VEPR hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 xuống dưới 2%

16:22 | 21/10/2020

182 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đưa ra bức tranh nền kinh tế khá ảm đạm trong năm nay, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế xuống dưới 2%.

Vào sáng ngày 21/10/2020 tại khách sạn Sheraton Hà Nội, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã tổ chức Tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III và chín tháng đầu năm 2020".

VEPR thẳng thắn chỉ ra một số điểm yếu của kinh tế Việt Nam gồm mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, bị chững lại; sức khỏe hệ thống ngân hàng - tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp; hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề; tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh chất lượng còn thấp.

vepr-ha-thap-du-bao-tang-truong-kinh-te-trong-nam-2020-xuong-duoi-2
Phó giáo sư Phạm Thế Anh giới thiệu về Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2020 của VEPR.

Theo Báo cáo kinh tế quý III năm 2020 của VEPR, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III/2020 đạt mức 2,62%, trong chín tháng đầu năm đạt 2,12%. Tính chung chín tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%. Trong chín tháng đầu năm 2020, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,65%, ngành lâm nghiệp tăng 2,02%, ngành thủy sản tăng 2,44%.

Bên cạnh sản lượng nông nghiệp tăng trưởng yếu do thiên tai và dịch bệnh, ngành lâm nghiệp tăng trưởng yếu do nhiều đơn hàng xuất khẩu gỗ bị hủy hoặc chậm thanh toán khiến các doanh nghiệp giảm thu mua gỗ nguyên liệu, sản lượng gỗ khai thác tăng chậm so với cùng kỳ năm trước. Xâm nhập mặn cũng gây ảnh hưởng xấu đến nuôi trồng thủy sản, cộng với việc thị trường xuất khẩu chưa hoàn toàn hồi phục khiến tăng trưởng ngành trong chín tháng đầu năm đạt mức thấp nhất trong ba năm gần đây. Nếu có thể gỡ được thẻ vàng của Liên minh châu Âu, ngành thủy sản có thể tận dụng tốt các lợi thế từ EVFTA, tạo động lực cho tăng trưởng dài hạn. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chín tháng đầu năm 2020 tăng 2,69%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ trong mười năm gần đây. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%. Ngành khai khoáng giảm 5,35% do sản lượng dầu thô khai thác và khí đốt tự nhiên giảm. Ngành xây dựng tăng 5,02%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng tăng tốt nhất trong lĩnh vực CN&XD nhờ nhu cầu xuất khẩu và đầu tư công tăng khá.

Tính đến tháng 8/2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt tiến độ bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4%, cải thiện hơn so với con số 50,1% và tăng 5,4% của cùng kỳ năm 2019. Giải ngân vốn đầu tư công được cho thấy là động lực tạm thời hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế. Khu vực dịch vụ trong chín tháng đầu năm 2020 đạt mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước trong 10 năm gần đây. Trong khu vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ tăng 4,98%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,68%, ngành vận tải, kho bãi giảm 4%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 17,03%, do ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.

Trong chín tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 2,69%. Đây là mức tăng trưởng rất khiêm tốn so với các năm trước, cho thấy doanh nghiệp đang phải đình trệ sản xuất tạm thời và thu hẹp quy mô sản xuất.

Sản xuất gặp khó khăn Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong chín tháng đầu năm 2020. Trong quý 1 và quý 2, nhiều quốc gia trên thế giới nhất là Trung Quốc phải phong tỏa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng. Số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể do sụt giảm nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu. Trong khi đó mức độ lạc quan về kinh tế của các doanh nghiệp suy giảm. Những nguyên nhân trên khiến chỉ số PMI giảm mạnh. Tuy vậy, mức giảm của PMI nhỏ dần cho thấy nền sản xuất đang dần hấp thụ cú sốc từ Covid-19 và đang có sự điều chỉnh để thích nghi. PMI tháng 9/2020 đạt mức 52,2 cho thấy một số doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục sản xuất.

vepr-ha-thap-du-bao-tang-truong-kinh-te-trong-nam-2020-xuong-duoi-2-1
Các chuyên gia kinh tế tham dự phản biển tại tọa đàm.

Tuy vậy, trước làn sóng Covid thứ hai cùng với khả năng các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam có thể phải áp dụng lại các biện pháp phong tỏa, sự mở rộng sản xuất này có thể chỉ mang yếu tố tạm thời, và việc hồi phục mạnh nền sản xuất trong năm nay là không khả quan. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3/2020 cho thấy: Có 32,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 3/2020 tốt hơn quý 2/2020; 31,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Kết quả này kém hơn so với quý 2/2020, cho thấy đợt dịch Covid-19 gần đây tại Đà Nẵng ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp.

Tính chung chín tháng, cả nước có gần 99 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.428,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 777,9 nghìn lao động, giảm 3,2% về số doanh nghiệp, tăng 10,7% về vốn đăng ký và giảm 16,3% về số lao động so với chín tháng đầu năm 2019. Bên cạnh đó, còn có 34,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,5% so với chín tháng năm 2019. Trong chín tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 81,8%, có 27,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4% và gần 12,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%.

Sau khi phân tích khá thận trọng và bày tỏ tinh thần không nên quá lạc quan “nhanh chóng phục hồi” kinh tế trong năm nay, Phó giáo sư Phạm Thế Anh cho rằng, chúng tôi đưa ra các dự báo về tăng trưởng theo các kịch bản khác nhau về tình hình phòng chống bệnh dịch. Với điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6-2,8% trong cả năm 2020. Mức dự báo này thấp hơn so với ước tính của chúng tôi trong báo cáo trước đây, do việc dịch bệnh quay trở lại tại một số thành phố lớn ở miền Trung trong tháng 7 làm gián đoạn quá trình hồi phục của ngành du lịch. Trong trường hợp bất lợi hơn khi các nước đối tác của Việt Nam phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa, kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng trong khoảng 1,8-2,0%.

Thành Công

Việt Nam thuộc số ít các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế dương Việt Nam thuộc số ít các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế dương
Tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ dưới 4% Tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ dưới 4%
VEPR: Tăng trưởng kinh tế cần VEPR: Tăng trưởng kinh tế cần "chất lượng" hơn
Tăng trưởng GDP 2019 có thể vượt kế hoạch Quốc hội thông qua Tăng trưởng GDP 2019 có thể vượt kế hoạch Quốc hội thông qua