Vị bác sĩ trẻ 33 lần hiến máu cứu bệnh nhân

14:12 | 27/02/2012

857 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chỉ là một bác sĩ trẻ có chuyên môn vững vàng, anh còn là một Bí thư Đoàn hoạt động tích cực, năng nổ, là thế hệ trẻ tiên phong trong phong trào hiến máu nhân đạo và nhận được hàng chục danh hiệu, bằng khen của nhà nước, thành phố… Anh là Ths.BS Trần Ngọc Quế, Bí thư Đoàn Thanh niên, Trưởng khoa Hiến máu, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

33 lần hiến máu cứu người

Một ngày cuối tuần, gặp Th.BS Trần Ngọc Quế ở phòng làm việc của anh trong Viện máu, anh gây ấn tượng mạnh với tôi bởi sự hài hước và điệu cười “hề hề” giòn vang, rất giống với ông trưởng thôn của “Người vác tù và hàng tổng”. Kể cũng thật ngẫu nhiên, bởi những việc mà anh đang làm cho đời vẫn thường bị cho là “vác tù và hàng tổng”…

Ít ai biết được rằng, một vị Trưởng khoa 39 tuổi, từng có thời sinh viên gầy gò, ốm yếu vì thiếu ăn lại có thành tích hiến máu cứu người lên đến… 33 lần. Và không phải ai cũng biết, vị Trưởng khoa ấy chính là 1 trong 10 thanh niên đầu tiên “mở hàng”, tiên phong cho phong trào vận động người dân hiến máu nhân đạo gần hai chục năm về trước.

Th.BS Trần Ngọc Quế

Anh Quế kể rằng, vào những năm 90, người dân còn có cái nhìn thiếu thiện cảm về hoạt động hiến máu, bán máu. Nhiều người không tin tưởng giao những giọt máu đào của mình cho viện vì nghĩ chưa chắc nó đã đến được với bệnh nhân. Nhiều người lại nghĩ rằng, chỉ có những người tệ nạn lắm thì mới bán máu để ăn chơi sa đọa. Vì thế, số người bán máu ít, số người hiến máu còn hiếm hoi hơn và “ngân hàng” máu thời đó rất khan hiếm.

Chứng kiến tình trạng nguy hiểm khi người bệnh bị băng huyết, thiếu máu phải “dài cổ” để đợi máu cấp cứu, GS.TSKH Đỗ Trung Phấn lúc bấy giờ là Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW rất trăn trở và xót xa.

GS.Phấn đã phát động các sinh viên ĐH Y và nhân viên của mình tham gia CLB học sinh sinh viên hoạt động nhân đạo. Nói là “hoạt động nhân đạo” cho nhẹ nhàng, chứ thực chất chính là vận động mọi người đi hiến máu. Và anh Quế là một trong số ít những sinh viên Y khoa thời bấy giờ giúp sức mạnh mẽ cho sự hoạt động của CLB.

Bác sĩ Trần Ngọc Quế luôn gây ấn tượng mạnh với những người xung quanh bởi tài đức, sự nhiệt tình và nụ cười giòn tan luôn thường trực trên môi

Bên cạnh đó, ngoài cương vị Trưởng khoa Hiến máu, Bí thư Đoàn Thanh niên, anh Quế còn là Chủ nhiệm CLB Những người có nhóm máu hiếm và cũng là một người có nhóm máu hiếm. Vì thế, mỗi khi bệnh nhân nào có nhóm máu đặc biệt như anh mà trong tình trang mất máu, cần truyền gấp thì anh lại xắn tay áo… “cứu người là trên hết”.

Thế nên, kể từ những ngày đầu tiên ấy, đến giờ là sau 18 năm, anh Quế đã có bề dày kinh nghiệm hiến máu nhân đạo lên tới con số 33 lần.

Suýt bỏ dở đại học vì… mất học bổng

Dành thời gian công tác xã hội, chuyên môn tích cực, năng nổ ngay từ ngày sinh viên là vậy, nhưng người thủ lĩnh Trần Ngọc Quế cũng đã có quãng đời gian khó, túng thiếu đến mức phải suýt bỏ dở việc học tại ngôi trường Đại học Y Hà Nội.

Đó là khi anh mới là sinh viên y khoa năm thứ 2. Sự ra đi đột ngột của người bố đã khiến gia đình anh lao đao trong một thời gian dài. Mất mát tinh thần làm cho chàng sinh viên nhạy cảm bị hụt hẫng, học hành sa sút và đánh mất học bổng. Mà học bổng là thứ cứu cánh duy nhất để anh trang trải học phí ngày ấy.

Bùi ngùi nhớ lại quãng thời gian khó khăn đó, anh Quế tâm sự: “Lớp tôi có 6 bạn được học bổng thì mỗi người trích ra 10.000 đồng để góp tiền cho tôi tiếp tục được đi học. Thực sự, mỗi lần nhớ lại cũng thấy mình thật may mắn vì có những người bạn tuyệt vời”.

Hết lòng với công tác vận động hiến máu

Ngoài việc tiếp tục học tập, anh bắt đầu làm thêm quần quật. Thời gian đầu, anh xin được công việc dọn dẹp nhà vệ sinh nam của một Trạm Y tế, làm lao công cho trường, làm gia sư, phu hồ, cạo mía thuê… Lâu nhất là làm dệt len cho một gia đình ở phố Cầu Đất (giờ là Bạch Đằng). Vì giờ học ban ngày kín lịch nên chủ nhà đã thương tình cho phép anh dệt len một mình từ 22h – 6h.

