Trẻ em trong cuộc mưu sinh

11:55 | 11/12/2011

732 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi hàng triệu trẻ em được ăn no, mặc ấm, được đến trường thì vẫn còn đó những trẻ hằng ngày lam lũ khắp đầu đường xó chợ trong cuộc mưu sinh. Hình ảnh các em nhỏ lem luốc, vạ vật ăn xin nơi các giao lộ, đi bán vé số, đi nhặt rác hay vắt kiệt sức nơi các xưởng may, các lò gạch… là những cảnh vẫn diễn ra hằng ngày ở nhiều nơi.

Trẻ đi bán vé số để mưu sinh.

Công cụ kiếm tiền

Ở quận Tân Phú, quận Bình Tân, TP HCM từ nhiều năm nay vẫn phổ biến tình trạng sử dụng lao động trẻ em trong các cơ sở may gia công. Các cơ sở này tận dụng lao động trẻ em để giảm tiền thuê lao động nhằm kiếm lời. Hầu hết các em xuất thân trong những gia đình nông dân nghèo được cha mẹ đồng ý để theo những người chủ vào TP HCM làm may gia công và được nhận lương từ 4 – 10 triệu đồng/năm tùy theo công việc cắt chỉ, may, thêu… Chính vì vậy, các em ăn ở, sinh hoạt trong các cơ sở may như người ở đợ để trừ nợ, mọi giờ giấc sinh hoạt, ngủ nghỉ đều phụ thuộc vào gia đình chủ.

Hơn 11 giờ trưa chúng tôi có mặt tại một cơ sở may gia công ở số 482/4 Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, nhìn vào căn nhà chật hẹp, rộng chừng 2 mét nằm lọt thỏm vào những căn nhà khác, tối om và bừa bộn vải vụn, có hai bé trai cặm cụi bên bàn may. Hằng giờ trôi qua mà chẳng thấy các em ngơi nghỉ. Cách cơ sở trên chỉ vài trăm mét là một cơ sở may khác cũng lụp xụp, không tên tuổi, có khoảng 5 em nhỏ làm việc, người ngồi ghế may, người vạ vật dưới nền nhà miệt mài cắt chỉ. Thế giới của các em dường như chỉ quanh quẩn trong căn nhà chật hẹp làm cơ sở may, ngoài ăn uống, ngủ nghỉ là làm việc, cả ngày chẳng thấy các em ra khỏi nhà.

Một cơ sở may gia công ở quận Tân Phú sử dụng lao động trẻ em.

Dạo một vòng quanh khu vực này chúng tôi phát hiện gần chục cơ sở may gia công như vậy, mỗi nơi có khoảng 3 – 5 em nhỏ làm việc. Hỏi ra mới biết khu này chuyên làm may gia công, việc sử dụng lao động trẻ em từ xưa đến nay vẫn rất phổ biến.

Vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện một cơ sở may gia công sử dụng lao động trẻ em, bóc lột, hành hạ dã man đến độ các em phải bỏ trốn để kêu cứu. Đó là cơ sở may của bà Nguyễn Thị N., ở quận Tân Bình. Bà N. quê ở Bắc Giang vào TP HCM thuê nhà làm cơ sở may gia công.

Để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ kiếm lời, bà về quê thuê 4 trẻ ở quê mình vào may gia công với giá 4 – 4,5 triệu đồng/em với thời gian làm việc 2 năm. Các em phải làm việc 15 giờ mỗi ngày (từ 8 – 23 giờ), những hôm đơn hàng nhiều các em phải làm đến gần sáng mới được nghỉ ngơi. Ngoài phải làm việc cật lực các em còn phải làm các công việc lau nhà, rửa chén, dọn dẹp nhà cửa cho nhà chủ, bị đối xử tàn bạo, hành hạ dã man mỗi khi làm sai sót. Quá sợ hãi nên các em cùng nhau bỏ trốn và được người dân giúp đỡ trình báo cơ quan chức năng.

Bên cạnh những trẻ em vất vả ngày đêm làm việc trong các cơ sở may, da giày, bãi rác… thì tình trạng chăn dắt trẻ để đi ăn xin, bán vé số, biến trẻ em thành công cụ kiếm tiền vẫn là vấn đề nhức nhối. Các cơ quan chức năng từng phá hàng loạt đường dây chăn dắt trẻ đi ăn xin, bán vé số để kiếm tiền. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn ngang nhiên diễn ra và ngày càng tinh vi.

