Tương lai nào cho sông Mê Kông?

07:10 | 05/12/2015

1,096 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu tổ chức tại Paris (ngày 30/11 đến 11/12/2015), một số tờ báo đã thực hiện phóng sự về dòng Mê Kông với những chi tiết báo động cực kỳ nghiêm trọng, chủ yếu do các công trình xây đập từ Trung Quốc và các nước khu vực.

Tham vọng điên rồ

Cách đây 6 năm, ngày 21/5/2009, Liên Hiệp Quốc (LHQ) từng chỉ trích việc Trung Quốc xây đập và ảnh hưởng của nó như một mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tương lai sông Mê Kông. 8 con đập trên dòng Mê Kông (gọi là Lan Thương tại nước này) chảy qua tỉnh Vân Nam, trong đó có đập Tiểu Loan (Xiowan) cao nhất thế giới (292m) với tổng dung tích bằng sức chứa của tất cả hồ chứa nước Đông Nam Á cộng lại, đang tàn phá cái “thân xác” vốn đang “rã rời” của hạ lưu Mê Kông, với mức độ khủng khiếp tăng dần…

“Tham vọng của Trung Quốc trong việc xây một thác nước khổng lồ gồm 8 con đập trên thượng lưu Mê Kông chảy qua những hẻm núi cao Vân Nam có lẽ là mối đe dọa lớn duy nhất đối với con sông” - báo cáo LHQ viết. Báo cáo cũng cho biết ảnh hưởng từ cơn sốt xây đập “điên rồ” từ Trung Quốc gồm “những thay đổi dòng chảy và thời gian thủy triều, sự xuống cấp chất lượng nguồn nước và sự mất mát tính đa dạng sinh học”.

tuong lai nao cho song me kong
Dù bị Campuchia phản đối nhưng Lào vẫn đang xây con đập Don Sahong

Với hơn 85.000 con đập (còn tiếp tục xây), Trung Quốc đứng đầu thế giới về các công trình đập thủy điện. Từ con đập cao nhất thế giới, to nhất thế giới, dung tích chứa nhiều nhất thế giới, đến khả năng sản xuất điện nhiều nhất thế giới… tất cả đều có ở Trung Quốc. Trong khi đó, các con sông thuộc Trung Quốc lại gần như chẳng giúp được gì. Cần mở ngoặc, dù 1,3 tỉ dân Trung Quốc chiếm đến 1/5 dân số thế giới nhưng Trung Quốc chỉ được xếp thứ 15 về nguồn nước ngọt. Hơn nữa, 5 trong 7 con sông chính của Trung Quốc lại bị ô nhiễm nghiêm trọng đến mức hiện có đến 300 triệu dân Trung Quốc không được tiếp cận nguồn nước sạch.

Trung Quốc bắt đầu vận hành con đập đầu tiên - Mạn Loan (Manwan) chắn ngang dòng Mê Kông vào năm 1992. Con đập thứ hai và thứ ba - Đại Triều Sơn (Dachaoshan) và Cảnh Hồng (Jinghong) - hoàn thành năm 2003 và 2008. Tháng 10-2009, Trung Quốc tuyên bố con đập thứ tư - Tiểu Loan (Xiaowan). Đây là con đập nguy hiểm nhất đối với sinh mạng Mê Kông. Tiểu Loan tạo ra một hồ chứa khổng lồ với 15 tỉ m3 (trên diện tích hơn 190km2), nhiều hơn gấp 5 lần tổng dung lượng của ba con đập Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng gộp lại và cần đến 10 năm mới làm đầy!

Ít người biết rằng người đứng đầu công ty trúng thầu xây Tiểu Loan cũng như nhiều con đập tại Trung Quốc (Hoa Năng quốc tế điện lực khống cổ hữu hạn công ty) là Lý Tiểu Bằng, con trai cả của cựu Thủ tướng Lý Bằng! Bloomberg (27/10/2015) cho biết, Trung Quốc muốn tăng gấp đôi sản lượng thủy điện lên ít nhất 300 gigawatt vào trước năm 2020 bằng cách xây bốn con đập nữa trên dòng Mê Kông!

