Vì sao Tháp truyền hình Nam Định đổ sập trong bão?

11:30 | 29/10/2012

5,436 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 8, khoảng 20h45 ngày 28/10, cột truyền dẫn, phát sóng Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Nam Định cao 180 mét mới được đưa vào sử dụng đã bị đổ sập. Nguyên nhân ban đầu được xác định do các thanh thép bị xoắn đứt chứ không phải bị đứt ở các mối hàn.

>> Những thiệt hại đầu tiên do siêu bão Sơn Tinh gây ra

Thông tin ban đầu, vào thời điểm xảy ra sự việc tại nhà truyền dẫn tín hiệu có bốn cán bộ kỹ thuật đang trong ca trực. Bất ngờ, gió bão xoay chiều, giật mạnh gây vặn xoắn, làm cột phát sóng truyền hình cao 180 mét, trọng lượng hơn 170 tấn đổ gẫy hoàn toàn.

Cột tháp truyền hình Nam Định đang tiếp sóng các kênh VTV 2, VTV 3, VTV 6 của Đài truyền hình Việt Nam cho hàng vạn hộ dân khu vực Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.

 

Sự cố xảy ra khiến anh Quyền Đình Hiếu (cán bộ kỹ thuật Đài Phát thanh – Truyền hình Nam Định) đang theo dõi tín hiệu truyền dẫn từ Đài Truyền hình Việt Nam và truyền hình AVG đã bị thương nặng do bê tông văng vào đầu, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Nam Định.

Sáng ngày 29/10, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định trực tiếp đến hiện trường nắm tình hình, đồng thời chỉ đạo Đài phát thanh – truyền hình tỉnh khẩn trương báo cáo bằng văn bản gửi Đài truyền hình Việt Nam toàn bộ sự việc, đề nghị cử cán bộ kỹ thuật về thẩm định, xác định hướng khắc phục.

Trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Đài phát thanh – truyền hình tỉnh tiếp tục ổn định sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình. Trong ngày hôm nay và những ngày tiếp theo phát sóng tạm thời qua hệ thống truyền hình cáp. Về lâu dài, phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam lắp đặt thiết bị truyền dẫn, phát sóng tại cột truyền hình cao 87 mét (cột truyền hình cũ tại đường Hàn Thuyên, T.P Nam Định).

 

Một trong những thanh sắt bị gió vặn xoắn, gãy ngang thân.

Trong sáng nay (29/10), các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định đã có mặt tại hiện trường để điều tra làm rõ về nguyên nhân vụ việc. Theo đại diện bên tư vấn thiết kế thì tháp bị đổ do các thanh thép bị xoắn đứt chứ không phải bị đứt ở các mối hàn. Điểm tháp bị gãy ở vị trí cách mặt đất khoảng 20 m, chỉ còn lại hệ thống chân đế.

Theo đánh giá của những người có mặt tại hiện trường, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến vụ sập tháp truyền hình này. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tháp quá cao, các thanh sắt trụ và sắt giằng lại nhỏ, khu vực xung quanh lại không có nhà cao tầng che chắn. Khi gió lớn, các thanh giằng không thể chịu tải dẫn đến gãy tháp làm đôi. Bên cạnh đó, cột tháp cao gần 200 mét, thế nhưng lại không có dây giằng, neo ngọn tháp.

Được biết, cột phát sóng cao 180 mét mới được đưa vào khai thác, sử dụng ngày 2/9/2010, phủ sóng toàn bộ vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Ước tính thiệt hại ban đầu gần 50 tỉ đồng.

T.Minh