Tự hào vì… tỉ lệ “Gia đình văn hóa” thấp!

07:06 | 17/12/2015

2,860 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyện lạ đời. Và, có lẽ chỉ Đà Nẵng mới “hãnh diện” với điều này. Tại sao vậy? Thưa: đấy là tỉ lệ thực chất, nghĩa là không “tô hồng” thành tích, không phải thành tích “ảo”.

Năm 2011, tỉ lệ gia đình văn hóa ở Đà Nẵng mới đạt 71,5%. Đến năm 2014, tỉ lệ này được nâng lên 76,1%. Năm nay toàn thành phố cũng chỉ có 98% hộ gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”. Hiện công tác bình xét ở các địa phương đang tổng hợp. Nhưng theo đánh giá của cơ quan chức năng, thì tỉ lệ đạt tiêu chuẩn khoảng 78%. So với các địa phương khác trong cả nước, thì tỉ lệ này gần như “đội sổ”.

Chính quyền và cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng triển khai việc bình xét “Gia đình văn hóa” dựa trên cơ sở bộ tiêu chí của Trung ương ban hành; cùng những bổ sung nội dung một số chỉ tiêu thiết thực. Cái mới của Đà Nẵng là bổ sung thêm 6 điểm liệt; gia đình nào mắc phải 1 trong 6 điểm liệt, thì bị loại ra khỏi danh sách xét tặng.

tu hao vi ty le gia dinh van hoa thap

Những gia đình sinh con thứ ba, có người mắc các tệ nạn xã hội như: mại dâm, ma túy, cờ bạc; hoặc không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ ở địa phương; trong gia đình có người vi phạm pháp luật phải xử phạt hành chính trở lên… đều tự giác xin rút ngay từ đầu.

Vì vậy, tỉ lệ trên là chính xác và thực chất. Điều này phản ánh đúng thực trạng xã hội ở Đà Nẵng hiện nay. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là để người dân thấy được việc công nhận Gia đình văn hóa là mục tiêu phấn đấu. Khi nhận được danh hiệu, họ thấy xứng đáng và trân trọng.

Tuy tỉ lệ “Gia đình văn hóa” ở Đà Nẵng thấp nhất nước, nhưng những gì người dân Đà Nẵng đã và đang làm; những ứng xử trong giao tiếp, được bạn bè gần xa ca ngợi và nể trọng. Khi phong trào không còn là hình thức; mọi người dân đều ra sức phấn đấu vì một xã hội tốt đẹp hơn. Chính cơ chế ấy đã đưa người dân “vào cuộc”; và cũng chính người dân đã tự “nâng tầm” mình lên trong một phong trào thi đua thực chất.

Bệnh thành tích, đã biến những điều tốt đẹp của xã hội trở thành thứ “thật giả lẫn lộn”. Không hiếm chuyện nhiều địa phương có tỉ lệ “Gia đình văn hóa” cao ngất ngưởng; nhưng ở đó, hàng xóm láng giềng chửi nhau xơi xơi, dựng cái xe ở vỉa hè lần sang hàng xóm vài chục phân là sinh chuyện. Nhiều gia đình nhận tấm bằng “văn hóa” chỉ để đút vào tủ mà không dám treo!

Rồi thanh thiếu niên ở đó đầu xanh, đỏ, tím, vàng; xăm trổ đầy người; mở miệng là văng tục; “ngứa mắt” là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”; rồi tệ nạn tràn lan. An ninh trật tự, an toàn xã hội đáng báo động và đáng lo ngại. Cái “danh hão” được tô hồng bằng căn bệnh “kinh niên” ấy làm bằng lòng một số quan chức; nhưng lại là nỗi thấp thỏm, lo âu của cả xã hội.

Trở lại chuyện Đà Nẵng “tự hào” và cho việc tỉ lệ “Gia đình văn hóa” thấp là một thắng lợi trong phong trào thi đua. Thắng lợi ấy là tính thực chất được tôn trọng; là phong trào thi đua đang đi đúng hướng, có chiều sâu. Đặc biệt trong năm 2015, là năm mà các danh hiệu thi đua được gắn với chủ đề “Năm văn hóa, văn minh đô thị” được phát động ngay từ đầu năm.

Tỉ lệ thi đua thực chất đã góp phần nâng tầm thành phố; làm cho thành phố ngày càng trong lành ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng; làm cho thành phố đáng sống hơn. Đà Nẵng tuy tỉ lệ “Gia đình văn hóa” thấp nhất cả nước; nhưng ở từng khu phố, từng khu dân cư không có cảnh lộn xộn tranh giành vỉa hè để buôn bán; lại càng hiếm gặp cảnh “ngang trái” như ở một số thành phố lớn khác.

Đặc biệt, đến Đà Nẵng du khách có thể yên tâm đi dạo bãi biển khi đã khuya; hoặc trên các tuyến đường vắng mà không lo bị cướp giật. Vào quán ăn không phải chứng kiến những cảnh xin ăn, xin tiền như “bắt vạ”; càng không bị phiền hà bởi sự lẵng nhẵng đeo bám của đám cò mồi.

Đến Đà Nẵng, có đi sai làn đường, có trót vi phạm luật giao thông, nhận được sự tận tình hướng dẫn của cảnh sát giao thông. Lại càng không lạ khi có bác “xe ôm” chạy theo xe biển số lạ để chỉ dẫn việc chạy vào đường cấm, mà không hề đòi hỏi tiền thù lao. Và nhiều hy vọng được nhận lại tài sản khi lỡ để quên trên xe taxi…

Tất cả những điều ấy có được chính là nhờ phong trào thi đua thực chất, tạo nên thương hiệu của “thành phố đáng sống”.

Đặng Trung Hội