Venezuela bất ổn sau bầu cử tổng thống

19:00 | 18/04/2013

1,062 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ứng cứ viên Nicolas Maduro đã được xướng tên là người chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela diễn ra hôm 14/4, song đối thủ của ông đã từ chối thừa nhận thất bại. Nhiều vụ biểu tình đã nổ ra trên đường phố Caracas và máu đã đổ…

>> Bầu cử Tổng thống Venezuela: Maduro giành chiến thắng

Phe ủng hộ lãnh đạo đối lập Henrique Capriles biểu tình đòi kiểm phiếu trước Ủy ban bầu cử Quốc gia ngày 17/4

Phe đối lập âm mưu đảo chính

Kết quả gây tranh cãi này đã đẩy quốc gia Mỹ Latinh giàu dầu lửa này vào tình trạng bất ổn, với việc người thừa kế cuộc cách mạng xã hội của chủ nghĩa của cố Tổng thống Hugo Chavez tuyên bố chiến thắng trong khi thủ lĩnh phe đối lập yêu cầu kiểm phiếu lại.

Pháo hoa đã được bắn sau khi Ủy ban Bầu cử Quốc gia công bố kết quả kiểm phiếu gần như hoàn chỉnh, cho thấy ông Maduro chỉ giành được có 50,66% số phiếu so với ông Capriles được 49,1% - chỉ chênh lệch có chưa tới 300.000 phiếu. “Chiến thắng này là một lễ vật nữa dâng lên người đồng chí của chúng ta Hugo Chavez”- ông Manduro, 50 tuổi, tuyên bố trước đám đông những người ủng hộ hò reo tại dinh tổng thống Miraflores. “Ngày hôm nay chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã có một chiến thắng công bằng”.

Ông Maduro cho biết ông đã điện đàm với ông Capriles, và nói với đối thủ của mình rằng ông ta phải công nhận kết quả bầu cử. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, cả hai ứng cử viên đều cam kết sẽ chấp nhận kết quả bỏ phiếu. Tuy nhiên, ông Capriles - người từng thừa nhận thất bại khi bị ông Chavez đánh bại với 11% điểm chênh lệch trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 10 năm ngoái - đã đưa ra một danh sách gồm khoảng 3.200 “sự cố” xảy ra trong thời gian diễn ra cuộc bỏ phiếu.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Capriles nói “Người thất bại hôm nay là ông”, với ý ám chỉ Maduro, đồng thời nói thêm: “Chúng tôi sẽ không công nhận một kết quả nào cho tới khi tất cả các lá phiếu được kiểm lại”.

Vài giờ trước đó, vị thủ lĩnh 40 tuổi của phe đối lập tố cáo có những hiện tượng người dân cố tình đi bỏ phiếu sau khi các điểm bỏ phiếu đã đóng cửa. Ông cũng buộc tội chính phủ ép các công chức nhà nước phải bỏ phiếu cho ông Maduro.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia Tibisay Lucena cho biết kết quả trên là “không thể đảo ngược” sau khi 98% số phiếu đã được kiểm, với 78% tổng số cử tri Venezuela đi bỏ phiếu.

Được đích thân ông Chavez chỉ định là người kế nhiệm, ông Maduro được lợi từ làn sóng thương tiếc nhà lãnh đạo quá cố - người đã lãnh đạo Venezuela trong suốt 14 năm, thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đã khiến ông chiếm được thiện cảm của người nghèo song lại bị mất thiện cảm của những người dân chán ngán với nền kinh tế yếu kém.

Ông Maduro đã cam kết sẽ tiếp tục các chính sách sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ, mà nhờ đó đã giảm được gần một nửa tỷ lệ nghèo đói xuống còn 29% thông qua các chương trình y tế, giáo dục và thực phẩm dành cho người nghèo. Thế nhưng, ông Chavez đã để lại không ít khó khăn: tỷ lệ tội phạm cao nhất Mỹ Latinh, với 16.000 người bị sát hại hồi năm ngoái, tình trạng thiếu thực phẩm triền miên, tỷ lệ lạm phát cao và nạn thiếu điện liên tục.

Sau khi đi bỏ phiếu tại Caracas vào sáng sớm 14/4, ông Maduro đã cảnh báo rằng sẽ không có đối thoại với những “bourgeoisie” - từ ông dùng để chỉ phe đối lập - đồng thời lên tiếng chỉ trích Mỹ và nói ông sẽ đưa ra những bằng chứng về sự can thiệp của Mỹ.

Ngày 16/4, ông Maduro cho rằng phe đối lập phải chịu trách nhiệm về các vụ biểu tình chống lại kết quả bầu cử khiến 7 người thiệt mạng và 61 người khác bị thương, đồng thời cáo buộc Mỹ đã đứng đằng sau các vụ bạo động này.

Lời cáo buộc chống lại Washington của ông Maduro được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ sẽ không công nhận kết quả của cuộc bầu cử hôm 14/4 nếu từng phiếu bầu không được kiểm lại theo yêu cầu của ông Capriles. Trong một buổi gặp mặt tại trụ sở chính của Công ty Dầu mỏ Quốc gia, ông Maduro nói: “Đại sứ quán Mỹ đã hỗ trợ tài chính và dẫn dắt tất cả các hoạt động bạo lực vừa qua”.