Cứ thế, ban ngày anh Quế đi học, tối về tranh thủ tắm giặt, ăn uống, lao đi làm thêm đến sáng, rồi lại vội vã đến trường. Mỗi tháng, anh kiếm được chưa đầy 15.000 tiền sinh hoạt.

39 tuổi, nhận 61 danh hiệu, bằng khen…

Năm 1996, sau khi ra trường, anh Quế là một trong hai sinh viên ưu tú được Viện trưởng Phấn nhận thẳng về Viện Huyết học – Truyền máu TW làm việc. Với tâm huyết gây dựng nên một phong trào hiến máu phổ biến trong toàn dân, anh đã mạnh dạn đề xuất thành lập Chi hội vận động thanh niên tình nguyện hiến máu Hà Nội, thay cho CLB Học sinh sinh viên hoạt động nhân đạo.

Từ năm 2000 đến nay, Chi hội đổi tên thành Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội với rất nhiều hoạt động ý nghĩa như Lễ hội Xuân Hồng, Ngày hội Trái tim tình nguyện…

Trong 16 năm làm thầy thuốc và phụ trách Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, 14 năm làm Bí thư Đoàn, gần 5 năm làm Chủ nhiệm CLB Những người có nhóm máu hiếm, Ths.BS Trần Ngọc Quế đã cứu mạng, chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người, tổ chức hàng chục hoạt động xã hội có ý nghĩa cho cộng đồng, nhận hơn 60 danh hiệu, bằng khen, giấy khen… của Nhà nước, thành phố…

Bác sĩ Trần Ngọc nhận giải thưởng danh giá mang tên nữ bác sĩ anh hùng "Đặng Thùy Trâm"

Năm 2011 có lẽ là năm bội thu giải thưởng, bằng khen của bác sĩ Quế khi anh là 1 trong 10 thầy thuốc trẻ thủ đô tiêu biểu vinh dự nhận giải thưởng “Đặng Thùy Trâm” – giải thưởng chuyên môn dành cho những lương y trẻ có nhiều đóng góp thiết thực và ý nghĩa cho cộng đồng; nhận danh hiệu “Thầy thuốc trẻ ưu tú”, danh hiệu "Chiến sĩ thi đua”, Bằng khen về “Thành tích xuất sắc tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo vì sức khỏe cộng đồng TP Hà Nội” của Bộ Y tế; giải thưởng “Khi Tổ quốc cần” của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; Bằng khen của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về “Thành tích xuất sắc trong công tác Vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết và tổ chức lễ hội Xuân hồng”…

Ngày đầu tháng 2 vừa qua, anh cũng vinh dự cùng 9 bác sĩ trẻ là các Bí thư đoàn cơ sở khác nhận Bằng khen của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam về “Thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Thầy thuốc trẻ”.

Cho đến giờ, trên kệ sách trong phòng làm việc của bác sĩ Quế chất đầy những bằng khen, giấy chứng nhận danh hiệu… Và cả chiếc tủ gỗ nhỏ bên cạnh cũng là nơi đặt hàng chục chiếc cúp lưu niệm, quà tặng của những người mến mộ y đức và trân trọng tấm lòng nhân đạo của người bác sĩ trẻ…

Trong đó có một khung chữ được anh treo ngay ngắn ở vị trí trang trọng nhất mà mỗi khi bước vào phòng làm việc, anh đều ngước lên nhìn. Anh nói đó là món quà mà một ông đồ tặng cho anh khi họ gặp nhau lần đầu tiên ở ngày hội hiến máu năm nọ.

Với anh Quế, khung chữ ấy là một món quà nhưng cũng là lời nhắc nhở anh phải khắc ghi mỗi ngày: "Kiến ngư tri ngôn / Quán ngư tri đế”.

Tạm dịch là: Nếu hành động chỉ nghĩ đến cái lợi ích nhỏ nhen, cá nhân trước mắt thì như con cá chỉ biết tranh cướp miếng ăn trong một cái ao. Còn nếu có đầu óc quan sát và có cái tâm thực sự thì sẽ đứng ngoài những tham lam trần tục, sống điềm nhiên, thanh thản như một người chủ cho đàn cá ăn.

Kết thúc buổi trò chuyện với BS Quế, tôi chào anh ra về. Trước cổng viện là từng tốp sinh viên của Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Khoác trên mình bộ cánh màu xanh hy vọng, có lẽ các em đang chuẩn bị cùng nhau đạp những vòng xe bền bỉ đi đến nơi nào đó của Tổ quốc, miệng ngân nga hát vang câu ca: "Chúng ta hát bài ca thanh niên tình nguyện, chúng ta đến vùng sâu nơi xa mọi miền, tuổi trẻ có thanh niên, đầy nhiệt huyết trong tim, bạn cùng tôi hòa mình vào mùa hè xanh, với khối óc bàn tay hăng say nhiệt tình, góp công sức dựng xây quê hương của mình, từ nhịp sống hôm nay là hạnh phúc mai sau…”.

Nguyễn Nga