Vì sao 'sính' vắc-xin dịch vụ?

07:00 | 07/01/2016

464 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trả lời PetroTimes về việc vắc-xin dịch vụ phải chăng an toàn hơn vắc-xin miễn phí, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định, quan niệm như vậy là hoàn toàn sai lầm do không loại vắc-xin nào bảo đảm an toàn 100%, loại nào cũng có thể có tỷ lệ phản ứng nặng nhất định vì tiêm vắc-xin là quá trình đưa kháng nguyên lạ vào cơ thể. 

Hạ tuần tháng 12-2015 xảy ra một vụ việc mà có lẽ lịch sử ngành y tế dự phòng chưa bao giờ xảy ra, đó là những người đến đăng ký tiêm chủng cho con cháu tại Trung tâm Polyvac, 182 đường Lương Thế Vinh, Hà Nội đã hỗn loạn, chen chúc, tranh giành nhau số đăng ký tiêm dịch vụ, do số lượng chỉ có hơn 400 liều, trong khi có hàng nghìn người có nhu cầu.

Lực lượng công an cũng đã phải có mặt để “vãn hồi trật tự” và trung tâm phải dừng tiêm đến khi tìm ra giải pháp an toàn, trật tự.

Đây là hệ lụy của một cách làm việc chưa rõ ràng của cơ quan hữu trách và sự cảm tính của người dân.

Còn nhớ năm 2014, có 10 trường hợp tử vong sau khi tiêm chủng. Trước hiện tượng như vậy, Bộ Y tế có vào cuộc để điều tra nguyên nhân xác định do trùng lặp ngẫu nhiên vì một ngày Việt Nam có khoảng 70 trẻ dưới 1 tuổi tử vong do nhiều nguyên nhân. Tiếp nữa, có thể do vắc-xin gây nên và cuối cùng là do thực hành tiêm chủng và vì cơ địa của các bé quá mẫn cảm với vắc-xin.

Tuy nhiên, các nguyên nhân này đã không được phân tích kỹ với từng trường hợp và truyền thông một cách công khai, liên tục tới người dân mà dường như sự giải thích đó chỉ khiến người ta thêm hiểu mập mờ về loại vắc-xin đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trong khi đó, vắc-xin dịch vụ Pentaxim, dù không được tiêm chủng với số lượng lớn như vắc-xin tiêm miễn phí, nhưng rõ ràng chưa có trường hợp nào phản ứng nặng nhất, hay chí ít cũng chưa có trường hợp nào sau tiêm xảy ra “sự cố” dẫn đến tử vong.

Chính vì vậy, vốn đã cảm tính trong khám chữa bệnh vì thói quen “truyền khẩu” từ xưa tới nay, khi xảy ra những hiện tượng trên, người dân càng thêm tin hơn vào chân lý “tiền nào của nấy” đối với loại vắc-xin dịch vụ và “quay lưng” với vắc-xin miễn phí để bảo đảm an toàn cho con, cháu mình.

vi sao sinh vac xin dich vu
Khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm vắc-xin

Cũng cần nói thêm về bệnh cảm tính của người dân ở đây, có thể nói mang tính “cố hữu”, rất khó thay đổi, chỉ dựa trên hiện tượng mà không cần căn cứ, cơ sở khoa học nào để xây dựng niềm tin cho mình, chủ yếu thấy “đám đông” nhận định ra sao thì theo thế ấy. Cũng bởi vậy, trong khám chữa bệnh nói chung, tiêm phòng nói riêng, họ đã bị dẫn dắt bởi cảm tính.

Đó cũng là nguyên nhân vì sao vắc-xin dịch vụ trở nên đắt khách dù giá thành lên đến hơn 700 nghìn đồng/liều, dù phải xếp hàng trắng đêm để đăng ký số thứ tự hay bất chấp cả thời gian tiêm quá hạn (vì mỗi liều phải tiêm 3 mũi, mỗi mũi phải cách nhau thời hạn đúng quy định)…

Và đó cũng là nguyên nhân vì sao xảy ra chuyện “lịch sử” hỗn loạn trong ngành y tế dự phòng ở Trung tâm Polyvac.

Để giải quyết vấn đề này cũng như tránh lặp lại ở các cơ sở tiêm phòng khác, Bộ Y tế đã phê bình nghiêm khắc Trung tâm Polyvac với lý do tổ chức không tốt khâu đăng ký tiêm phòng. Bởi đây là một trong những khâu quan trọng nhất quyết định sự thành công của tiêm phòng dịch vụ.

Đồng thời đưa ra giải pháp, những người muốn tiêm phòng cho con, cháu phải đăng ký số thứ tự qua website của cơ sở, qua thư điện tử, hoặc điện thoại… trước khi đến tiêm.

Trả lời PetroTimes về việc vắc-xin dịch vụ phải chăng an toàn hơn vắc-xin miễn phí, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định, quan niệm như vậy là hoàn toàn sai lầm do không loại vắc-xin nào bảo đảm an toàn 100%, loại nào cũng có thể có tỷ lệ phản ứng nặng nhất định vì tiêm vắc-xin là quá trình đưa kháng nguyên lạ vào cơ thể.

Nếu khác, có chăng chỉ là vắc-xin dịch vụ vì là thành phần ho gà vô bào nên khi tiêm trẻ không bị đau, sưng tấy chỗ tiêm, không có phản ứng phụ là sốt nhẹ. Trong khi tiêm vắc-xin miễn phí có thể có những triệu chứng như vậy vì vắc-xin chứa thành phần ho gà toàn bào. Tuy nhiên, đổi lại vắc-xin ho gà toàn bào miễn dịch tốt hơn vắc-xin ho gà vô bào.

