Truyền thông đại chúng với hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam
Toàn cảnh hội thảo |
Tham dự hội thảo có PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; ThS Lê Thanh Tùng - Trưởng ban TT&PBKT Liên hiệp Hội Việt Nam; cùng các chuyên gia lĩnh vực truyền thông; đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.
PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, trong suốt quá trình hình thành và phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập trung các nhà khoa học hàng đầu và thực hiện tốt hoạt động tư vấn, phản biện xã hội.
Liên hiệp Hội cũng được các chuyên gia đánh giá lớn mạnh về hệ thống báo chí với hơn 70 cơ quan báo chí trong hệ thống. Tuy nhiên, công tác truyền thông của Liên hiệp Hội vẫn chưa phát huy được thế mạnh vốn có. Trong hội thảo lần này, thông qua phần tham luận của các diễn giả sẽ giúp Liên hiệp Hội đánh giá đúng về vị trí, vai trò, uy tín tương ứng với tiềm năng sức mạnh truyền thông; những nguyên nhân khiến hình ảnh của Liên hiệp Hội chưa được truyền thông hiệu quả; từ đó đưa ra các giải pháp để báo chí cùng Liên hiệp Hội thực hiện công tác truyền thông hiệu quả.
TS.NB Lê Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại - Bộ TTTT, Trưởng ban Điện tử Báo Nhân Dân phát biểu. |
Bàn về một số biện pháp nâng cao hình ảnh của Liên hiệp Hội Việt Nam, TS.NB Lê Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại - Bộ TTTT, Trưởng ban Điện tử Báo Nhân Dân cho biết, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật và công nghệ tại Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam cần xây dựng một chiến lược truyền thông mạnh mẽ và hiệu quả nhằm tôn vinh và tạo dựng hình ảnh tích cực về Liên hiệp Hội, đồng thời thu hút sự quan tâm và ủng hộ từ cộng đồng khoa học, giới trí thức và các đối tác.
Bên cạnh đó, cần xác định thông điệp cốt lõi mà Liên hiệp Hội muốn truyền tải; Xây dựng kế hoạch truyền thông đa phương tiện, tập trung vào các phương tiện truyền thông chính; tạo các nội dung hấp dẫn về các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ của các hội thành viên, nhấn mạnh những giá trị tích cực, thiết thực mà Liên hiệp Hội mang lại cho cộng đồng.
Liên hiệp Hội cần rà soát, đánh giá hiệu quả của các hoạt động truyền thông hiện có, trên cơ sở đó xây dựng Chiến lược truyền thông, đồng thời tổ chức lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng khoa học và các đối tác, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến chân thành và tích cực, xây dựng để điều chỉnh và cải tiến các hoạt động truyền thông trong thời gian tới; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông dành cho các cán bộ lãnh đạo, các bộ quản lý các đơn vị, các hội thành viên, nhằm tăng cường xây dựng và quảng bá, giữ gìn, bảo vệ hình ảnh, uy tín và danh tiếng của Liên hiệp Hội.
PGS.TS.NB Nguyễn Thành Lợi, UV BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu |
Bàn về vấn đề sử dụng truyền thông xã hội trong quảng bá hình ảnh tổ chức, PGS.TS.NB Nguyễn Thành Lợi, UV BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, trước đây việc nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình tư tưởng trong xã hội thông thường thông qua các phương pháp truyền thống, như tổ chức họp, giao ban, qua báo cáo viên định kỳ, hoặc thông qua các cơ quan báo chí truyền thông. Tuy nhiên, khi mạng xã hội phát triển, các phương pháp truyền thông truyền thống bị hạn chế do không đáp ứng được tính nhanh nhạy, đa chiều về thông tin.
Mạng xã hội không chỉ là một diễn đàn khác tồn tại song song với các phương tiện truyền thông truyền thống, mà còn đại diện cho xu thế của truyền thông mới trong tương lai. Và điều đó đặt ra cho các cơ quan chức năng, nhà báo và các cơ quan báo chí phải biết sử dụng và khai thác triệt để truyền thông xã hội phục vụ cho hoạt động của mình, trong đó có các tổ chức nghiên cứu khoa học…
Chính vì vậy, cần tập trung xây dựng các diễn đàn và chủ động “nắn dòng” thông tin sai lệch, tuyên truyền nhiều bài viết có tính định hướng sẽ lấn át những thông tin tiêu cực.
