Từ CỐP đến VIP

07:00 | 12/08/2013

|
Bạn đọc: Xin ông An Chi cho biết lai lịch của hai từ CỐP và VIP. Xin cảm ơn ông. Trịnh Đình Thuận (Cầu Giấy, Hà Nội)

Học giả An Chi: Trước năm 1975 ở miền Bắc tuy không chính thức lưu hành trên văn đàn, báo giới nhưng “cốp” vẫn là một biệt ngữ trong phạm vi sinh hoạt của cán bộ, dùng để chỉ những “ông to”, “ông lớn”, nếu không phải với giọng kính trọng thì cũng với một thái độ nể nang, ít nhất thì cũng là e dè. Một số người để ý đến chữ nghĩa có trao đổi với nhau về lai lịch của cái từ lạ lẫm nhưng lại có âm vang khá quen thuộc này.

Có người cho rằng nó đến từ tiếng Nga, thông qua những tên người có vần cuối là “-ov”, đặc biệt là tên của Malenkov, người thân cận với Stalin và là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô từ tháng 3/1953 đến tháng 2/1955, sau khi Stalin qua đời. Nhưng Malenkov chưa kịp tạo uy tín trên trường quốc tế và các nước bạn, trong đó có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì đã bị Bulganin thay thế nên tên của ông ta khó có thể có điều kiện để đưa từ “cốp” vào tiếng Việt. Huống chi, mãi đến khi cái tên của Malenkov cơ hồ đã bị quên đi thì danh từ “cốp” mới xuất hiện trong khẩu ngữ của nhiều cán bộ Nhà nước ở miền Bắc Việt Nam. Thêm nữa, vần “-ov” đâu chỉ đi với “k-”, mà còn đi với “l-” như trong Pavlov, với “m-” như trong Efimov, với “n-” như trong Antonov, vớii “t-” như trong Molotov, v.v... Vì vậy mà thuyết “tên người có vần -ov” không thể đứng vững được.

Tuy nhiên, theo chúng tôi thì từ “cốp” với nghĩa đã nói thực ra cũng đã đi vào tiếng Việt - tuy không phổ biến - từ tiếng Nga “Коп” (Kop) là một tiếng lóng dùng để chỉ nhân viên cảnh sát, mà thực ra thì tiếng Nga cũng đã “trưng dụng” từ tiếng lóng của Anh là “cop” (dĩ nhiên cũng có nghĩa là “cảnh sát”). Với chúng tôi thì từ “Коп” này của tiếng Nga được đem về nước theo chân của “số bà con lớp dưới” trong thành phần lưu học sinh, sinh viên, cán bộ được đi tu học, tu nghiệp, công tác, ở Liên Xô trước đây. Có những người trong số họ đã không lấy việc học hành làm chính mà chỉ chăm lo “hoạt động kinh tế” nhưng những thứ họ đem về, bây giờ nhìn lại, cũng chẳng có bao nhiêu… giá trị. Chúng tôi cho rằng, cùng với những món hàng, từ “cốp” đã được chính họ đem về nước một cách không… chính thức. Và cũng chính họ đã làm “méo nghĩa” của “cốp” từ “cảnh sát” thành “ông lớn”. Trong khi chờ đợi một lời đáp đúng sự thật hơn (?) - mà chúng tôi nghĩ là rất khó có - thì, với chúng tôi, nguồn gốc của từ “cốp” là như thế.

