Trừng phạt Syria: AL chỉ giơ cao đánh khẽ?

09:52 | 29/11/2011

379 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bằng việc ngừng giao dịch với Ngân hàng Trung ương Syria và ngừng đầu tư vào nước này, các nước Arab đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn bị khủng hoảng của Syria. Tuy nhiên, do lo ngại về tác động của các lệnh trừng phạt Syria đối với chính nền kinh tế của nước mình, các nước láng giềng của Syria có thể có những động thái làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt.

Các bộ trưởng thành viên Liên đoàn Arab (AL)

Đôi bên cùng thiệt

Tại cuộc họp ở Cairo ngày 27/11, Liên đoàn Arab (AL) đã thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria với lý do chính phủ nước này vẫn chưa chấm dứt việc đàn áp người biểu tình. Những biện pháp trừng phạt được áp dụng ngay lập tức của AL sẽ gồm: ngừng giao dịch với Ngân hàng Trung ương Syria, đình chỉ trao đổi kinh tế với Chính phủ Syria, cấm các quan chức cấp cao của Syria nhập cảnh các nước Arab và phong tỏa các tài sản liên quan tới chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. AL cũng quyết định ngừng đầu tư vào Syria và dừng các chuyến bay nối các nước Arab với Syria.

Nền kinh tế Syria được cho là sẽ giảm tới 6% trong năm nay. Bất ổn tại nước này đã làm tê liệt ngành du lịch – nguồn thu lớn của Syria, tác động đến đầu tư nước ngoài và thương mại, đồng thời làm giảm dự trữ ngoại tệ của nước này. Tháng 9 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo các lệnh trừng phạt nhằm vào toàn bộ ngành dầu thô của Syria.

Mặc dù thông báo ngày 27/11 của AL không đề cập tới việc cấm vận hoàn toàn thương mại đối với Syria (các ngoại trưởng AL nói rõ rằng họ muốn tránh các biện pháp có thể gây phương hại tới dân thường Syria), song chuyên gia Chris Phillips của đơn vị Thông tin Tình báo Kinh tế nhận định: "Việc tẩy chay Ngân hàng Trung ương Syria sẽ khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu trở nên rất khó khăn đối với các thương nhân Syria”. Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm rằng khó có thể thấy Lebanon hay Iraq sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Syria.

Lebanon, nước có các mối quan hệ chính trị và thương mại gần gũi với Syria, đã bỏ phiếu phản đối các biện pháp trừng phạt đó. Iraq cũng vậy. Trước khi diễn ra cuộc họp của AL, Baghdad đã tuyên bố sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Syria. Thứ trưởng Ngoại giao Iraq Labeed Abbawi nói: "Iraq vẫn giữ nguyên quyết định của mình. Theo chúng tôi, các biện pháp trừng phạt… sẽ làm tổn hại tới lợi ích của chính đất nước và người dân Iraq vì chúng tôi có một cộng đồng lớn đang sinh sống tại Syria”.

Trong khi đó, Lebanon đã phát đi những thông điệp trái chiều về việc nước này có tham gia trừng phạt Syria hay không. Tuần trước, Ngoại trưởng Lebanon Adnan Mansour cho biết Beirust sẽ không áp dụng các biện pháp chống Syria, thế nhưng Thủ tướng Lebanon Najib Mikati ngày 24/11 cho biết Chính phủ của ông sẽ thực thi quyết định của AL.

Theo chuyên gia Phillips, việc Syria xuất khẩu 25% hàng hóa sang Iraq và nhập khẩu 30% hàng hóa từ Lebanon cho thấy hoạt động kinh tế của các nước này liên quan chặt chẽ với nhau đến mức nào. Ông Phillips nói: "Lebanon rất ghét phải đóng cửa biên giới với Syria. Còn Iraq chắc chắn được lợi từ mối quan hệ với Syria và họ không muốn áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào”.

Sẽ chỉ mang tính biểu tượng

Trong khi đó, một chủ ngân hàng tại Jordan có chi nhánh ở Syria cho rằng một số nước Arab sẽ thực thi việc trừng phạt Syria một cách chậm chạp. Ông này nói: "Nếu tất cả các nước đều tuyên bố đang có những cân nhắc đặc biệt thì tôi cho rằng quyết định trừng phạt của AL sẽ mang tính biểu tượng hơn là thực tế. Các nước sẽ cố tìm cách không phải trừng phạt Syria. Đây sẽ là giải pháp từng bước một, nhưng rõ ràng sẽ có tác động tiêu cực tới cả nền kinh tế Syria và Jordan”.

Một quan chức Jordan cho biết thiệt hại về kinh tế là cái giá phải trả cho việc tăng cường gây sức ép với ông Assad. Ông nói: "Chắc chắn sẽ có những thiệt hại về kinh tế trong thời gian ngắn hạn và một số nhà xuất, nhập khẩu của Jordan sẽ bị thiệt hại khi cắt đứt quan hệ với Syria”.

Kiến Văn (Reuters)