Các em níu kéo người đi đường mua vé số.

Tại các giao lộ vẫn thường xuyên diễn ra cảnh những đứa trẻ chỉ năm, ba tuổi đi chân trần trên đường nhựa giữa trời nắng chang chang níu kéo, xin tiền của những người dừng xe lúc đèn đỏ… Hay vào những lúc trời mưa, ở giao lộ Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi, quận 1 thường có mấy đứa trẻ ngồi ở vỉa hè giữa mưa mong chờ sự thương xót của người đi đường.

Các em phải bước vào đời sớm, bị tước quyền được nuôi dưỡng, được học hành, được vui chơi. Tương lai của các em cũng mờ mịt phía trước bởi tuổi thơ không được học hành và bị bóc lột, bị vắt kiệt sức. Điều đó, không chỉ làm làm tổn hại đến sức khỏe, thể chất, tinh thần mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành lối sống, đạo đức, nhân phẩm của các em.

Tương lai về đâu

Việc sử dụng lao động trẻ em vẫn trong tình trạng đáng báo động, TP HCM có 1,8 triệu trẻ em, trong đó có hơn 1.450 trẻ phải lang thang kiếm sống, 600 trẻ làm việc tại các cơ sở tư nhân và hộ nhỏ lẻ, thu nhập bình quân chỉ khoảng 500 ngàn đồng/tháng. Với thu nhập ít ỏi nhưng chỉ 41% trẻ được nhận lương. Hầu hết các chủ thuê trả cho gia đình các em một khoản tiền rồi các em phải đi làm để trừ khoản tiền đó.

Trẻ làm nghề đánh giầy để kiếm sống.

Theo bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM: Các cơ sở sử dụng lao động trẻ em thường là các cơ sở nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh nên rất khó kiểm soát. Khi xảy ra tình trạng sử dụng lao động trẻ em các cơ quan chức năng thường khó can thiệp kịp thời bởi hơn 90% các em là ở các tỉnh, thành khác đến phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình chủ, người chăn dắt, các em làm việc mà không được đóng bảo hiểm xã hội, thậm chí không được trả lương, không được bất cứ các chế độ lao động nào theo luật định. Đồng thời, do các em còn nhỏ và phải bỏ học sớm, nhận thức thấp nên khi bị lạm dụng, bị xâm hại cũng không biết kêu ai, không biết quyền lợi của mình như thế nào.

Khảo sát của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM cho thấy, trẻ em làm việc trong các ngành may mặc, dệt, da giày, chế biến thủy sản… có thời gian làm việc 8-9 giờ/ngày, thậm chí là 12 giờ/ngày nếu vào vụ sản xuất, Lễ, Tết nhưng thu nhập bình quân của các em chỉ khoảng 500.000 đồng/tháng. Với nhóm trẻ làm thuê từ 6-10 tuổi thu nhập chỉ bằng phần nhỏ so với người lớn; nhóm trẻ từ 11-14 tuổi thu nhập bằng nửa người lớn…

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây không phải là những khoản tiền ít ỏi không xứng với công sức của các em bỏ ra mà điều quan trọng hơn là các em bị lao động quá sức, bị chôn vùi những năm tháng tuổi thơ trong sự lao động vất vả, nhọc nhằn, thiếu sự giáo dục. Chỉ vì nghèo đói, vì sự vô tâm của người lớn mà đẩy các em vào đời sớm, tự mình đối mặt với những cạm bẫy trong cuộc sống. Có em phải đi ăn xin, bị những kẻ chăn dắt lôi kéo vào trò lừa lọc, được dạy phải biết chai lì, biết bỏ đi lòng tự trọng để xin được tiền.

Người phụ nữ (đứng) dẫn đám trẻ đi bán vé số ở cây xăng trên đường Lý Thái Tổ, Q 10.

Những việc đó không chỉ làm cho các em vất vả, lam lũ, cực nhọc nhất thời, rồi sau này các em sẽ lớn lên, sẽ trưởng thành những năm tháng hôm nay sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến cuộc đời của các em mai sau. Các em sẽ trở thành người như thế nào khi không được giáo dục mà chỉ được dạy cách chai lì và những trò lừa lọc (?!).

Mai Phương