Truyền hình thực tế có dành cho trẻ em?

19:00 | 29/06/2018

2,790 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Làn sóng các chương trình truyền hình thực tế, game show cũng như nhiều nội dung giải trí trực tuyến hiện nay dành cho thiếu nhi đang đặt ra cho xã hội một câu hỏi: Chương trình dành cho trẻ em hay cuộc chơi của người lớn?  

1. Ước tính có vài chục chương trình (gồm game show, truyền hình thực tế) dành cho trẻ em lần lượt phát sóng trên các kênh truyền hình vào “giờ vàng” các ngày trong tuần. Có thể kể như “Gương mặt thân quen nhí”, “Người hùng tí hon”, “Siêu đầu bếp nhí”, “Siêu nhí tranh tài”, “Bố ơi! Mình đi đâu thế”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Con biết tuốt”, “Trẻ em luôn đúng”, “Con đã lớn khôn”, “Ước mơ của em”, “Siêu mẫu nhí”, “Chung sức nhí”, “Tìm kiếm tài năng MC nhí”, “Giọng hát Việt nhí”, “Tìm kiếm tài năng nhí”, “Thử thách cùng bước nhảy nhí”... dành cho trẻ em từ 1-14 tuổi, tập trung ở các lĩnh vực ca hát, nhảy múa, thời trang, hài... Và có khá nhiều chương trình mới đang được xem xét, cân nhắc đưa vào sản xuất.

Tuy nhiên, mặt trái của việc trẻ em tham gia các chương trình truyền hình thực tế (THTT) này không phải là chưa được cảnh báo ở nước ta. Còn nhớ ở mùa giải “Giọng hát Việt nhí 2013”, trong những trang nhật ký “Tôi đưa con đi thi The Voice Kids” của một phụ huynh có con lọt vào top 15 đã vô tình tiết lộ một hậu trường trần trụi, thậm chí có phần nhếch nhác khuất sau vẻ hào nhoáng và đầy “nhân văn” của cuộc thi này. Nhật ký của anh kể về chuyện đưa con từ Hà Nội vào TP HCM dự thi, anh và những ông bố đồng cảnh ngộ đã phải tiết kiệm bằng cách mua cơm về ăn chung, năn nỉ khách sạn cho giặt quần áo trong phòng, hay nấu ăn ngay trong toilet để tiết kiệm chi phí…

truyen hinh thuc te co danh cho tre em
Một tiết mục trong cuộc thi The Voice Kids

Nhật ký ấy cũng đưa ra những cái “được - mất” như một chia sẻ để các phụ huynh cân nhắc khi có ý định đưa con đi thi cuộc thi sau này. Trong đó, được thì ít nhưng mất có vẻ quá nhiều, đó là mất thời gian, công sức, tiền bạc, ảnh hưởng đến việc học hành của con… Đặc biệt là các bậc phụ huynh cũng như các bé hẫng hụt vô cùng vì khi bị loại thì ban tổ chức không hề có một động thái chia tay hay một lời động viên khích lệ…

Không những vậy, các cuộc thi trên truyền hình hiện nay dành cho trẻ em đều có một lịch trình tập luyện hết sức dày đặc, khốc liệt. Nói không quá, trẻ em đã bị cuốn vào guồng quay của người lớn, phải sống trong áp lực, cường độ tập luyện dày đặc, phải học cách đi đứng, ứng xử, nói năng, thậm chí mặc đồ khêu gợi như người lớn, nhằm mục đích càng tăng tính hấp dẫn cho chương trình càng tốt. Các bé khi đã tham gia vào một cuộc chơi nào đó là vô tình trở thành cỗ máy kiếm tiền cho nhà sản xuất. Những gì có lợi về mặt thương mại được khai thác, còn các yếu tố liên quan đến tính giáo dục lại không được đề cao.