Tai họa khôn lường

Sự can thiệp thô bạo dòng Mê Kông bởi các con đập từ thượng nguồn thuộc Trung Quốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng với 250 triệu người Campuchia, Việt Nam, Lào và Thái Lan sống ở châu thổ Mê Kông. Các chuyên gia môi trường nhấn mạnh, các con đập Trung Quốc trở thành thủ phạm tai ác đối với đời sống người dân khắp Đông Nam Á. Ngư phủ Campuchia bắt được ít cá hơn và nông dân Việt Nam phải dùng phân hóa học nhiều hơn bởi phù sa bị chặn lại từ Vân Nam, Trung Quốc; trong khi đó, cư dân khu vực bờ Mê Kông tại Thái Lan đối mặt hạn hán và xâm thực.

Tất cả sẽ “thay đổi toàn bộ sự cân bằng sinh thái của con sông” - theo Aviva Imhof, Giám đốc chiến dịch thuộc tổ chức Mạng sông ngòi quốc tế (International Rivers Network) - “Cư dân hạ lưu Mê Kông phụ thuộc nguồn cá cung cấp 80% protein cho họ. Chúng tôi đang chứng kiến sự “sụp đổ” tiềm tàng trong chế độ dinh dưỡng khu vực này nếu ảnh hưởng của nó tệ như chúng tôi dự báo”.

Vào mùa khô, khu vực thượng lưu Mê Kông chiếm hơn 60% dung tích sông Mê Kông. Một khi nguồn nước này bị cắt, hạn hán tại hạ lưu chắc chắn xảy ra. Trong khi đó, vào mùa mưa, sự xả nước đột ngột từ các con đập khổng lồ, đặc biệt Tiểu Loan, sẽ tạo ra những trận lụt kinh hoàng. Ấy vậy mà Trung Quốc chưa dừng lại. Năm 2014, Trung Quốc tiếp tục xây thêm một con đập nữa bên dưới Tiểu Loan, tại Nhu Trác Độ (Vân Nam). Theo thiết kế, “con quỷ nhập tràng” Nhu Trác Độ không cao bằng Tiểu Loan nhưng nó chứa nước nhiều hơn, gần 23 tỉ m3 với khả năng cung cấp 5.000 megawatt điện.

Cần nhất thiết nhấn mạnh, viễn cảnh đen tối cho cư dân hạ lưu Mê Kông như vừa nói không là giả thuyết mơ hồ thiếu chứng cứ. Trong thực tế, hiện tượng hạn hán hoặc lũ lụt bất thường tại hạ lưu Mê Kông đã xảy ra, chủ yếu bởi những con đập thủy điện - như khẳng định của giới khoa học được nhắc đi nhắc lại vài năm gần đây. Trong khi đó, con sốt thủy điện vẫn bùng nổ, với hơn 80 dự án đập thủy điện ở những giai đoạn khác nhau (có cái chuẩn bị, cái đang xây) đang hình thành trên dòng Mê Kông cũng như các nhánh sông của nó.

Trong bài viết trên Japan Focus, hai tác giả Geoffrey Gunn và Brian McCartan đã đưa ra vô số chứng minh về tình trạng lụt bất thường (nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ!) bởi sự sử dụng thô bạo dòng Mê Kông ở thượng nguồn. Trận lụt kinh hoàng năm 2008 (mực nước cao 13,7m) đã làm Thái Lan thiệt hại khoảng 220 triệu baht (6,48 triệu USD); Lào chừng 100 tỉ kip (11,6 triệu USD). Cuối tháng 3-2004, Ủy hội Mê Kông (MRC) công bố dữ liệu cho thấy lượng mưa giảm mạnh tại 16 địa điểm khắp châu thổ Mê Kông vào năm 2003. Chính Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng từ việc khai thác Mê Kông quá mức.

