Về những công dân Xôviết chiến đấu ở Việt Nam

08:54 | 21/05/2012

1,051 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến tranh đã qua đi, Liên bang Xôviết đã tan rã, nhưng ngày 10/5 thường gợi cho chúng tôi nhớ tới một sự kiện bi thảm xảy ra đúng 40 năm trước trên vùng biển Cẩm Phả, Quảng Ninh, khi tàu thủy Grisha Akopyan của Liên Xô đã bị Mỹ đánh bom và một người Nga Xôviết đã hy sinh thân mình để che chở cho người Việt.

1. Ngày 10/5/1972, một bức điện báo đánh đi từ Cẩm Phả gửi về Liên Xô viết: “Tàu thủy Grisha Akopyan của Liên Xô đang bị không quân Mỹ ném bom. Tàu chịu hư hại nặng, buồng vô tuyến điện cháy”. Trong những năm tháng Mỹ xâm lược Việt Nam, theo quan sát viên của Đài Tiếng nói nước Nga Alexey Lensov, việc máy bay Mỹ bắn phá và ném bom tàu chở hàng Liên Xô không phải chuyện hiếm. Đây là những con tàu tham gia vận tải vũ khí, phương tiện giao thông, dược phẩm tới Việt Nam. Hồi đầu cuộc chiến tranh, hàng hóa được chuyển bằng đường sắt đi qua Trung Quốc nhưng đã xảy ra sự thất thoát hàng đáng kể trên lãnh thổ Trung Quốc. Từ đấy có quyết định sử dụng tuyến giao thông đường biển.

Học giả Makxim Syunenberg, người chuyên nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam chia sẻ tư liệu: “Đó là những công việc đầy nguy hiểm. Tháng 6/1967, tại cảng Hồng Gai, hai phi cơ chiến đấu của Mỹ bổ nhào xuống tàu thủy Turkestan của Liên Xô, thả một trái bom nổ cách tàu vài chục mét, tiếp đến thi nhau nã pháo và hàng tràng súng liên thanh cỡ lớn. Tàu Turkestan chịu 67 lỗ thủng, 7 thủy thủ bị thương, một người trong số họ đã hy sinh”.

Tàu Grisha Akopyan sau khi bị Mỹ đánh bom (ảnh tư liệu)

Tháng 5/1968, tàu Alexander Grin bị không kích ở cảng Hải Phòng. Tàu này đang vận chuyển kali nitrat phục vụ nông nghiệp. Các máy bay Mỹ bắn phá chiếc tàu thủy Xôviết đậu ở bến, trên tàu bùng lên đám cháy lớn. Như các chuyên gia sau đó nhận định, nếu lửa lan tới khoang chứa kali nitrat, công suất của vụ nổ sẽ lớn gấp hai lần trái bom nguyên tử mà người Mỹ thả xuống Hiroshima. Các thủy thủ Xôviết không phút chần chừ nhảy vào dập lửa nhưng đám cháy đã cướp đi tính mạng của 3 thủy thủ Liên Xô.

Ngày 10/5/1972, 1 trái bom Mỹ nặng 250kg rơi trúng tàu thủy Grisha Akopyan đang neo tại bến Cẩm Phả. Ngoài ra còn có 3 quả bom khác rơi và nổ không xa mạn tàu. “Đây là trận không kích có chủ đích”, ông Nikolai Pukhov, thuyền trưởng chiếc tàu hồi tưởng lại. “Bầu trời hôm ấy không mây, tầm nhìn rất tốt. Con tàu có mọi dấu hiệu đặc trưng của Hạm đội thương mại Liên Xô: Quốc kỳ cắm đằng đuôi tàu, trên ống khói sơn dải đỏ vẽ hình búa và lưỡi liềm. Ngoài ra, cờ Liên Xô còn được tô vẽ trên nắp hầm tàu lớn nhất. Người Mỹ đã chủ ý tấn công vào tàu phi quân sự”.

