Vệ binh Cách mạng: Bánh xe lỏng lẻo trong Chính phủ Tehran?

08:51 | 16/10/2011

871 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Được khởi xướng, tài trợ và chỉ đạo từ Iran, đó là những lời mô tả của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder về âm mưu ám sát đại sứ Arập Xêút Adel alJubeir ở Washington. Mỹ công bố việc đã đập tan âm mưu này vào hôm 11/10/2011.

Kế hoạch thất bại

Hãng thông tấn của Iran IRNA bác bỏ cáo buộc trên và cho rằng, đây chỉ là một kịch bản tuyên truyền mới do Washington viết ra nhằm chống Tehran. Theo ông Ramin Mehmanparast, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran thì sự cáo buộc này chỉ là “một trò hề” không hơn không kém của chính phủ Mỹ. Còn tùy viên báo chí của phái bộ Iran tại LHQ Alizreza Miryusefi cho rằng, cáo buộc trên hoàn toàn vô căn cứ. Tuy nhiên, cũng có nhiều người tin rằng, đằng sau âm mưu này là sự hoạt động độc lập của lực lượng an ninh Iran.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ước tính có khoảng 125.000 quân chính quy.

Theo lời giải thích từ phía Mỹ, kế hoạch trên bị thất bại là do một số phần tử người Iran, những kẻ đã lên kế hoạch ám sát với một cộng sự mà bọn chúng cho là thành viên của một băng đảng ma túy ở Mexico, nhưng thực ra người cộng sự này là nhân viên chỉ điểm, làm việc cho Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ (DAE). Người chỉ điểm này bị truy tố về tội danh liên quan đến ma túy nhưng đã đồng ý hợp tác với DAE để được giảm tội.

Kế hoạch trên bị thất bại sau khi một trong hai nghi phạm bị bắt giữ là Manssor Arbabsiar, công dân Mỹ gốc Iran. Còn kẻ trốn thoát là Gholam Shakuri, được coi là thành viên của Lực lượng Quds tinh nhuệ, một bộ phận của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, lực lượng vũ trang chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ các lãnh đạo người Iran.

Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho rằng, Quds đủ điều kiện làm tổ chức "hỗ trợ khủng bố".

Bánh xe lỏng lẻo?

Ali Alfoneh, chuyên gia của Viện Kinh doanh Hoa Kỳ (American Enterprise Institude – AEI) – trung tâm nghiên cứu tư nhân ở Washington – tại Iran cho BBC biết rằng, việc Tehran tham gia vào âm mưu được Washington công bố hôm thứ Ba (11/10), đã ít nhiều gây ngạc nhiên cho những người Iran. Chuyên gia này nghi ngờ rằng việc nhà nước Iran hoặc người đứng đầu nhà nước Iran, Giáo chủ (Ayatolá) Sayed Alí Jamenei "đã "cấp phép” cho việc thực hiện âm mưu này” và "Jamenei là người rất cẩn trọng, ông ta sẽ không dính líu vào những ván bài như thế này".

Theo các nhà phân tích, âm mưu này có thể có mối liên hệ với cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ Iran, giữa người dân và các nhà quân sự, có thể là "tác phẩm” của những thành viên thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng, chưa tìm ra bất cứ động cơ nào cho thấy nhà nước Iran có dính líu đến vụ việc này. Những phần tử thuộc lực lượng vệ binh có thể đã quan tâm đến việc tạo ra "ma sát” giữa Arập Xêút, Iran và Mỹ.

Vị chuyên gia này lưu ý rằng, "không có gì là lạ khi họ cố gắng "tìm” những sự trợ giúp từ bên ngoài nhằm làm giảm những nguy hiểm đang diễn ra với họ". Nhưng ông cũng nói thêm rằng, những "chiến thuật” mà họ bày ra có vẻ không "chuyên nghiệp” bằng những gì họ đã sử dụng trong các vụ tấn tông trước đây.

Nhà báo Hossein Bastani của BBC tại Iran thì lại cho rằng, cũng có thể lực lượng Vệ binh Cách mạng không dính líu gì đến vụ này, vì "chưa thấy được một cách rõ ràng họ sẽ thu được lợi ích gì từ một vụ tấn công như thế này", thêm nữa, lực lượng Quds cũng chưa bao giờ gây ra vụ việc gì trên đất Mỹ.

Nhà báo này còn cho biết thêm, trong quá khứ, họ đúng là đã tìm cách móc nối với những nhóm Hồi giáo ở các quốc gia khác nhau, "những ý tưởng về hợp tác với một băng đảng ma túy ở Mexico thì quá là… kì lạ. Nếu đúng là có chuyện này, thì đây là lần đầu tiên xảy ra một vụ việc như thế".

Nhóm ảnh hưởng

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) được thành lập vào sau cuộc cách mạng Iran 1979, với mục tiêu bảo vệ hệ thống Hồi giáo trong nước và đối trọng với lực lượng vũ trang truyền thống. Lãnh tụ tối cao của tổ chức này là Giáo chủ (Ayatolá) Sayed Alí Jamenei và Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng chịu trách nhiệm phụ trách những loại vũ khí chiến thuật của Iran

Kể từ khi thành lập đến giờ, tổ chức này đã trở thành một lực lượng quân sự, chính trị và kinh tế có trọng lượng ở Iran. Được biết, qua việc tham gia vào các quỹ khác nhau, các tổ chức từ thiện và vào các hoạt động trong các công ty viễn thông hàng đầu, tổ chức này có thể kiểm soát tới 1/3 nền kinh tế Iran.

Mặc dù có số lượng binh lính ít hơn lực lượng vũ trang chính quy, nhưng trên thực tế, IRGC lại có ảnh hưởng lớn nhất tại Iran và là người đứng đằng sau những hoạt động quân sự quan trọng. Theo đó, Lực lượng này là một mối lo ngại đối với chính phủ Mỹ và họ đã từng xếp IRGC vào danh sách khủng bố quốc tế.

Quds, lực lượng tinh nhuệ quan trọng nhất của IRGC, chủ yếu hoạt động ở nước ngoài, chính là tổ chức đang bị phía Mỹ cáo buộc về việc hai thành viên của họ đã tham gia vào kế hoạch ám sát không thành Đại sứ Arập Xêút. Được biết, tổ chức này có một mạng lưới nhân viên tại các đại sứ quán của Iran trên toàn thế giới.

Hà KhổngTổng hợp