Trung Quốc bắt đầu hạn chế mua dầu Nga

18:12 | 16/11/2022

2,085 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo nhiều nguồn tin trên sàn giao dịch, trong bối cảnh EU chuẩn bị cấm vận dầu Nga và thái độ ngờ hoặc về chính sách áp trần giá dầu của G7, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đang giảm dần sản lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga cho tháng 12. Quốc gia này cũng đang mua dầu theo hợp đồng tương lai với giá rẻ hơn.
Trung Quốc bắt đầu hạn chế mua dầu Nga

Từ khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga. Tuy nhiên, tình hình thương mại trì trệ đang khiến dầu Nga tồn kho, gây áp lực lên giá sản phẩm. Và sắp tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu dầu thô từ ngày 5/12 và các loại sản phẩm tinh chế dầu mỏ của Nga từ ngày 5/2/2023.

Một công ty giao dịch Trung Quốc cho biết: “Tất nhiên, có nhiều lo ngại và nhầm lẫn về chính sách áp trần giá sắp tới, nhưng chúng tôi nghĩ rằng lô hàng giao trong tháng 12 sẽ không bị ảnh hưởng”.

Các thương nhân cho biết, hiện có khoảng 5-7 lô hàng ESPO Blend giao tháng 12 đã được bán cho người dùng cuối Trung Quốc. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ so với mức trung bình 30 lô hàng dầu thô Nga/tháng.

Vào 2 tuần trước, do tần suất mua bán thấp, giá dầu thô Brent ICE trong hợp đồng tương lai đã giảm đi khoảng 2,70 USD/thùng, tính theo hình thức DES (giao hàng tại tàu). Vào tháng 11, giá giao dịch lô hàng cũng đã giảm đi 2 USD/thùng. Tuy vậy, mức giao dịch hiện nay vẫn cao hơn so với hợp đồng tháng 2/2022, với chênh lệch 1,70 – 1,90 USD/thùng.

Từ những con số trên, một giám đốc điều hành thương mại người Trung Quốc nhận xét: “Mọi thứ hiện đang nằm trong tầm kiểm soát. Vì số lượng giao dịch quá ít, việc tìm hiểu sâu về những điều khoản dịch vụ được quy định trong hợp đồng là việc rất khó”.

Hiện nay, người mua đang đề phòng những tác động có thể xảy ra đối với cơ chế thanh toán, tình trạng có sẵn tàu và bảo hiểm vận chuyển, một khi G7 đưa chính sách áp trần giá dầu đi vào hiệu lực.

Bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết: Việc áp trần giá dầu Nga sẽ có lợi cho Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhiều nhà máy lọc dầu tư nhân đã tìm nguồn cung thay thế từ Brazil và Tây Phi để phòng ngừa nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong tháng 12. Tuy vậy, theo nhiều người mua cho biết họ phải trả giá cao hơn, vì nhu cầu lọc dầu đang tăng cao sau đợt bảo trì theo quy định.

Thật vậy, dữ liệu của công ty tư vấn Zhuochuang cho thấy, vào đầu tháng 11, năng suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu tư nhân đã tăng lên khoảng 64%. Vào hai tháng trước, năng suất chỉ đạt mức 58%.

Một nhà buôn dầu mỏ ở Sơn Đông cũng khẳng định: “Tốt nhất là nên đảm bảo có vài lô hàng, nhằm đề phòng trường hợp không có đủ nguồn cung từ Nga”.

Dầu Urals

Trong khi đó, những nhà máy lọc dầu nhà nước đang hạn chế mua dầu thô Urals giao tháng 12 để tránh nguy cơ bị trừng phạt. Trên thực tế, họ đã tích trữ dầu Urals trong hai tháng qua.

Theo các dịch vụ theo dõi tàu chở dầu Kpler và Vortexa Analytics, vào tháng 10, Trung Quốc nhập từ 235.000 thùng dầu Urals/ngày cho đến 340.000 thùng/ngày. Những công ty nhà nước như Unipec, Zhenhua Oil và Chinaoil đã mua phần lớn trong số đó.

Emma Li - nhà phân tích thuộc Vortexa Analytics cho biết, đó là sản lượng nhập khẩu cao nhất trong hai năm qua. Đồng thời, 85% sản lượng trên là do những công ty nhà nước nhập về. Như vậy, họ nhập gấp 3 lần mức trung bình trong chín tháng đầu của năm 2022.

Hiện các công ty nhà nước đang cân nhắc về rủi ro bị trừng phạt so với nhu cầu đảm bảo nguồn cung để đưa quyết định về việc mua hàng sau ngày 5/12.

Một giám đốc kinh doanh của một công ty dầu mỏ nhà nước cho biết: Giá chiết khấu tại chỗ của những lô hàng này “cần phải đủ cao để bù đắp thiệt hại cho bất kỳ rủi ro đáng kể nào”.

Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc tăng sản lượng trong tháng 10Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc tăng sản lượng trong tháng 10
Mỹ: Áp trần giá dầu Nga sẽ có lợi cho Trung Quốc và Ấn ĐộMỹ: Áp trần giá dầu Nga sẽ có lợi cho Trung Quốc và Ấn Độ
Trung Quốc tăng cường sử dụng than vì an ninh năng lượngTrung Quốc tăng cường sử dụng than vì an ninh năng lượng

Ngọc Duyên

AFP