Hầu như tất cả các cabin của Grisha Akopyan đều hư hại, kể cả buồng lái, cần trục của một khoang rơi thẳng xuống kiến trúc phía trên. Hơn một trăm lỗ thủng xuất hiện trên thân tàu hướng ra biển. Thủy thủ đoàn lúc đó gồm 35 người, kể cả 5 phụ nữ. Ngoài ra có 5 đại diện cơ quan quản lý cảng Việt Nam. Khi cuộc bắn phá bắt đầu, thủy thủ trưởng Yuri Zotov lập tức đưa những người Việt Nam xuống nơi an toàn nhất là một khoang kín. Ông để khách vào trước và là người bước vào sau cùng. Đúng lúc ấy, một tiếng nổ tiếp theo vang lên. Thủy thủ trưởng đã lấy thân mình che cho các đồng nghiệp Việt Nam. Những mảnh vỡ băm trúng đầu và lưng ông làm ông tắt thở vài phút sau đó. Con tàu bốc cháy. Lửa bốc hừng hực làm nóng chảy cả các cửa kính mạn tàu. Đường ống dẫn nước dập nát, các ống cứu hỏa bị đứt, hỏng hệ thống làm lạnh động cơ chủ lực.

Từ thiết bị freon vỡ, một luồng khói độc tuôn vào khoang máy. Nhưng các thủy thủ vẫn kiên cường dập cháy suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ. Lực lượng cảng không có cách gì giúp họ vì không có thêm bất cứ phương tiện gì để trợ giúp. Trong điều kiện như vậy, bản thân bị thương nặng, thuyền trưởng hạ lệnh cho tất cả lên bờ. Sau ba tiếng, những xe cứu hỏa chạy về từ Hải Phòng và tàu thủy động cơ diezen Zeya của Liên Xô mới tới cùng tham gia dập cháy. Thêm một ngày sau, tới 12/5, lửa mới được dập hoàn toàn. Nhưng không có cách nào phục hồi tàu Grisha Akopyan.

Nhà sử học Makxim Syunenberg cho biết số liệu: “Trong suốt giai đoạn Mỹ bắn phá miền Bắc Việt Nam, con số thiệt hại của các chuyên gia quân sự Liên Xô là 13 người, trong đó có 4 người hy sinh trên trận địa. Còn tổn thất của các thủy thủ dân sự Liên Xô tham gia chở hàng tới Việt Nam là 7 người”.

Hàng năm, vào ngày 10/5, những cựu thủy thủ tàu Grisha Akopyan lại tới bên nơi yên nghỉ của thủy thủ trưởng Yuri Zotov, tại Nghĩa trang Hàng hải Vladivostok. Họ ngày một ít dần bởi thời gian chẳng thương xót ai. Nhưng thời gian không thể nào xóa nhòa ký ức về lòng dũng cảm của các thủy thủ Nga từng bơi cùng những chuyến hàng viện trợ tới đất nước Việt Nam.

2. Càng ngày chúng ta càng có điều kiện được biết nhiều hơn về sự có mặt của người Nga – Xôviết tại Việt Nam trong những thời điểm nước sôi lửa bỏng. Đài Tiếng nói nước Nga tiết lộ rằng, các phi công quân sự Liên Xô đã có mặt ở Việt Nam từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Tổ phi công vận tải quân sự đầu tiên của Liên Xô đã đến Việt Nam vào đầu thập niên 60 và họ đã tham chiến, nhưng không phải ở Việt Nam, nơi họ đóng quân và bố trí máy bay trực thăng mà ở nước Lào láng giềng. Các phi công Liên Xô này đã có kinh nghiệm chiến đấu trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức, họ được cử đến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo yêu cầu của Hà Nội để dạy cho các phi công Việt Nam bay trên các phi cơ Mi-2, IL-14 và để chuyên chở hàng hóa tiếp viện cho mặt trận Lào yêu nước.

