Vì sao Trung Quốc la làng?

19:00 | 13/08/2014

4,165 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối kịch liệt việc Mỹ và Úc gia tăng hợp tác quốc phòng. Hội nghị Ngoại giao và Quốc phòng thường niên Mỹ-Úc hôm 12/8 được coi là một bước chuyển dịch mới trong chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ nhằm khống chế Trung Quốc.

Vì sao Trung Quốc la làng?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) họp báo chung với Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tại Sydney, ngày 12/8/2014

Trong khuôn khổ Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao-Quốc phòng Mỹ-Úc (AUSMIN), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel hội đàm với các đồng nhiệm Úc, Ngoại trưởng Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston, với trọng tâm là an ninh khu vực và đẩy mạnh hợp tác quân sự song phương.

Theo các nhà phân tích, cuộc gặp lần này có mục đích bàn bạc cụ thể thỏa thuận cho phép thủy quân lục chiến Mỹ luân phiên đóng quân tại miền bắc nước Úc, mà đích thân Tổng thống Barack Obama đã thông báo năm 2011, và được coi là một thành tố trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Washington. Trong khuôn khổ chiến lược này, Washington có kế hoạch đưa hơn 2.500 thủy quân lục chiến đến miền bắc thành phố Darwin, vùng lãnh thổ phía Bắc vào năm 2016-2017.

Bates Gill, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Đại học Sydney cho rằng, cuộc thảo luận lần này là một bước tiến quan trọng hướng tới việc gia tăng sự tiếp cận và hiện diện của binh sĩ và phương tiện quân sự Mỹ trên lãnh thổ Úc. Tiến trình đàm phán đã diễn ra chậm và thận trọng, bởi vì kể từ khi có thông báo về việc thủy quân lục chiến Mỹ luân phiên có mặt tại Darwin, Trung Quốc rất bực tức, thậm chí một số nước châu Á cũng lo ngại vì cho rằng Washington chỉ quan tâm đến việc bảo vệ các lợi ích của mình trong khu vực, trong lúc Bắc Kinh ngày càng hung hăng đưa ra các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã trấn an là chiến lược tái cân bằng của Mỹ nhắm tới toàn vùng châu Á.

Nếu nhìn vào những gì mà Mỹ đang làm, thì rõ ràng là việc tái cân bằng đang diễn ra trong các lĩnh vực quân sự và ngoại giao. Mỹ và Úc đã thảo luận về chiến lược tái cân bằng trong các cuộc gặp trước đây, bây giờ, hai bên bàn bạc thực hiện thế nào và cần phải có những chiến lược nào đối với khu vực, Mỹ và Úc có thể hợp tác ra sao về việc này. Họ thực sự bắt đầu thảo luận vào chi tiết.

Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng chỉ trích thỏa thuận Mỹ-Úc, coi đó là hành động làm gia tăng căng thẳng và hoài nghi giữa các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop ngày hôm nay lên tiếng bảo vệ hiệp định triển khai 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ tại nước mình, cho rằng việc này không nhằm kiềm chế sức mạnh đang lên của Trung Quốc đang gây căng thẳng trong khu vực. Mỹ cũng trấn an với tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc và mong muốn hợp tác với Bắc Kinh trong tinh thần xây dựng.

Bà Bishop khẳng định việc các thủy quân lục chiến luân phiên đóng tại bắc Darwin là “tiến triển tự nhiên” của liên minh Mỹ-Úc. Và rằng việc Mỹ tái cân bằng chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương là phương cách cùng hành động để hỗ trợ phát triển kinh tế cũng như hòa bình và an ninh khu vực. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn cho rằng chiến lược xoay trục của Mỹ về châu Á là nhằm kiềm chế, vây hãm Trung Quốc.

Th.Long (tổng hợp)

Th.Long

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc