Động lực để kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên 6,5% trong năm 2025
Ngày 3/1, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VRPR) - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với VnEconomy tổ chức Hội thảo Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025.
Các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đều cho thấy sự đồng thuận về tiềm năng phát triển của nền kinh tế trong năm 2025, dự kiến đạt mức 6,5% trong 2025 (Ảnh: PT) |
Dòng vốn FDI là điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam 2024
Báo cáo về kinh tế vĩ mô năm 2024, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR nhận định kinh tế thế giới đã “hạ cánh mềm” hậu Covid-19 trong năm 2024, trong bối cảnh thương mại, đầu tư quốc tế đang trên đà phục hồi chậm, các động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 cũng có những điểm tích cực.
Cụ thể, động lực trong xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng, trong 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4%, nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 24,31 tỷ USD.
Dòng vốn FDI tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam, tính đến ngày 30/11/2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn thực hiện đạt 21,7 tỷ USD, tăng 7,1%, đánh dấu mức cao nhất trong 5 năm qua. Tính đến đầu tháng 12/2024, Việt Nam đã thu hút được 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.
Đầu tư tư nhân dần tăng trưởng trở lại, tính chung 9 tháng đầu năm 2024, mức tăng đạt 7,1%, phản ánh niềm tin ngày càng tăng của doanh nghiệp trong nước. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt tích cực của dự toán, trong đó khu vực tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong đóng góp.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng nhận định các động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi khá đồng đều. Nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên: Rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn dư; lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất duy trì ở mức thấp; tín dụng tăng khá; tỷ giá, nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán và bất động sản dần phục hồi.
Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng được quan tâm đẩy mạnh. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản, Australia, Malaysia... tạo cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng/sản xuất, đầu tư.
Đặc biệt, ông Lực nhắc đến đột phát về thể chế, cách mạng về tổ chức - bộ máy, sớm hiệu lực hóa các Luật, Nghị quyết giúp cơ cấu lại nền kinh tế tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV: "Năm 2024, nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro của đất nước được tích lũy tốt lên" (Ảnh: PT) |
Tuy nhiên, báo cáo của VEPR cũng nêu lên một số điểm chưa đạt kỳ vọng, tiêu biểu là chi tiêu hộ gia đình Việt Nam vẫn yếu, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng chưa đạt mức mục tiêu, cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt gây áp lực tỷ giá.
“Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại tăng trưởng mạnh mẽ hơn cả giai đoạn trước đại dịch, nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng trong năm 2024”, TS. Nguyễn Quốc Việt nhận xét.
Cùng với đó, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra các rủi ro, thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Về rủi ro bên ngoài, sự bất ổn địa chính trị thế giới và chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ, phân mảnh và bảo hộ thương mại sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam. Một số đối tác thương mại chính của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật, Mỹ... tăng trưởng chậm lại làm ảnh hưởng đến xuất khẩu, đầu tư và du lịch.
Cũng theo ông Lực, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về pháp lý, chi phí đầu vào, đơn hàng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững, thiếu lao động, năng suất thấp, yêu cầu số hóa và xanh hóa ngày càng cao). Trong khi đó, tốc độ hướng dẫn các luật mới và xây dựng thể chế cho các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng còn chậm.
Đủ động lực cho mục tiêu tăng trưởng trên 6,5% trong 2025
Các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đều cho thấy sự đồng thuận về tiềm năng phát triển của nền kinh tế trong năm 2025, dự kiến đạt mức 6,5%. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt kỳ vọng tăng trưởng 8%. Những kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở từ các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang duy trì đà phát triển.
Việt Nam cũng có các thuận lợi từ bên ngoài đến từ đồng USD suy yếu và chính sách giảm lãi suất của Fed hỗ trợ kinh tế vĩ mô, thuận lợi cho xuất khẩu, đặc biệt vào Hoa Kỳ, từ đó nâng vị thế cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, năm 2025, Việt Nam có thể đối mặt với biến động kinh tế thế giới và các xu thế chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước lớn, làm giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Dù lạm phát 2024 dự kiến dưới 4,5%, áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua.
Năm 2025, Việt Nam có thuận lợi để nâng vị thế cạnh tranh toàn cầu (Ảnh minh họa) |
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia Kinh tế cho rằng, để kinh tế Việt Nam cất cánh trong “kỷ nguyên mới” như mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm thì cần có “Chính phủ mới”, tức là cải cách thể chế với những tư duy mới.
Từ bài học từng diễn ra trong cải cách tại chính phủ Mỹ, ông Nghĩa nêu một loạt giải pháp: Cắt bỏ sự rườm rà trong mọi thủ tục đây là điều quan trọng nhất trước khi tinh giản bộ máy, đơn giản hóa quy trình; lựa chọn những người cán bộ nòng cốt đã có trong bộ máy, bởi không ai hiểu rõ công việc của Chính phủ bằng chính họ; tăng cường lãnh đạo giảm can thiệp, phân cấp phân quyền; dùng số hóa, khoa học công nghệ để tiết giảm chi phí. Qua đó, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh điều quan trọng nhất đối với kinh tế Việt Nam là cải cách thể chế.
Đồng tình với TS. Nghĩa, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhắc lại lời nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm từng chỉ ra “điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế”, do đó muốn kinh tế Việt Nam cất cánh trong 2025 cần có tháo gỡ môi trường kinh doanh cho khu vực doanh nghiệp, thông qua việc không can thiệp vào những quyền tự do kinh doanh tối thiểu của họ, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, tạo động lực và niềm tin cho doanh nghiệp.
Nói thêm về một động lực khác, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng không chỉ Việt Nam có “kỷ nguyên mới”, ông tin rằng thế giới cũng đang có kỷ nguyên mới. Nhiều quốc gia đang đầu tư vào AI với nguồn lực lớn, khi các Chính phủ lao vào đầu tư sẽ đưa đến một thời đại công nghệ mới làm xuất hiện một thời đại kinh tế mới. Việt Nam cần đầu tư mới về tiếp cận công nghệ, thu hút nhân lực và hợp tác quốc tế để đón làn sóng này.
TS Nguyễn Quốc Việt khuyến nghị Việt Nam cần ổn định vĩ mô gắn với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn, tránh tư duy nóng vội, chủ quan duy ý chí, các chính sách vĩ mô cần ban hành một cách cẩn trọng, có đánh giá tác động đa chiều và có lộ trình cụ thể.
Đồng thời, ông Việt khuyến nghị cải cách và tinh gọn bộ máy nhà nước hướng tới hệ thống thể chế và quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ. Thúc đẩy động lực phát triển bền vững của nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới và gắn với xu hướng thương mại - đầu tư toàn cầu.
Phương Thảo
-
Tin tức kinh tế ngày 12/1: Cổ phiếu ngân hàng còn nhiều dư địa tăng trưởng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 6/1 - 11/1
-
Tin tức kinh tế ngày 11/1: Việt Nam trở thành “vua sầu riêng” của thế giới
-
Vì sao không ai tham gia đấu giá khoan thăm dò khu bảo tồn Bắc Cực?
-
Tin tức kinh tế ngày 10/1: Hơn 40% doanh nghiệp toàn cầu muốn cắt giảm nhân sự vì AI