Thật ra trong giai đoạn đầu, các phi công Liên Xô và học viên Việt Nam không phải hạ cánh xuống Lào, vì hồi đó Mặt trận Lào yêu nước chưa có sân bay, hàng hóa viện trợ được đựng trong những chiếc túi đặc biệt và ném từ trên máy bay xuống các thung lũng giữa rừng sâu. Thời tiết xấu khiến cho việc thực hiện nhiệm vụ tìm ra các bãi ném hàng và hạ thấp độ cao tối thiểu càng thêm khó khăn. Ngoài ra, trên lãnh thổ Lào, pháo binh của Mỹ thường tấn công các máy bay này, chính vì vậy mà tổ lái do Đại úy Atuyev chỉ huy đã hy sinh. Thiếu tướng Kisttunov, người hoàn thành 125 chuyến bay chiến đấu cũng 2 lần trúng đạn của pháo cao xạ Mỹ, tài điều khiển máy bay điêu luyện đã cho phép người phi công này đưa được chiếc máy bay hư hỏng về đến sân bay. Còn chiếc máy bay do Thiếu tá Agatonov điều khiển đã bị 2 chiếc máy bay tiêm kích của Mỹ đuổi theo nã pháo, chiếc máy bay Liên Xô bị thủng 36 chỗ, nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ và về đến căn cứ.

Cuối năm 1961, Lực lượng Yêu nước Lào đã chiếm được sân bay ở Cánh Đồng Chum, công việc chuyên chở hàng viện trợ của Liên Xô cho Lào lại càng được tăng cường hơn nữa. Chỉ từ tháng 1 đến 10/1962, 20 tổ lái đã dùng máy bay M-2 và IL-14 hoàn thành 4.000 chuyến bay và chuyên chở 3.900 tấn hàng hóa các loại. Các phi công Liên Xô đã đưa được hơn 100 thương binh Lào và Việt Nam ra khỏi Mặt trận Sầm Nưa. Họ đã bay không hề có tín hiệu chỉ huy, không hề biết địa hình, chỉ biết rằng quân địch đang tiến vào sân bay, do đó cần phải khẩn trương cứu các thương binh và họ đã hoàn thành nhiệm vụ.

Các phi công Liên Xô còn hoàn thành những nhiệm vụ khác nữa như đã đưa Hoàng thân Suphanuvong từ Campuchia qua đường Việt Nam về Lào, hay đưa các vị chỉ huy Mặt trận Pa Thét Lào đi đàm phán với đối phương. Đặc biệt, tết năm 1961, Việt Nam đã đề nghị các phi công Liên Xô chở Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công tác trong nước, họ đã chở Bác Hồ và phi công vũ trụ German Titov ra Vịnh Hạ Long. Tại đấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy tên Titov để đặt cho một hòn đảo trong vùng. Tổ phi công Liên Xô đầu tiên đóng quân ở Việt Nam đã tham gia chiến đấu ở Lào trong thời gian 3 năm. Nhóm thay thế họ đã hoạt động tại Lào cho đến tháng 12/1970 và từ tháng 4 đến 12/1970 họ đã chiến đấu tại Campuchia.

3. Nhân kỷ niệm 50 năm Hội Hữu nghị Nga – Việt (1958-2008), một cuốn sách đã được xuất bản với nhan đề: “Liên Xô, Việt Nam tình hữu nghị được thời gian kiểm nghiệm”. Đây là một quyển sách đồng thời là một album ảnh, khổ tạp chí, bìa cứng, trên 200 trang, với hàng trăm tài liệu và ảnh lịch sử, tác giả tuyển tập là những người Nga trong các năm khác nhau đã làm việc tại Việt Nam, tham gia thực hiện chương trình hợp tác giữa nước chúng tôi với Việt Nam và dĩ nhiên họ tích cực làm việc trong Hội Hữu nghị Nga – Việt, tổ chức được thành lập từ ngày 31/7/1958.