Năm 2010, trận hạn hán nghiêm trọng trong ít nhất 50 năm đã làm vô số cánh đồng ở nam Trung Quốc trở nên khô cằn và khiến hàng chục triệu người bị thiếu nước. Tại Thái Lan, trận hạn hán 2010 gây ảnh hưởng cho ít nhất 14.000 ngôi làng. Tổng quát, hạn hán đã khiến mực nước Mê Kông năm 2010 tụt ở mức thấp nhất trong gần 20 năm qua. Tháng 2/2010, mực nước Mê Kông tại Tây Nam Trung Quốc đã ở mức thấp nhất trong 50 năm, với lượng nước chỉ bằng ½ so với bình thường. Những hiện tượng quái đản này, chẳng phải do “ông Trời” gây ra, chưa hề xuất hiện trước đây, vào năm 1986 chẳng hạn, khi Trung Quốc bắt đầu xây con đập đầu tiên trên Mê Kông...

tuong lai nao cho song me kong
Phù sa Mê Kông ngày càng cạn kiệt

Một trong những biện bạch quen thuộc của Trung Quốc là những con đập trên dòng Mê Kông chẳng tội tình gì, bởi dòng chảy từ Trung Quốc chỉ chiếm vỏn vẹn 13,5% dòng chảy Mê Kông khi nó chảy ra đến biển. Trung Quốc cho rằng hầu hết chiều dài phần thượng lưu Mê Kông đều uốn khúc ở những địa giới không thuộc nước mình. Tuy nhiên, một giáo sư sử lừng lẫy Trung Quốc, ông Tần Huy (Qin Hui) thuộc Đại học Thanh Hoa, từng vạch trần trong bài báo trên chuyên san Kinh tế quan sát báo (ấn bản tiếng Anh tờ này có tên Economic Observer).

Theo khảo sát thực địa của Giáo sư Tần, 2/3 lượng nước sông tại Luang Prabgang (Lào) đều đến từ Trung Quốc và do đó không thể nói rằng trận lụt nghiêm trọng tại Lào năm 2008 không dính dáng đến hệ thống đập thủy điện Trung Quốc trên dòng Mê Kông. Giáo sư Tần cho biết thêm, 70% trữ lượng nước tại lưu vực Mê Kông đều nằm ở Trung Quốc (!) và nó sẽ tăng đến 90% khi con đập Nhu Trác Độ bắt đầu vận hành. Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ, tất cả nguồn trữ nước của các con đập Trung Quốc đều nằm trên dòng chính của Mê Kông, trong khi các nước khác đều xây đập ở những nhánh phụ Mê Kông. Còn nữa, ba “khối đá chặn dòng” gồm Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng (đều cao hơn 100m) - có trữ lượng là 920 triệu, 940 triệu và 1,4 tỉ m3 theo thứ tự (tổng cộng bằng ba con hồ Côn Minh) - hẳn nhiên sẽ tác động trực tiếp đến dòng chảy tự nhiên theo mùa của Mê Kông…

Các nước khác

Tại cuộc họp Ủy ban sông Mê Kông tại Vientiane (Lào) ngày 27/5/2009, các nước tham dự nhấn mạnh việc xem xét thận trọng các dự án đập thủy điện trên Mê Kông. Witoon Permpongsachareon - Chủ tịch nhóm bảo vệ môi trường TERRA (Towards Ecological Recovery & Regional Alliance; trụ sở Bangkok) nói: “Những con đập là mối đe dọa lớn nhất đối với Mê Kông và sự trong sạch môi trường. Xây một con đập chẳng khác nào bóp kẹp một động mạch trên cơ thể. Nếu máu không lưu thông, hẳn nhiên cơ thể bị tổn thương”.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại (tháng 11/2015), người ta vẫn ào ạt xây đập. Campuchia dự kiến xây hai đập gần biên giới Lào. Tổng cộng, 12 dự án đập chuẩn bị được thực hiện trên dòng Mê Kông. Cùng với con đập bị nhiều chỉ trích Xayaburi (đã hoàn thành 60% tính đến cuối tháng 11/2015) ở phía Bắc, Lào còn có dự án đập Don Sahong 240 megawatt nằm tại thác Khone ở phía nam, cách biên giới Campuchia 1km, trở thành nút chặn tuyến di cư quan trọng nhất của cá trong khu vực.

