Tủi phận người già

07:06 | 13/06/2014

885 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi tốc độ già hóa dân số ở nước ta tăng đột biến, số lượng người cao tuổi tăng cao thì hệ thống y tế, an sinh xã hội… dành cho đối tượng này lại thiếu trầm trọng. Điều này tác động không nhỏ đến chính tâm lý người già, khiến họ nghĩ rằng, bản thân là gánh nặng cho xã hội.

Năng lương Mới số 329

Ác mộng… khám chữa bệnh

Đó là câu chuyện bà Phạm Thị Hòa (Đại diện Hội Người cao tuổi Việt Nam) kể với chúng tôi khi bàn về “Mô hình chăm sóc người cao tuổi Việt Nam”, bà bật lên tiếng cười chua chát khi so sánh rằng: “Chuyên khoa khám bệnh dành cho người cao tuổi còn không bằng chuyên khoa chữa ký sinh trùng”. Để thấy rằng, nước ta đang thiếu trầm trọng các cơ sở chuyên khoa khám chữa bệnh dành cho người già. Như vậy, phải chăng người già chưa được quan tâm đúng mực?

Để dẫn chứng, bà Hòa nói: “Hệ thống khám chữa bệnh cho người cao tuổi thiếu từ Trung ương đến địa phương. Rất khó để tìm những cơ sở khám chuyên khoa dành riêng cho người già nên họ đều phải chen chúc vào các bệnh viện mà… khám chung. Thử hỏi sức người già liệu có thể chịu đựng sự đông đúc đó? Nhiều người tuổi đã cao, sức lại yếu… không thể chầu chực nổi, thành thử khám bệnh với họ là ác mộng”.

Người già đến điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương

Điều bà Hòa đặt ra đúng với những thực tế đang tồn tại khi nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự đoán. Điều này đã đưa Việt Nam vào danh sách những nước có tốc độ già hóa nhanh hàng đầu châu Á. Trong khi đó, nghiên cứu của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi thì đời sống vật chất của người cao tuổi lại có những con số đáng suy ngẫm rằng:  70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất, 18% người cao tuổi sống trong hộ nghèo, 10% người cao tuổi sống trong nhà tạm. Chưa kể, số lượng người cao tuổi mắc bệnh lại cao kỷ lục khi chiếm 95% tổng số người cao tuổi và chủ yếu là các bệnh mãn tính như: tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... Điều đó đặt ra nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi càng lớn. Thế nhưng, sự thật là hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi của nước ta chưa theo kịp với sự biến đổi nhanh chóng này. Tại tuyến Trung ương chỉ có một Bệnh viện Lão khoa, còn ở các tuyến tỉnh, huyện, xã thì chỉ có người khám sức khỏe ban đầu chung chung chứ không có người khám lão khoa riêng. Đặc biệt, không phải trạm y tế nào cũng có bác sĩ. Như vậy với hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn yếu và thiếu như hiện tại thì việc chăm sóc cho hơn 9 triệu người già quả là quá khó khăn.

Khảo sát tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương những ngày nắng nóng vừa qua, số bệnh nhân đến với bệnh viện tăng 25-40% so với bình thường, chủ yếu là bệnh nhân từ các tuyến tỉnh chuyển lên. Và dù lượng bệnh nhân đến khám cao hơn so với thường lệ nhưng do quy định cơ sở điều trị bệnh lão khoa không được nằm ghép giường nên đa số bệnh nhân đều phải chuyển sang viện khác hoặc được chỉ định điều trị ngoại trú. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người già, trong khi đó kinh phí chữa trị cho đối tượng này lại không phải là nhỏ. Theo GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương thì: Chi phí y tế điều trị cho người già rất tốn kém, cao gấp 7-10 lần người trẻ. Thực tế hiện nay, bệnh nhân cao tuổi chiếm 10% nhưng lại đang sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc điều trị. Bên cạnh đó, do hệ thống cơ sở điều trị bệnh lão khoa ở tuyến dưới, các địa phương hiện còn rất hạn chế nên lượng bệnh nhân phải vượt tuyến lên tuyến Trung ương khá nhiều, càng “đội” chi phí điều trị lên cao. Chính những điều này lại quay vòng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người già khi 70% người già không có tích lũy về vật chất.