Tuyển tập phản ánh một cách rộng rãi và chi tiết toàn cảnh hình thành phát triển các mối kiến trúc hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa nhân dân hai nước Nga – Việt. Các nhà văn, những du khách, công dân Nga có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ XIX đã viết những bài đăng trên báo chí thời Nga Hoàng, với tình cảm tốt đẹp với Việt Nam. Quyển sách kể về thời gian Hồ Chủ tịch và các đồng chí chiến đấu cùng người có mặt tại Nga, về việc lập ra quan hệ ngoại giao giữa hai nước và việc Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong thời gian khôi phục kinh tế hậu chiến. Tất nhiên, quyển sách cũng đề cập đến những đóng góp cụ thể trong sự hỗ trợ Việt Nam của Hội Hữu nghị Nga – Việt nói chung và các thành viên tích cực của hội nói riêng.

Trong cuốn sách có hồi ký của cố Giáo sư Nikolai Nikoliy kể về cuộc gặp gỡ của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội năm 1954, ông đã viết bài đó từ 2 năm trước, không lâu trước khi qua đời. Còn nhà du hành vũ trụ số 2, German Titov kể về cuộc gặp gỡ với vị lãnh tụ Việt Nam sau chuyến bay lịch sử của mình vào năm 1962. Khi đó Hồ Chủ tịch đã tiên đoán, người Việt Nam nhất định sẽ bay lên vũ trụ.

Ông Evgeny Vlazinov, người thay ông Titov làm Chủ tịch hội kể về việc Ban Lãnh đạo Liên Xô quyết định hỗ trợ nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược và quy mô của sự viện trợ đó. Nói về mặt quân sự, Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam 2.000 chiếc xe tăng, 1.700 xe bọc thép, 7.000 đại bác và súng cối, 5.000 pháo cao xạ tầm cao, 700 máy bay chiến đấu, 120 máy bay lên thẳng, hơn 100 tàu chiến và quan trọng nhất là các tổ hợp tên lửa phòng không. Hơn 11.000 quân nhân Liên Xô đã tham gia Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Cuốn sách có các bài viết của tướng Grigoriy Berov và Anatoly Khiupenhen cũng như của Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Bùi Đình Dĩnh. Tướng Khiupenhen là Trưởng đoàn Cố vấn Quân sự Nga tại Việt Nam từ năm 1972 đến 1975.

Ông Boris Chaplin, cựu Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam từ cuối năm 1974, là đại diện nước ngoài đầu tiên được Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo tin về việc Sài Gòn đã giải phóng. Ông Chaplin hồi tưởng lại: “Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa nói, thắng rồi, thắng lợi rồi, rồi ôm tôi và phiên dịch Andray Takarynov”. Ông Andray Takarynov 20 năm sau cũng trở thành Đại sứ Nga tại Việt Nam. Một sự kiện có tính chất tượng trưng là chiếc xe tăng Liên Xô do chiến sĩ Việt Nam lái, là những người đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập, còn những người lính đầu tiên cũng đã đến đây trên những chiếc xe tải của Liên Xô như Jil 157, Gaz 53, Gaz 63…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành rất nhiều nghị quyết nhằm tưởng thưởng công trạng của những nguời Nga – Xôviết đã có công trạng lớn đối với nhân dân Việt Nam. Sau sự kiện bi thảm xảy ra tại Cẩm Phả do quân đội Mỹ gây nên, 6 ngày sau UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 149 NQ/TVQH quyết nghị truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Iuri Xécgâyêvích Dôtốp (Yuri Zotov), Đội trưởng Đội thủy tàu Liên Xô Grinxa Acôpian (Grisha Akopyan) đã anh dũng hy sinh ngày 10-5-1972 trong khi làm nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân Việt Nam tiến hành sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hoàng Long (Tổng hợp)

Năng lượng Mới số 121, ra thứ Sáu ngày 18/5/2012

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc