VEPR: Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng bất thường, số việc làm tạo mới giảm

20:53 | 11/07/2018

613 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 11/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II năm 2018. Theo VEPR, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng bất thường, số việc làm tạo mới giảm.  

Tại tọa đàm, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR đã đại diện nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của VEPR, trình bày tóm tắt Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II năm 2018.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý II, đạt 6,79% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy không cao bằng ba quý trước đó nhưng đây là mức tăng trưởng quý II cao nhẩt trong 10 năm qua. Khu vực nông, lâm, thuỷ sản và dịch vụ tiếp tục có sự phục hồi mạnh mẽ. Khu vực công nghiệp và xây dựng cũng tăng trưởng rất cao ở mức 9,07% trong 6 tháng đầu năm. Ngành công nghiệp chế tác tiếp tục là động lực cho cả nền kinh tế. Trong khi đó, ngành khai khoáng đã quay đầu suy giảm, phản ánh tăng trưởng dương trong quý I mang tính thời vụ.

vepr so doanh nghiep ngung hoat dong tang bat thuong so viec lam tao moi giam
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II năm 2018

Đặc biệt, theo TS Nguyễn Đức Thành, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong quý cao bất thường trong khi số việc làm mới suy giảm. Cụ thể, quý II năm 2018 chứng kiến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2017, tăng tới 75,7% (31.668 so với 18.039 doanh nghiệp). Tính chung nửa đầu năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 52.803 doanh nghiệp, tăng 34,7%. Giống với quý I, quy mô việc làm tạo mới trong quý II tiếp tục suy giảm so với cùng kỳ năm trước với 283,1 nghìn việc làm mới, thấp hơn tới 15,7% so với quý II năm 2017. Số việc làm tạo mới giảm đi trong khi kinh tế vẫn tăng trưởng tích cực tiếp tục đặt dấu hỏi về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Lạm phát bật tăng trong quý II, đạt mức 4,67% vào cuối tháng 6 do sự gia tăng của giá thực phẩm và xăng dầu. Trong khi đó, lạm phát lõi giữ mức ổn định 1,37%, phản ánh chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước.

Thương mại tăng trưởng chậm lại trong quý II năm 2018, trong khi đó, cán cân thương mại thặng dư quý thứ 4 liên tiếp và đạt 1,4 tỷ USD. Đáng chú ý là Trung Quốc đã lấy lại vị trí đối tác tạo ra nhập siêu lớn nhất với Việt Nam.

Cán cân ngân sách thâm hụt trở lại trong quý II cho thấy thặng dư quý I chỉ mang tính tạm thời. Chi thường xuyên tiếp tục ở mức cao trên 70% tổng chi ngân sách, trong khi chi đầu tư phát triển chưa được cải thiện nhiều.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính tới hết quý II tăng về giá trị nhưng giảm về lượng so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh mặt bằng giá cả đang phục hồi trong 2018.

Cũng theo báo cáo, đầu tư tư nhân tăng trưởng mạnh nhất trong các thành phần kinh tế. Trong khi đó, vốn FDI đăng ký mới của quý II đạt mức kỷ lục. Thanh khoản hệ thống dồi dào do tăng trưởng huy động lớn hơn tín dụng, cùng với việc mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, đạt 63,5 tỷ USD vào cuối quý II, ngang với mức khuyến nghị của IMF. Tuy nhiên, dao động mạnh của tỷ giá có thể khiến Ngân hàng Nhà nước phải giảm dự trữ để can thiệp bình ổn thị trường.

Thị trường căn hộ trong quý II suy giảm ở cả hai thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cả về lượng mở bán mới và lượng bán ra. Rủi ro về khả năng tăng lãi suất trong tương lai gần có thể đẩy thị trường bất động sản vào trạng ảm đạm hơn nữa.

vepr so doanh nghiep ngung hoat dong tang bat thuong so viec lam tao moi giam

Toàn cảnh tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II năm 2018

Trả lời câu hỏi của phóng viên về dự báo mức tăng trưởng cả năm 2018, TS.Nguyễn Đức Thành cho rằng: “Với mức tăng trưởng tích cực 6,79% của quý II, và dù triển vọng kinh tế nửa sau của năm có thể thấp hơn, chúng tôi vẫn cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% của năm 2018 là khả thi. Những tính toán mới của VEPR không sai biệt nhiều so với lần dự báo gần đây nhất (cuối tháng 4 - 2018), cho thấy tăng trưởng cả năm 2018 đạt 6,8%”.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu không ngừng gia tăng, nhóm nghiên cứu của VEPR nhấn mạnh để đạt được mức lạm phát bình quân năm 4% cần nỗ lực hết sức của các cấp và đặc biệt là chính sách tiền tệ chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Nhấn mạnh Việt Nam còn phải đối mặt nhiều thách thức trong ổn định kinh tế vĩ mô, nhóm nghiên cứu của VEPR khuyến nghị: “Hiện nay, nguồn thu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các loại thuế tiêu dùng. Bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng nào (VAT, tiêu thụ đặc biệt…) cũng cần được xem xét thận trọng vì thuế tiêu dùng tuy hiệu quả về hành thu nhưng được xem là không có tác động tốt đến công bằng trong chi tiêu. Thay vào đó, Chính phủ nên nghĩ tới việc cải cách lại các loại thuế tài sản vì hiện nay tỷ trọng đóng góp của các loại thuế này vào ngân sách còn khiêm tốn. Tuy nhiên, trước khi tăng thuế, Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách để có thể thuyết phục người dân”.

Nguyễn Hoan