Người già không là gánh nặng

Tâm lý về già trở thành “gánh nặng” cho xã hội đã là cố hữu từ chính người già. Điều đó lý giải vì sao có nhiều trường hợp tự tìm cho mình “chốn riêng” khi về già là vào viện dưỡng lão mặc dù có con cháu đuề huề. Trước đây, khi Việt Nam bước vào giai đoạn “già hóa dân số” đã có nhiều mối lo ngại cho rằng tình trạng này sẽ kéo tụt sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhưng thực tế, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng già hóa dân số không phải là gánh nặng mà nó tạo ra cho chúng ta cơ hội và thách thức mới. Thực tế người cao tuổi còn có thể cống hiến rất nhiều cho xã hội, đặc biệt là độ tuổi từ 60 đến 75. Họ đang là kho tàng kiến thức, kinh nghiệm và sự uyên bác. Họ đều có vai trò quan trọng trong cuộc sống gia đình, xã hội và có tác động không nhỏ tới việc hình thành lối sống cho thế hệ trẻ. Với vốn sống, trí tuệ mà người cao tuổi sở hữu, nó không chỉ giúp định hướng mà còn tác động lớn đến việc kết nối các giá trị truyền thống với giá trị hiện đại.

Vậy nên cởi bỏ tâm lý cố hữu trở thành gánh nặng xã hội của người cao tuổi thì chính cộng đồng phải chú trọng đến đối tượng này trước tiên. Bà Lê Minh Giang, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam cho rằng: “Cần tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở cả gia đình lẫn cộng đồng. Đặc biệt, xây dựng và phát triển hệ thống người làm công tác xã hội, xây dựng các cơ sở y tế chuyên khoa, các nhà cung cấp dịch vụ lão khoa, mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho người già... để chăm sóc tốt nhất sức khỏe về thể trạng, lẫn tinh thần cho người cao tuổi”.

Thực tế, việc xây dựng thêm các cơ sở y tế chuyên khoa cho người cao tuổi là bức thiết. Trước đây, Luật Khám chữa bệnh từ năm 2009 đã quy định, trừ các bệnh viện chuyên khoa Nhi còn lại tất cả các bệnh viện đều phải thành lập Khoa Lão khoa, nhưng kết quả thực hiện lại rất ít. Nhiều bệnh viện còn ghép lão khoa với những chuyên khoa khác. Từ một thực tế như vậy, việc điều trị cho người cao tuổi với số lượng đang ngày một tăng như hiện tại thì rõ ràng chưa đáp ứng được nhu cầu.

GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa nhận xét: “Hệ thống cơ sở y tế điều trị cho người cao tuổi ở nước ta hiện nay chủ yếu là điều trị cấp. Nghĩa là bệnh nhân mắc bệnh nào thì vào điều trị ở chuyên khoa đó, khỏi bệnh thì ra về chứ không theo việc dành riêng cho đối tượng đặc thù như người già. Cách tiếp cận này được cho là không phù hợp với đa số người cao tuổi”. Trong khi đó người cao tuổi ở Việt Nam lại thường mắc nhiều bệnh mãn tính cùng lúc, sức đề kháng lại yếu nên việc đi từng bệnh viện chuyên ngành, từng chuyên khoa để khám, điều trị từng bệnh riêng biệt… là một điều quá khó khăn, phiền hà và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người già.

Vậy nên, quan tâm và chăm sóc tốt hơn cho người cao tuổi thì GS.TS Phạm Thắng khẳng định: Nhất thiết phải nâng cao năng lực của hệ thống y tế về chăm sóc người cao tuổi. Việc đưa lão khoa vào danh mục ưu tiên là điều cần thiết vì thế trước tiên cần triển khai quyết liệt công tác xây dựng, thành lập các chuyên khoa lão khoa tại các bệnh viện, tổ chức phòng khám cho người cao tuổi tại các khoa khám bệnh, tăng cường và đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi... Hiện tại, lực lượng y, bác sĩ chuyên về lão khoa cũng thiếu trầm trọng nên ngành y tế cần đẩy mạnh việc đào tạo thầy thuốc, nhân viên y tế cũng như tăng cường nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này để người cao tuổi nhận được sự quan tâm đúng mực nhất.

Những con số về người cao tuổi ở Việt Nam: 30% người cao tuổi không có bất cứ loại BHYT nào; 54,6% cần được điều trị tại các cơ sở y tế; 70% không có tích lũy vật chất; 62,3% có cuộc sống khó khăn, thiếu thốn; 18% sống trong hộ nghèo.

(Theo Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam)

Huyền Anh