Campuchia đang phản đối dữ dội Dự án Don Sahong nhưng Phó thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad nói rằng, con đập chỉ sử dụng 15% dòng chảy Mê Kông nên không gây ảnh hưởng gì! Bản thân Campuchia cũng dự kiến xây 40 con đập trên dòng Mê Kông, gây ra những “hiệu ứng” nghiêm trọng. Ngôi làng Kbal Romeas có thể bị xóa sổ vì ngập lụt khi Lower Sesan 2 trị giá 800 triệu USD hoàn thành năm 2016. Lower Sesan 2 sẽ chặn hai cửa sông lớn nhất Mê Kông và tạo ra một hồ chứa khổng lồ 3.300km2 khiến hàng ngàn cư dân phải bị di dời. Trong khoảng 100 dự án xây đập trên dòng Mê Kông, Lower Sesan 2 bị đánh giá là gây ảnh hưởng sinh thái và văn hóa dữ dội nhất.

Nếu tính toán của giới khoa học là chính xác, sản lượng lúa tại khu vực Mê Kông sẽ giảm 15-25% bởi nhiệt độ môi trường tăng, dẫn đến cuộc khủng hoảng thực phẩm nghiêm trọng đối với hàng triệu người. Trong khi đó, bồi thêm cho tình trạng xây đập là nạn tàn phá rừng. Ba thủ phạm - khí hậu thay đổi, rừng bị tiêu diệt và sự bùng nổ các con đập - đang đẩy toàn bộ khu vực đến một bờ vực nguy hiểm, theo nhà nghiên cứu Mark Goichot thuộc Quỹ hoang dã thế giới (WWF). “Nếu các con đập tiếp tục xây, an ninh thực phẩm sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Tình trạng xâm thực duyên hải tăng khiến đồng bằng đang chìm” - Goichot cảnh báo.

Năm 1990, 160 triệu tấn phù sa được Mê Kông mang ra biển; bây giờ chỉ có 75 triệu tấn. Cát được vét để xây thành thị và phù sa cho nông nghiệp đã biến mất bởi các con đập. “Tôi chưa bao giờ thấy một vùng đồng bằng đi từ ổn định sang tình trạng chịu nhiều sức ép khủng khiếp như hiện giờ” - Goichot nói.

Một trong những nơi bị tác động mạnh nhất của loạt nguyên nhân trên là Sài Gòn, hiện nằm trong danh sách một trong 10 thành phố bị ảnh hưởng mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển tăng thêm 26 cm vào năm 2050 như dự báo LHQ thì gần 70% đô thị Sài Gòn sẽ ngập trong lụt!

* Sông Mê Kông dài 4.800km được chia thành hai phần trên bản đồ: khu vực thượng lưu chạy ngang Trung Quốc và hạ lưu chạy dọc Myanmar rồi xuyên qua Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi chảy ra Biển Đông. Xét về đa dạng sinh học, Mê Kông là sông lớn thứ hai thế giới sau Amazon và nó là môi trường sống của hơn 1.000 loài cá. Chẳng con sông nào trên thế giới cung cấp lượng cá nước ngọt nhiều bằng Mê Kông.

Không chỉ là nơi có lượng cá nước ngọt nhiều nhất thế giới, Mê Kông còn có nhiều đặc thù đồng nhất, bởi “yếu tố đa dạng chủng loài cá là cực kỳ cao, yếu tố đa dạng các loài cá di trú là cực kỳ cao và yếu tố phụ thuộc của con người vào nguồn cá là cực kỳ cao” - như nhận xét của Peter McIntyre, chuyên gia bảo vệ cá nước ngọt thuộc Đại học Wisconsin-Madison - “Nếu đặt tất cả yếu tố trên lên bàn đánh giá tổng thể, việc xây một con đập to tại Mê Kông chắc chắn sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng”. Chỉ riêng với con đập Xayaburi, Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers) đánh giá rằng, sự sống của khoảng 200.000 người nữa bị ảnh hưởng trực tiếp!

Mạnh Kim

Năng lượng Mới 479