Điểm đặc trưng của các chương trình THTT dành cho trẻ nhỏ là có lượng người xem và quảng cáo rất cao. Theo thống kê của Tổng cục Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc (SAPPRFT), trong số hơn 100 chương trình giải trí phát sóng trên các đài truyền hình Trung Quốc, rất nhiều chương trình có trẻ em tham gia. Doanh thu quảng cáo từ các chương trình này đạt hơn 10 tỉ NDT (tương đương 1,55 tỉ USD). Chính vì vậy, nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại, trẻ không chỉ bị tước mất quyền lớn lên hồn nhiên, thoải mái mà còn bị bóc lột sức lao động từ chính người thân, nhà sản xuất và các đài truyền hình.

Tại Việt Nam, theo báo giá quảng cáo của Trung tâm Quảng cáo & Truyền hình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (TVAD), mùa đầu tiên của “The Voice Kids” đã có giá quảng cáo lên tới 320 triệu đồng cho 30 giây trong một số.

2. Năm 2016, Tổng cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc vào ngày 17/4 đưa ra văn bản chỉ đạo về việc hạn chế, dẫn đến cấm tuyệt đối các chương trình có trẻ chưa đủ tuổi thành niên. Cơ quan này cho rằng, việc trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm, được lăng xê tên tuổi, trở thành ngôi sao chỉ sau một đêm là điều phản giáo dục, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này. Bởi thực tế, có những đứa trẻ sau khi tham gia truyền hình thực tế, do không gây được thiện cảm với khán giả đã bị “tẩy chay”, bị bêu xấu trên mạng xã hội.

Diễn viên Lâm Chí Dĩnh cũng từng thừa nhận, sau khi tham gia “Bố ơi, mình đi đâu thế?” con trai anh trở nên khó tính hơn và anh dường như bất lực, không dạy nổi con mình. Một phụ huynh có con nhỏ chia sẻ trên Sina: “Nhà sản xuất và đài truyền hình luôn nói chương trình của họ là minh chứng của sự tiến bộ xã hội, các em nhỏ được phát triển toàn diện. Nhưng bao nhiêu em nhỏ sau các chương trình dễ dàng từ bỏ ánh hào quang thoáng chốc đó? Thực tế, sau các chương trình, các em nhanh chóng trở về con số 0”.

Với những nước có nền công nghiệp truyền hình phát triển, họ luôn có những quy định rõ ràng và chặt chẽ về việc bảo vệ trẻ em lao động trong lĩnh vực truyền hình. Trong đó, nhiều nước xem trẻ em như một đối tượng lao động đặc biệt, cần được quan tâm và bảo vệ. Và các chuyên gia về văn hóa sẽ có trách nhiệm đảm bảo các phần biểu diễn của các bé là văn hóa, mang tính dân tộc, gần với sự hồn nhiên của lứa tuổi.

Mới đây, Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm và thời lượng dành cho trẻ em, đồng thời cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Trong đó, các nội dung rất được quan tâm là hướng dẫn trẻ em kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ và kỹ năng an toàn; giáo dục giới tính, sức khỏe, dinh dưỡng; tìm hiểu, học tập, trao đổi kiến thức, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em... Về thời lượng và khung giờ phát sóng, đặc biệt với các chương trình khoa giáo, phổ biến kiến thức, cần ưu tiên khung giờ 6-7 giờ 30, 12-13 giờ 30 hoặc 17 giờ 30-19 giờ; các chương trình giải trí, ca nhạc, văn nghệ, kể chuyện, phim hoạt hình, trò chơi... ưu tiên khung giờ 18-21 giờ.

Hiện nay, gameshow “nhí” không chỉ là cuộc đua của riêng các nhà sản xuất, mà còn là cuộc chiến cam go, nhiều thử thách khốc liệt đối với những thí sinh “nhí” tham gia chương trình. Góc khuất của ngành giải trí, sức ép, sự soi mói quá mức từ người hâm mộ, sự cầu toàn của bản thân, những thị phi từ trên trời rơi xuống… dễ đẩy nghệ sĩ nhí rơi vào trạng thái trầm cảm. Chính vì vậy, thay vì làm mọi cách để con nổi tiếng, cha mẹ cũng cần giữ cho con một tuổi thơ bình yên đúng nghĩa, hạnh phúc đúng nghĩa, không phải sống trong căng thẳng, áp lực.

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.