Minh chứng là ở Mỹ, năm qua, nhiều bệnh nhân đã tiêm phòng vắc-xin ho gà vô bào nhưng dịch ho gà vẫn bùng phát. Cũng bởi vậy, PGS.TS Trần Đắc Phu lo rằng, nếu 60-70% người dân mà tiêm phòng vắc-xin vô bào thì khả năng miễn dịch cộng đồng sẽ kém, dẫn đến dịch bệnh bùng phát.

Để chứng minh thêm cho chất lượng của vắc-xin miễn phí, ông Trần Đắc Phu đã dẫn chứng, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, đến nay đã có 4,5 triệu liều vắc-xin Quinvaxem được tiêm cho trẻ, trong khi tiêm dịch vụ chỉ chiếm khoảng 10% (vắc-xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1).

Như vậy, nếu tiêm dịch vụ cũng nhiều như vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì tỷ lệ phản ứng nặng dẫn đến tử vong cũng có thể xảy ra.

Tuy nhiên, ông Trần Đắc Phu nói thêm việc tử vong này không phải hoàn toàn do Quinvaxem mà là sự trùng hợp ngẫu nhiên như lúc tiêm có thể trẻ đang trong thời gian ủ bệnh khoảng 4-5 ngày trước đó hoặc trẻ quá mẫn cảm với thuốc… Do đó, ông Phu khẳng định: “Tiêm chủng mở rộng vẫn phải là ưu tiên hàng đầu”.

Trả lời về việc vì sao hiểu rõ hiệu quả của từng loại vắc-xin dịch vụ và miễn phí như vậy, Bộ Y tế vẫn khuyến khích nhập khẩu vắc-xin dịch vụ và cho tiêm vắc-xin dịch vụ thì ông Phu cho rằng, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là những người chưa thực sự tin tưởng vào vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Thế nhưng, có một thực tế diễn ra vắc-xin dịch vụ đang rất khan hiếm, ngay cả đôn đáo suốt 2 năm qua, Bộ Y tế cũng chỉ thương lượng để mua được 200.000 nghìn liều nhưng phải nhận làm 2 đợt - vào cuối tháng 12-2015 và tháng 2-2016. Trong khi nhu cầu theo tính toán phải từ 600.000 - 1 triệu liều/năm. Vậy làm thế nào để nhập đủ vắc-xin dịch vụ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng?

Về vấn đề này, TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược trần tình: “Hiện nay, có 3 nhà sản xuất có công nghệ sản xuất vắc-xin ho gà vô bào là Nhật Bản, Hãng GlaxoSmithKline (GSK), Anh và Sanofi Pasteur, Pháp.

Tuy nhiên, với Nhật Bản, sau khi trao đổi thương thuyết rất nhiều lần, họ không thể đáp ứng nhu cầu vắc-xin của ta do số lượng vắc-xin họ sản xuất chỉ đủ đáp ứng trong nước.

Còn đối với Hãng GSK hay Sanofi cũng vậy. Chỉ khác là hai nhà sản xuất này có xuất khẩu nhưng chỉ xuất khẩu cho những quốc gia sử dụng vắc-xin của họ trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Do đã đưa vắc-xin vào chương trình tiêm chủng quốc gia buộc họ phải cam kết cung cấp đủ thuốc.

Cuối cùng vì sự khẩn thiết của ta thì Sanofi đã đồng ý điều phối để Việt Nam có 200.000 liều vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim. Tuy nhiên, hy vọng có thêm vắc-xin đó là không được nên năm 2016 chưa biết phải tìm nguồn cung ở đâu”.

Ông Trần Đắc Phu khuyến cáo, đối với những trẻ tiêm vắc-xin dịch vụ, nếu không có vắc-xin phải đi tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng ngay khi đến hạn, không được bỏ mũi.

Không được tiêm vắc-xin “xách tay” như một số bà mẹ hiện nay “mách nhau” do vắc-xin này không bảo đảm chất lượng, nhất là sau quá trình vận chuyển từ nước ngoài về, không bảo đảm đúng nhiệt độ lưu giữ. Cũng không cần quá cầu kỳ khi đưa con ra tận nước ngoài để tiêm vắc-xin dịch vụ.

“Hiện có 94 quốc gia đang tiêm Quinvaxem và tác dụng của nó như vắc xin dịch vụ Pentaxim. Chất lượng này cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá. Vậy tại sao lại “quay lưng” với Quinvaxem”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương:

Việt Nam là nước duy nhất có cơ chế tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ theo nghĩa tiêm dịch vụ thì giá vắc-xin và công tiêm cũng cao hơn. Đây là hệ quả của cơ chế chuyển dịch từ bao cấp sang xã hội hóa từ nhiều năm, tới lúc cần phải thay đổi.

Bộ Y tế cần xây dựng lộ trình để tới 2020 chỉ còn một cơ chế tiêm mở rộng như các nước. Khi đó Nhà nước sẽ chọn một hoặc một số loại vắc-xin cho mỗi loại bệnh và người dân sẽ được tiêm miễn phí dù chọn loại vắc-xin nào.

Cùng với đó, Bộ Y tế cần thúc đẩy chương trình đầu tư sản xuất vắc-xin để có thể chủ động hơn.

Xuân Bách