Trước đó, ông nói rằng sẽ không để xảy ra một cuộc biểu tình mà phe đối lập kêu gọi tổ chức vào ngày 17/4 tại Caracas, đồng thời khẳng định Capriles phải “chịu trách nhiệm” về những người đã bị thiệt mạng do tình trạng bạo lực diễn ra trong các cuộc biểu tình trên khắp cả nước. Tiếp đó, ông Maduro kêu gọi những người ủng hộ ông đổ xuống các đường phố tại thủ đô Caracas vào ngày 17/4 - động thái làm gia tăng khả năng xảy ra đối đầu với những người biểu tình chống chính phủ.

Trong một chương trình truyền hình, Bộ trưởng Tư pháp Nestor Reverol đã cáo buộc Capriles với rất nhiều tội danh, bao gồm tội nổi dậy. Đây là một phần của những chỉ trích liên tiếp của các quan chức chính phủ - những người đã tuyên bố rằng ông Capriles đang âm mưu đảo chính.

Tổng thống Nicolas Maduro cầm tờ giấy chứng nhận ông đắc cử chức tổng thống Venezuela ngày 15/4

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela?

Hiện đang có nhiều câu hỏi nghiêm túc đặt ra về khả năng lãnh đạo đất nước của ông Maduro. Các nhà lãnh đạo chính phủ và quân đội đã siết chặt hàng ngũ tập trung xung quanh ông Maduro. Tuy nhiên, bắt đầu có dấu hiệu bất mãn khi ông Diosdado Cabello - Chủ tịch Quốc hội, người được coi là đối thủ chính của ông Maduro ngay trong phong trào “Chavismo” - đưa ra hai thông điệp trên mạng xã hội Twitter. Trong thông điệp thứ nhất, ông kêu gọi những người trong hàng ngũ của Chavez phải “tự kiểm điểm sâu sắc”. Còn trong thông điệp thứ hai, ông viết: “Chúng ta phải lật tung tất cả để tìm kiếm sai lầm nếu như chúng ta có”.

Giới quan sát cho rằng, ông Maduro và chính phủ mới sẽ phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát mà chỉ trong ba tháng đầu năm đã tăng lên 7,9% (hệ quả của việc phá giá đồng nội tệ), các vấn đề khan hiếm hàng hóa và tiếp cận ngoại tệ. Cùng với đó, người dân Venezuela ngày càng cảm thấy bất an trước tình trạng bạo lực trong xã hội mà chỉ trong năm 2012 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 16.000 người. 

Hơn nữa, ông Maduro phải đối mặt với nhiều vấn đề của đất nước trong bối cảnh phe đối lập tuyên bố không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ cho tới khi nào tất cả số phiếu bầu trong cuộc bầu cử vừa qua được kiểm lại. Mặc dù bản thân ông Maduro cũng đồng ý với yêu cầu kiểm lại số phiếu bầu, nhưng kế hoạch tổ chức lễ nhậm chức của ông vào ngày 19/4 tới vẫn sẽ được tổ chức và chắc chắn đến thời điểm đó, việc kiểm phiếu lại không thể hoàn thành. 

Trong bối cảnh như vậy, ông Maduro rất khó kiểm soát được tình hình, đặc biệt là khi chiến thắng của ông bị nghi ngờ. Trong khi đó, Jesse Chacon - Giám đốc công ty thăm dò GIS XXI, người từng nhiều lần giữ chức bộ trưởng trong chính quyền của ông Chavez - cho rằng ông Maduro cần phải trả lời những nghi ngờ trên bằng các hành động thực tế với một phương pháp điều hành tốt hơn, hiệu quả hơn để chứng minh cho những người ủng hộ cố Tổng thống Chavez rằng “tôi đã lắng nghe thông điệp của các bạn”. 

Henrique Capriles, lãnh đạo đảng đối lập nói chuyện tại một cuộc họp báo ngày 15/4

Giới phân tích nhấn mạnh để giải quyết tình hình bất ổn hậu bầu cử hiện nay tại Venezuela, cả phe chính phủ lẫn phe đối lập cần phải thể hiện trách nhiệm và tìm kiếm những kênh đối thoại phù hợp để giải quyết bất đồng. Trong tình hình hiện nay, Chính phủ của ông Maduro khó có thể áp dụng phong cách điều hành cứng rắn như dưới thời ông Chavez bởi vì như vậy họ sẽ phải đối mặt với “một nửa đất nước”. Mục đích của phe đối lập là đặt mọi vấn đề theo hướng ngược lại và nếu không thương lượng thì mọi việc sẽ trở nên trầm trọng hơn bởi số người ủng hộ phe đối lập cũng tương đương với số người ủng hộ chính phủ.

Theo giới bình luận, chiến thắng sít sao của Tổng thống lâm thời Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử cuối tuần qua dường như đã khơi dậy “bóng ma” của tình trạng mất kiểm soát ở Venezuela cho dù “phe Chavez” đang có được sự hẫu thuẫn về mặt thể chế, với việc kiểm soát hoàn toàn Quốc hội và Tòa án Công lý Tối cao.

H.Phan (Tổng hợp)