Triều Tiên "đục" lối sang châu Âu

11:00 | 08/09/2014

1,850 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lần đầu tiên trong 20 năm qua, CHDCND Triều Tiên quyết định phá thế cô lập bằng cách “đục một lối thoát” sang châu Âu.

Ông Kang Sok Ju (phải), bắt tay đại sứ Đức ở Triều Tiên Thomas Schaefer tại sân bay Bình Nhưỡng, trước khi sang thăm Bỉ, Thụy Sĩ, Đức và Ý

Từ ngày 6/9/2014, Kang Sok Ju, Bí thư Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, chuyên trách các vấn đề đối ngoại, lần lượt ghé thăm các nước Bỉ, Thụy Sĩ, Ý và Đức.

Lý do của chuyến công du này hoàn toàn dễ hiểu: Chính phủ Triều Tiên đang cố gắng tìm cách thoát ra khỏi sự cô lập về ngoại giao-kinh tế, và thử tìm kiếm những đối tác mới ở châu Âu.

Trong suốt 20 năm qua, đối tác ngoại giao chính của Triều Tiên là ba quốc gia - Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc. Chính thức mà nói thì Hàn Quốc và Mỹ bị coi là kẻ thù, còn Trung Quốc là đồng minh. Chính sách của Bình Những đối với cả ba nước trên đều phục vụ những nhiệm vụ giống nhau. Thứ nhất, đảm bảo an ninh của đất nước; thứ hai, tìm kiếm sự hỗ trợ về kinh tế. Tuy nhiên, gần đây ngoại giao Triều Tiên đã vấp phải những vấn đề nghiêm trọng với cả ba quốc gia này.

Triều Tiên tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ, và bất kể những lời lẽ thù địch trên báo chí trong nước, Bình Nhưỡng tiếp tục duy trì liên hệ phi chính thức với Washington. Tuy nhiên, thực tế hầu như tuyệt nhiên không có cơ may nào là Mỹ sẽ thay đổi thái độ hết sức tiêu cực đối với Triều Tiên. Lập trường của Washington rất dứt khoát: điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ với Triều Tiên phải là sự từ chối của Bình Nhưỡng với chương trình vũ khí hạt nhân. Đây là điều tuyệt đối không thể chấp nhận được với Bình Những.

Quan hệ với Hàn Quốc đã xấu đi ngay từ năm 2008, sau khi chính quyền Seoul thuộc về lực lượng cánh hữu bảo thủ do Tổng thống Lee Myung-bak đứng đầu. Đã từng có hy vọng rằng đến thời Tổng thống Park Geun Hye thì quan hệ giữa hai nước sẽ bình thường, nhưng có vẻ những mong đợi ấy không được đáp ứng. Bình Nhưỡng hoặc là không muốn, hoặc là không thể thiết lập liên hệ kinh tế tích cực với Hàn Quốc.

Quan hệ của Triều Tiên với Trung Quốc gần đây đã trở nên kém thân thiện so với trước. Sự kiện đáng chú ý là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới bán đảo Triều Tiên, đã đến Seoul chứ không thăm Bình Nhưỡng.

Trong bối cảnh đó, điều hoàn toàn tự nhiên khi Bình Nhưỡng cố gắng tìm kiếm những đối tác và nhà tài trợ mới. Triều Tiên gần đây đã cố gắng cải thiện quan hệ với Nga. Nhưng bây giờ do cuộc khủng hoảng ở Ukraina và quan hệ Nga-phương Tây xấu đi, nên Moskva khó dành quan tâm đầy đủ cho Triều Tiên. Hiểu ra điều đó, Bình Nhưỡng quyết định xây dựng cây cầu nối tới các nước châu Âu.

Hiện thời khó có thể đánh giá được những cố gắng của Bình Nhưỡng sẽ thành công đến đâu. Các lãnh đạo châu Âu có vẻ ít định kiến hơn so với lãnh đạo Mỹ hay Hàn Quốc đối với Triều Tiên, nhưng vấn đề hạt nhân cũng như bản chất chính sách nội bộ của Bình Nhưỡng có thể là trở ngại nghiêm trọng đối với việc cải thiện quan hệ giữa Triều Tiên và các nước Liên minh châu Âu. Ngoài ra, thực trạng kinh tế gần đây ở châu Âu đã tồi tệ đi khiến châu lục này không thể hào phóng mở hầu bao cho ai. Cuối cùng, khoảng cách địa lý của Triều Tiên với châu Âu cũng như thiếu vắng những lợi ích kinh tế tương hỗ cũng là vấn đề chẳng giản đơn.

Dù sao, Bình Nhưỡng cũng đã quyết định cố thúc đẩy quan hệ với châu Âu. Không tùy thuộc vào kết quả cụ thể sẽ ra sao, có thể xem bản thân nỗ lực của CHDCND Triều Tiên để tích cực hóa mối tương tác của họ với thế giới bên ngoài như là một động lực mới trong tiến trình làm lành mạnh tình hình xung quanh bán đảo Triều Tiên.

Th.Long

tổng hợp