Tương lai khó đoán của thị trường cung-cầu dầu mỏ

07:46 | 19/10/2015

8,624 lượt xem
|
Giá dầu thế giới tụt dốc hồi năm ngoái là điều hoàn toàn bất ngờ đối với cả các công ty dầu khí lẫn chính phủ các nước. Vậy ai đã phá vỡ thị trường dầu mỏ? Liệu sản lượng khai thác dầu thế giới có giảm? Và nước Mỹ có cấm nhập khẩu dầu nước ngoài vào thị trường nội địa? Trả lời được những câu hỏi này, chúng ta sẽ hình dung ra tương lai của thị trường dầu khí.

Một số chuyên gia cho rằng những nhân tố làm sụt giảm giá dầu là ý nguyện của các nước OPEC muốn loại dầu đá phiến của Mỹ ra khỏi thị trường, là sự sụt giảm của kinh tế thế giới và sản lượng khai thác dầu ở Mỹ tăng như vũ bão. Thực ra một loạt các yếu tố làm giá dầu sụt giảm đều liên quan đến nguồn cung dầu mỏ. Cụ thể là sản lượng khai thác dầu đá phiến ở Mỹ tăng cao, OPEC không muốn giảm sản xuất để cân đối thị trường, việc xóa bỏ lệnh cấm vận đối Iran và sản lượng khai thác dầu ở Nga tăng đều ảnh hưởng đến giá dầu thế giới.

tuong lai kho doan cua thi truong cung cau dau mo
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu OPEC không cắt giảm cota đối với các thành viên của mình

Các yếu tố liên quan đến nhu cầu dầu mỏ có thể liệt kê ra là sự lo lắng cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp sẽ lan chuyền đến các thị trường khác. Ở châu Á, các nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng nhập khẩu cầm chừng do giá dầu giảm liên tiếp. Các quốc gia này tiêu thụ hơn 19 triệu thùng dầu/ngày chiếm 1/5 nhu cầu dầu mỏ thế giới, vì vậy sự sụt giảm này cũng ảnh hưởng đến giá dầu.

Mặc dù giá dầu giảm song khai thác dầu đá phiến ở Mỹ vẫn tăng và chưa đạt đến đỉnh. Theo kế hoạch sẽ khoan một số lượng lớn các giếng ở các bể chứa dầu, còn ở thềm lục địa vịnh Mê-hi-cô khai thác vẫn cho hiệu quả kinh tế mặc dù giá dầu thấp. Hiện nay nhịp độ khai thác dầu ở Mỹ đang có xu hướng giảm. Theo số liệu của EIA, sản lượng khai thác trong tháng 4 năm 2015 sản lượng đạt 9,7triệu thùng/ngày, đây là con số kỷ lục trong vòng 70 năm qua. EIA nhận định rằng năm 2016 do giá dầu giảm nhịp độ khai thác sẽ chậm lại còn 9,32 triệu thùng/ngày.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu OPEC không cắt giảm quota đối với các thành viên của mình. Ý tưởng của Arab Saudi đã thuyết phục được các nước như Iraq, Venezuela và Nigeria rằng việc giữ thị phần dầu mỏ quan trọng hơn giữ giá dầu bằng cách giảm sản lượng khai thác. Tổ chức này từ chối vai trò điều tiết thị trường một cách đơn phương, thậm chí ngược lại, họ cho rằng hãy để thị trường tự định giá dầu. Vì vậy sau khi các quốc gia vùng Vịnh Persic là Arab-Saudi, OAE, Kuwait và Qarta đồng ý giữ mức sản lượng hiện nay thì các quốc gia còn lại thuộc tổ chức OPEC không đóng vai trò đáng kể trong việc thống nhất quyết định của OPEC.

Thị trường Mỹ không đóng cửa đối với dầu nhập khẩu từ nước ngoài mặc dù Mỹ thực tế đã giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ chủ yếu nhập dầu nhẹ từ các mỏ ở Biển Bắc và các nước Tây Phi.

Nước Nga vượt Arab Saudi về sản lượng khai thác dầu, duy trì 5 năm liền hơn 10 triệu thùng/ngày trong khi đó Arab Saudi ít khi đạt sản lượng 10 triệu thùng/ngày. Điều không giải thích được là bất chấp giá dầu giảm và bị cấm vận mà nước Nga không có kế hoạch giảm khai thác dầu.

Vì khủng hoảng ở Ucraina mà ngành công nghiệp dầu khí của LB Nga chịu 2 lệnh cấm vận, một là: cấm xuất sang Nga thiết bị dầu khí; hai là: hạn chế tiếp cận thị trường vốn. Lệnh cấm vận thứ 1 không ảnh hưởng đến công nghiệp dầu khí ít nhất trong 10 năm tới, bởi vì những thiết bị này chỉ phục vụ cho việc khai thác dầu đá phiến, các mỏ ở vùng nước sâu và ở Bắc cực. Theo kế hoạch đến năm 2025 các công ty dầu khí Nga mới đưa vào khai thác rất ít những khu mỏ loại này. Nhưng lệnh cấm vận thứ 2 thì có ảnh hưởng ngay và rõ nét. Trong đó có 3 công ty bị cấm vay tín dụng thời hạn hơn 30 ngày là  Rosneft, Transneft (chỉ EU cấm vận) và Gazpromneft. Nga là nước xuất khẩu dầu thứ 2 trên thế giới, vì vậy mọi biến động trong ngành dầu đều ảnh hưởng đến nguồn cung dầu mỏ và thị trường hàng hóa, dịch vụ quốc tế. Riêng nước Nga thì xuất khẩu dầu khí chiếm gần 2/3 nguồn thu từ xuất khẩu tất cả hàng hóa và chiếm 1/2 tổng các nguồn thu của Nhà nước. Vượt lên tất cả mọi khó khăn, khai thác dầu năm nay của Nga vẫn tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2016 cung cầu dầu khí sẽ ra sao, có lẽ thực tế sẽ trả lời.

Bùi Hảo

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc