VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế quý II sẽ giảm
Buổi tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cùng các chuyên gia gồm: TS. Nguyễn Trí Hiếu; TS. Phạm Văn Đại và đại diện các cơ quan báo chí.
![]() |
Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành phát biểu khai mạc buổi tọa đàm. |
Mở đầu toạ đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành đã có bài phát biểu chào đón các khách mời tham dự tọa đàm. Ông đánh giá cao những nỗ lực mà đội ngũ VEPR đã dành để xây dựng các số báo cáo Kinh tế Quý trong thời gian qua, cũng như bày tỏ hi vọng vào một tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc trong các quý tiếp theo của năm 2019.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Phạm Thế Anh phân tích một số nét chính về kinh tế quốc tế và kinh tế Việt Nam trong 3 tháng qua. Tiến sĩ Phạm Thế Anh chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam Quý 1/2019 đạt mức 6,79% (theo số liệu của Tổng cục Thống kê - TCTK) chứng tỏ đà tăng trưởng có phần giảm sút trong năm 2019.
Trong đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,5% trong Quý 1, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước ở mức 6,7%. Bán buôn và bán lẻ với mức tăng trưởng 7,82% tiếp tục là ngành đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế (0,95 điểm phần trăm). Ngoài ra, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,60%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,22% và hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,75%.
Lượng khách quốc tế tới Việt Nam cũng tăng đáng kể với trên 4,5 triệu lượt khách, tăng 7%. Trong đó, các thị trường hàng đầu đều tăng trưởng tích cực về lượt khách du lịch, bao gồm Hàn Quốc (24,1%), Nhật Bản (8,3%), Đài Loan (26%) và Thái Lan (tăng 49,3%).
![]() |
Tiến sĩ Phạm Thế Anh thay mặt nhóm nghiên cứu công bố báo cáo. |
Theo Tiến sĩ Phạm Thế Anh, trong Quý I năm 2019, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng khá ảm đạm, chỉ đạt 2,68%. Một số nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trên như đang vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, lượng cung gạo trên thị trường tăng làm giá gạo giảm, cùng với việc dịch tả lợn châu Phi xảy ra gây ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi.
Thuỷ sản tiếp tục là điểm sáng của khu vực này với mức tăng cao nhất của Quý 1 trong 9 năm qua, đạt 5,1%. Do trong những tháng đầu năm, thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác biển, chi phí hoạt động khai thác ổn định, nhu cầu tiêu thụ hải sản của người dân tăng tạo động lực cho ngư dân ra khơi bám biển.
![]() |
Toàn cảnh buổi tọa đàm. |
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng 8,63% mặc dù thấp hơn mức 10,08% của cùng kỳ 2018 nhưng vẫn có đóng góp cao nhất vào tăng trưởng kinh tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của khu vực này với mức tăng cao 12,35%, nhưng thấp hơn Quý 1/2018 (13,56%). Đồng thời, ngành khai khoáng lại tăng trưởng âm với mức 2,2 %.
Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng chững lại. Tiến sĩ Phạm Thế Anh phân tích thêm, mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 9,2%, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8%, nhưng cả hai chỉ số này đều thấp hơn so với mức tăng của Quý 1/2018.
Cùng với đó, tính từ đầu năm đến hết Quý 1/2019, các chỉ số sản xuất, tiêu thụ đều có dấu hiệu giảm đáng kể, trong đó, chỉ số tồn kho tăng cao (chỉ số tồn kho bình quân đạt mức 15,6%). Điều đó tiềm ẩn nguy cơ đình trệ sản xuất tạm thời.
Trong bối cảnh tăng trưởng GDP ở mức cao, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) trong Quý 1/2019 lại có sự sụt giảm so với tháng Mười Hai. Chỉ số này giảm từ 53,8 điểm xuống lần lượt còn 51,9, 51,2 và 51,9 điểm trong ba tháng đầu năm, thể hiện tốc độ mở rộng chậm ở khu vực sản xuất.
Tiến sĩ Phạm Thế Anh viện dẫn khảo sát do TCTK thực hiện về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy sự lạc quan của doanh nghiệp trong Quý 1.
Trong đó, 33,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý 1 tốt hơn so với Quý 4 năm trước và 40,5% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. 54,6% doanh nghiệp dự đoán tình hình kinh doanh Quý 2 tốt hơn Quý 1, trong khi chỉ có 10,6% là dự báo khó khăn hơn.
Sau khi các nhà báo đặt câu hỏi, các chuyên gia tham gia tọa đàm đã thảo luận và cùng cho rằng với một loạt các dịch vụ, mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, dịch vụ y tế sẽ là tác nhân gây gia tăng lạm phát, đồng thời biên độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cũng tăng sẽ gây ảnh hưởng sâu đến tăng trưởng kinh tế.
Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, các mặt hàng thiết yếu không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống người dân mà đối với các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, chắc chắn lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ giảm, giá thành hàng loạt các ngành khác như giao thông vận tải, kho bãi, nhân công… cũng sẽ tăng tương ứng.
Ảnh hưởng của việc cùng lúc tăng giá các mặt hàng thiết yếu là do sự kìm hãm của Chính phủ trong năm 2018. Đây không phải là cách tốt nhất để kiểm soát nền kinh tế bởi sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài đối với sự tăng trưởng kinh tế đất nước, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Trong các buổi công bố về Báo cáo Kinh tế Vĩ mô hàng Quý , Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) luôn có những phản biện sắc bén và kịp thời về những vấn đề đang đặt ra cho kinh tế Việt Nam. Đặc điểm khác biệt của các cuộc Tọa đàm này là đối tượng tham dự sẽ ưu tiên cho các nhà báo có ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh tế, với mục đích thông tin tốt nhất tới công chúng, chứ không chỉ gói gọn trong nhóm chuyên gia.
Thành Công
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng