VEPR: Tăng trưởng kinh tế cần "chất lượng" hơn

16:13 | 10/10/2019

936 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 10/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III/2019. Trong đó, các chuyên gia thống nhất chung về việc cần thận trọng khi đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III/2019 đạt mức 7,31%, tổng 9 tháng đầu năm đạt 6,98%. Điểm đáng chú ý trong quý là việc Tổng cục Thống kê tính toán lại GDP đưa quy mô tăng tới 25% do bổ sung thông tin từ tổng điều tra. Theo đó: 76 nghìn doanh nghiệp được đưa vào danh sách; điều chỉnh lại ngành nghề cho đúng với thực tế; bổ sung thông tin từ điều tra hành chính; cập nhật mới hệ thống tài khoản quốc gia; rà soát, cập nhật phân ngành kinh tế và cập nhật cơ cấu kinh tế. 4 lý do đầu của Tổng cục Thống kê (GSO) đã khiến GDP tăng, riêng việc cập nhật cơ cấu kinh tế lại khiến GDP giảm.

vepr tang truong kinh te can chat luong hon
PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR phát biểu khai mạc Tọa đàm

Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR cho rằng, việc ước lượng lại GDP là điều nên làm nhưng câu chuyện tính toán của GSO lại gây ra một số băn khoăn như việc đánh giá lại GDP nhờ các nguyên nhân giúp cả tăng và giảm chỉ số đã đẩy GDP tăng tới 25%, trong đó phần lớn là nhờ sự góp mặt mới của 76 nghìn doanh nghiệp, nếu đóng góp của họ lớn như vậy thì nguồn thu về ngân sách Nhà nước năm nay liệu có tăng hay không và tăng như thế nào? Và các chỉ tiêu vĩ mô như tỷ lệ nợ công, vay nợ Chính phủ… có được nới lỏng hay không?

Câu chuyện về tính toán GDP nên được giải thích một cách hợp lý khoa học thì những con số về tăng trưởng mới thực sự có ý nghĩa.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,85%. Trong đó, bán buôn và bán lẻ tăng trưởng tốt tới 8,31%; tương tự là hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng trưởng tương đương; ngành vận tải, kho bãi cũng tăng khoảng 7,825%. Khách du lịch Quốc tế đến nước ta đạt gần 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8%.

Ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp tăng trưởng yếu chỉ ở mức hơn 2%. Dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng cùng tác động của biến đổi khí hậu khiến sản lượng nông nghiệp giảm sút. Mặt khác, các thị trường nhập khẩu nông sản chủ lực của nước ta như Trung Quốc, châu Âu, Philippines đều sụt giảm sức mua.

Khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng tới 9,56%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với mức tăng trưởng hơn 11%, đóng góp tới 2,42 điểm phần trăm vào kinh tế chung. Ngành khai khoáng tăng 2,68% đóng góp 0,17 điểm phần trăm. Chỉ số sản xuất công nghiệp IPU tăng 9,6%, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,5%.

vepr tang truong kinh te can chat luong hon
Toàn cảnh tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2019 của VEPR

Bình luận về bức tranh tổng thể của tăng trưởng kinh tế nước ta trong quý III, PGS Phạm Thế Anh cho rằng có những điểm cần lưu ý về chất lượng tăng trưởng kinh tế, vẫn còn nhiều vấn đề như tăng trưởng công nghiệp và xây dựng dẫn đầu tăng trưởng cả nước nhưng trong đó sự tăng trưởng trở lại của ngành khai khoáng, cụ thể là khai thác than đá, sau nhiều năm gần đây liên tục suy giảm cho thấy tốc độ phát triển 9 tháng vẫn chưa thực sự ổn định, nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng.

Mặt khác, chỉ số tồn kho bình quân tăng cao theo đà từ năm 2018 lên tới 17,2% cho thấy tiềm ẩn rủi ro về đình trệ sản xuất tạm thời và doanh nghiệp sẽ thu hẹp quy mô sản xuất. Điều này cũng thể hiện rõ trong chỉ số PMI (chỉ số quản trị nhà mua hàng) suy giảm trong quý III và kết thúc tại 50,5 điểm vào cuối tháng 9, mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Chỉ số này cho thấy số lượng đơn hàng mới tăng cho các doanh nghiệp Việt Nam thấp nhất trong 3 năm qua, doanh thu bán hàng ở nước ngoài cũng giảm nhẹ do lo ngại về nhu cầu thị trường. Các đối tác quan trọng về xuất khẩu của Viẹt Nam như Mỹ, châu Âu… có mức tăng trưởng kinh tế thấp, sức mua suy yếu, kinh tế bất ổn là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thu hẹp sản xuất của doanh nghiệp.

Có thể thấy rằng, mặc dù mức tăng trưởng kinh tế quý III và dự báo báo tốc độ tăng trưởng cả năm 2019 sẽ đạt từ 6,6-6,8%, khả thi theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên trước căng thẳng thương mại đang lan rộng trên phạm vi toàn thế giới sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá trị đồng tiền và tài sản. Bởi vậy, dự báo tương lai nền kinh tế Việt Nam trong cuối năm 2019 sẻ trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới.

Thành Công

vepr tang truong kinh te can chat luong hon

Tăng trưởng GDP 2019 có thể vượt kế hoạch Quốc hội thông qua
vepr tang truong kinh te can chat luong hon

VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế quý II sẽ giảm
vepr tang truong kinh te can chat luong hon

VEPR: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,9% trong năm 2019
vepr tang truong kinh te can chat luong hon

Thị trường căn hộ suy giảm, bất động sản ảm đạm?
vepr tang truong kinh te can chat luong hon

VEPR: Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng bất thường, số việc làm tạo mới giảm