Nếu “cốp” hầu như là một từ “không ra công khai” thì ngược lại, hiện nay VIP đã trở thành một từ khá quen thuộc trong tiếng Việt. Nhưng, may thay, nó vẫn còn mang “quốc tịch” Anh chứ chưa phải là một đơn vị từ vựng “hợp thức” của tiếng Việt. Đây là một “acronym” mà thực ra, cho đến nay, tiếng Việt cũng chưa có một thuật ngữ tương ứng thực sự thích hợp để đối dịch. Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học đối chiếu Anh - Việt Việt - Anh của Cao Xuân Hạo - Hoàng Dũng (NXB Khoa học xã hội, 2005) đã dịch nó là “tên gọi tắt (bằng chữ đầu)”. Dân Tàu cũng không có một đơn vị từ vựng xứng đáng được gọi là thuật ngữ để đối dịch “acronym” nên họ hầu như đều nhất trí diễn ý của khái niệm này bằng sáu chữ “thủ tự mẫu súc lược từ” [首字母缩略词]. Sáu chữ này thực ra cũng chỉ có nghĩa là “tên gọi tắt (bằng chữ đầu)”, như trong từ điển của Cao Xuân Hạo và Hoàng Dũng mà thôi. Tuy hiếm hơn nhiều nhưng ở bên Tàu, cũng có người gọi nó là “đầu tự ngữ” [頭字語]. Chúng tôi thì mạn phép theo sát cấu tạo của từ “acronym” mà dịch nó một cách ngắn gọn thành “đỉnh danh”. “Acro” là một hình vị gốc Hy Lạp, có nghĩa là “trên cao”, là “đỉnh”; còn “nym”, cũng gốc Hy Lạp (< onym), có nghĩa là tên (danh). Vậy acronym là “đỉnh danh”.

Đỉnh danh là một từ viết tắt bằng những chữ cái khởi đầu của từng thành tố trong một danh ngữ; những chữ này được viết hoa. NASA, chẳng hạn, là đỉnh danh viết tắt từ “National Aeronautics and Space Administration” (Cơ quan Quốc gia Quản lý Hàng không và Vũ trụ [của Hoa Kỳ]); còn NATO là đỉnh danh của “North Atlantic Treaty Organization” (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), v.v... VIP là đỉnh danh của “Very Important Person”, nghĩa là “nhân vật rất quan trọng”. Nó thường dùng để chỉ những nguyên thủ quốc gia, những người đứng đầu chính phủ, các chính trị gia, những người nổi tiếng trong đó có các doanh nhân, những đại gia, nói chung là những người được dư luận và giới truyền thông xem như những nhân vật quan trọng cần có một sự đối xử đặc biệt so với người bình thường.

Tuy đa số người sử dụng đều có thể biết rằng, danh từ VIP đi vào tiếng Việt từ tiếng Anh nhưng chắc là rất nhiều người, dĩ nhiên là kể cả người Anh, lại không biết rằng, VIP là một acronym mà tiếng Anh đã mượn từ tiếng Nga ВИП (chuyển sang chữ cái La Tinh thì chữ Â của Nga là V, È là I và И là P). Còn ВИП thì lại là đỉnh danh của “Весьма Именитая Персона” (Vesima Imenitaya Persona). “Весьма” là một phó từ, có nghĩa là “rất”; “Именитая” là một tính từ, có nghĩa là “cao sang”, “nổi tiếng” còn “Персонаâ” là một danh từ, có nghĩa là “nhân vật”. Vậy, nếu dịch sát nghĩa, thì ВИП là “nhân vật cực kỳ nổi tiếng”. Và, cứ như trên, thì ta có thể khẳng định rằng VIP là một acronym mà người Anh đã mượn “thẳng” từ акроним (đỉnh từ) ВИП của tiếng Nga rồi vừa căn cứ theo nghĩa gốc vừa nương theo tiếng Anh mà “diễn nghĩa” của nó thành “Very Important Person”.

Người ta đã truy nguyên ra rằng, đỉnh danh VIP ra đời trong tiếng Anh khoảng từ đầu thập niên 20 đến đầu thập niên 30 theo phong trào nhập cư vào nước Anh của người Nga. Còn bây giờ, khi đã đi vào tiếng Việt thì hình như nó đã bắt đầu bị lạm dụng, vì ở một số nơi ăn uống xô bồ, không phải nhà hàng hay khách sạn sang trọng, ta cũng thấy có phòng… VIP!

Vậy “cốp” là một từ tiếng Anh đã đi vào tiếng Việt qua tiếng Nga còn VIP là một từ tiếng Nga đã đi vào tiếng Việt qua tiếng Anh.

A.C