu thuẫn về do thám.

Dư luận khá quan tâm tới việc trang chủ của NSA bị tấn công. Bởi theo tuyên bố của chuyên gia chuyên gia công nghệ thông tin sống ở bang Sachsen của Đức Matthias Ungethum hôm 2/5, anh ta đã hack được trang web của NSA và đổi logo "Codebreakers and Codemakers" của cơ quan này bằng cụm từ tiếng Đức "Durchleuchten Sie Ihre Homepage" (Hãy kiểm tra trang chủ). Matthias Ungethum cho biết, vì không muốn dính dáng tới pháp luật nên chỉ tấn công và thay đổi logo trên trang chủ của NSA và đã thông báo cho NSA về lỗ hổng an ninh của trang mạng này - không phải là lỗ hổng phức tạp cần những kiến thức siêu việt. Việc NSA do thám điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel và thu thập dữ liệu của công dân Đức được coi là một trong những nguyên nhân khiến Matthias Ungethum thực hiện hành động kể trên.

Giới chuyên môn cho rằng, tuyên bố của cựu Giám đốc NSA, Tướng Keith Alexander tại cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Australian Financial Review trong số ra ngày 8/5 tiếp tục hâm nóng vụ bê bối nghe lén của NSA. Bởi theo ông Keith Alexander, người vừa nghỉ hưu hôm 31/3, cựu nhân viên CIA Edward Snowden nhiều khả năng đang nằm dưới sự điều khiển và kiểm soát của các cơ quan tình báo Nga. Tuy nhiên, ông Keith Alexander cũng thừa nhận: không biết chính xác Edward Snowden bị điều khiển từ khi nào và ở mức độ nào.

Tuyên bố gây sốc của Tướng Keith Alexander được đưa ra sau khi tờ The Guardian của Anh dẫn lời Eward Snowden cho biết, không chỉ lãnh đạo các nước và các chính trị gia, mà mọi người dân đều nằm trong tầm giám sát của các cơ quan tình báo và mật vụ Mỹ gồm CIA và NSA. Điều này đồng nghĩa với việc, NSA và CIA biết rõ về đời tư của từng người dân. Trong videoclip ngắn vừa công bố trên mạng Youtube, Eward Snowden khẳng định, trung tâm của những hoạt động do thám tổng lực này được đặt ở thủ đô Toronto của Canada.

Trước đó, hãng Reuters cũng dẫn lời luật sư của cựu nhân viên CIA cho biết (30/4), quy chế tị nạn của Edward Snowden dự kiến sẽ được gia hạn. Theo luật sư Jesselyn Radack, quy chế tị nạn tạm thời ở Nga của Edward Snowden sẽ hết hạn vào cuối tháng 6, nhưng nhiều khả năng sẽ được gia hạn.

Đông Ngàn - Bắc Ninh