"Trung thực trong khoa học là... xa xỉ!"

06:00 | 06/12/2012

475 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đây là quan điểm chia sẻ của GS.TSKH Phan Văn Quýnh – nguyên Chủ nhiệm khoa Địa chất Dầu khí, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) khi nói về các sự cố thủy điện ở nước ta thời gian gần đây.

Hiện tượng thấm nước ở Sông Tranh 2 có phải là bình thường.

Do thiên tai hay là vì nhân họa là câu hỏi mà dư luận xã hội đặt ra cho các cơ quan chức năng trả lời về một loạt sự cố tại các công trình thủy điện ở nước ta.

Trước tiên phải thừa nhận rằng, trong suốt những năm qua, nguồn điện năng từ các dự án thủy điện là thành phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng ở nước ta. Và đây cũng được xem là tiền đề cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở nước ta.

Tại buổi họp báo công bố Quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch điện VII, đại diện của Bộ Công Thương khẳng định: “Phát triển cân đối công suất nguồn trên từng miền: Bắc, Trung và Nam, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện trên từng hệ thống điện miền nhằm giảm tổn thất truyền tải, chia sẻ công suất nguồn dự trữ và khai thác hiệu quả các nhà máy thủy điện trong các mùa.

Đưa tổng công suất nguồn điện sử dụng năng luợng tái tạo (không kể thuỷ điện nhỏ) từ mức không đáng kể hiện nay lên tới khoảng 1.160 MW với điện năng sản xuất chiếm tỷ trọng chiếm xấp xỉ 0,7% vào năm 2020; phát triển điện sinh khối, đồng phát điện tại các nhà máy đường có tổng công suất khoảng 500 MW với tỷ trọng điện sản xuất khoảng 0,6% vào năm 2020”.

Từ đó để thấy rằng, trong định hướng lâu dài, Đảng và Chính phủ vẫn xác định việc phát triển các dự án thủy điện là một trong những giải pháp đột phá quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, tạo tiền tiền thực hiện chủ trương Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa của Việt Nam. Chính vì vậy, đây có thể xem là một chủ trương lớn, một định hướng lớn mà Đảng và Chính phủ đặt ra cho các dự án thủy điện.

Tuy nhiên, khi mà các dự án thủy điện đang được triển khai theo các quyết định phê duyệt thì một loạt các sự cố như thủy điện Đakrông 3 (Quảng Trị), Sông Tranh 2 (Quảng Nam) gặp sự cố và mới đây nhất là thủy điện Đăk Mek 3 (Kom Tum) vỡ vì một cú va chạm với… xe tải thì vấn đề chất lượng lại đang nổi lên là tử huyệt tại các dự án thủy điện, đặc biệt là khâu khảo sát, thiết kế.

GS.TSKH Phan Văn Quýnh.

Xin viện dẫn cụ thể ở trường hợp sự cố ở Sông Tranh 2. Hiện tượng nứt, gãy, thấm nước ở Sông Tranh 2 theo cách nói của nhiều cơ quan chức năng là sẽ không bị ảnh hưởng và nó vẫn ở mức an toàn. Tuy nhiên, nó có thực sự an toàn như vậy hay không thì có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu được vì thực tế, nói gì thì nói, động đất ở Sông Tranh 2 theo cách nói của GS.TSKH Phan Văn Quýnh là không phải tự nhiên mà được sinh ra trong quá trình tích nước.

Một điểm đáng lưu ý mà GS.TSKH Phan Văn Quýnh chia sẻ với Petrotimes là, trong bản vẽ khảo sát thiết kế cho đập thủy điện Sông Tranh 2, một nhà khoa học đã khẳng định:

“Tôi đã từng xem bản đồ vẽ của một chuyên gia cho Sông tranh 2 nó thể hiện ở vết đứt gãy Bắc Trà My rồi. Tuy nhiên, theo cách lý luận của các bên liên quan thì đứt gãy này nhỏ, không ăn thua nên dự án mới tiếp tục được triển khai, xây dựng. Điều này đúng với nhiều trường hợp, nhưng với Sông Tranh thì khác, đứt gãy này đóng vai trò dẫn nước. Cột nước thấm xuống càng sâu thì áp lực nước càng mạnh. Động đất kích thích ở Sông Tranh 2 là vì thế”- GS.TSKH Phan Văn Quýnh nhấn mạnh.

Bình luận về cái gọi là “không ăn thua” ở Sông Tranh 2, dưới góc độ khoa học, GS.TSKH Phan Văn Quýnh cho rằng, sự cố ở Sông Tranh 2 không chỉ là bài học vô cùng quý giá với những người làm địa chất, làm thủy điện mà nó còn cho thấy một thực tế vốn đã tồn tại từ lâu đó là sự trung thực trong khoa học.

“Khi tôi tham gia khảo sát tìm nguồn nước ở Hà Giang, rất nhiều người cứ can ngăn tôi mãi là đừng khoan nữa. Họ nói vậy vì khoan thì mất tiền, tiền xăng, tiền điện, tiền công… Trong khi với số tiền đó, nếu không khoan nữa hoặc khoan nông thôi thì có thể mang chia cho nhau. Khoa học ở nước ta là như thế, là mập mờ, không rõ ràng.

Chúng ta vẫn cứ nói với nhau là Việt Nam giàu tài nguyên khoáng sản lắm, là rừng vàng, biển bạc nhưng giàu ở đâu, vàng ở đâu thì lại chẳng ai chỉ ra, tất cả chỉ dự đoán, là hình như. Căn cứ nào cho những nhận định đấy, từ các con số ảo của khoa học cả” – GS.TSKH Phan Văn Quýnh chia sẻ.

Một điều nữa đó là vấn đề trách nhiệm của người làm khoa học, ví như thủy điện Sông Tranh 2, rõ ràng vết đứt, gãy đã được chỉ ra, được nói đến nhưng rồi họ vẫn làm, vẫn lờ đi và triển khai. Tại sao lại như vậy? Một đề tài khoa học được phê duyệt 10 tỉ đồng thì cũng bị chia 5, sẻ 7, kinh phí về đến tay người làm khoa học chẳng còn mấy. Như vậy thì lấy tiền đâu để mà làm, mà nghiên cứu chứ, thế là họ dùng con số ảo, kết quả khảo sát ảo. Kết quả khoa học vì thế mà không đúng, không chuẩn xác và cũng thiếu thực tế.

Ngoài ra, giờ cũng có không ít nhà khoa học vì tiền nên cũng gian dối vì cũng có một thực tế, khi chủ đầu tư thuê anh khảo sát địa điểm A nhưng sau khi khảo sát anh bảo phải là địa điểm B là họ sẽ thôi ngay, không thuê nhà khoa học đó nữa. Mà như thế thì làm gì có tiền!

Thanh Ngọc