Nhà báo Trần Trọng An - Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Gia đình mới phát biểu |
Bàn về một số giải pháp truyền thông hình ảnh của Liên hiệp Hội Việt Nam trên các phương tiện truyền thông, Nhà báo Trần Trọng An - Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Gia đình mới cho rằng Liên hiệp Hội cần nâng cao nhận diện và nhận thức về thương hiệu; lựa chọn đại sứ truyền thông hiệu quả; xác định thông điệp truyền thông rõ ràng.
Hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam gắn với các hoạt động khoa học công nghệ, phổ biến kiến thức. Do vậy, ngoài báo chí chính thống, chúng ta cần lan tỏa hình ảnh và hoạt động của các cá nhân, đơn vị thành viên và của cả Liên hiệp Hội Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội.
PGS.TS Phạm Bích San - Chuyên gia xã hội học trình bày phần tham luận |
Bàn về hình ảnh Liên hiệp Hội Việt Nam trên truyền thông, PGS.TS Phạm Bích San - chuyên gia xã hội học cho biết, để cải thiện hình ảnh của Liên hiệp Hội cần xây dựng một chiến dịch truyền thông bài bản dựa trên một số hoạt động phản biện chính quy có thể có tác động rộng lớn đến xã hội. Chiến dịch này có thể có hiệu quả rất cao nếu có thể đưa vào đây một vài cuộc khủng hoảng truyền thông để làm thay đổi kiến thức, thái độ và hành vi của xã hội về Liên hiệp Hội.
Ông Vũ Xuân Bân - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa và Phát triển phát biểu tại hội thảo. |
Bàn về giải pháp xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả cho hệ thống báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam, ông Vũ Xuân Bân - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hoá và Phát triển kiến nghị, Liên hiệp Hội Việt Nam cần tiếp tục tổ chức gặp gỡ, thông tin về công tác báo chí định kỳ hàng quý một lần là rất cần thiết, giúp các cơ quan báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam có điều kiện để nói lên tâm tư nguyện vọng của mình. Bên cạnh đó, ban Truyền thông và Phổ biến Kiến thức cần nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức Giải báo chí khoa học kỹ thuật và văn hóa xã hội tiêu biểu nhằm vinh danh cơ quan báo chí, tác giả, nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trong hệ thống báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng (IRECO), Tổng biên tập Tạp chí Mẹ và bé phát biểu tại hội thảo. |
Bàn về các giải pháp nâng cao hình ảnh của Liên hiệp Hội thông qua các phương tiện thông tin, đại chúng, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng (IRECO), Tổng biên tập Tạp chí Mẹ và bé cho biết, các cơ quan quản lý báo chí của Đảng cụ thể là Ban Tuyên giáo Trung ương cần chỉ đạo để có sự đổi mới để nâng tầm công tác truyền thông cũng như hệ thống báo chí, từ đó phát huy hết khả năng của hệ thống báo chí trong Liên hiệp Hội.
PGS.TS Bùi Thị An cho biết thêm, Liên hiệp Hội Việt Nam với vai trò quản lý của mình nên xây dựng một Đề án: “Nâng cao chất lượng hệ thống truyền thông của VUSTA” để phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước từ nay đến 2030 trong đó cần nêu các nội dung, lộ trình, trách nhiệm cụ thể để khắc phục những nguyên nhân hạn chế hiệu quả của công tác truyền thông cũng như hệ thống báo chí của Liên hiệp Hội.
Minh Đức
-
Chuyển đổi số - chìa khóa nâng cao hiệu quả, an toàn và bền vững
-
Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học
-
Phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh
-
Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
-
Phát triển nền tảng số: Động lực, giải pháp phát triển kinh tế số Việt Nam