Trẻ em bị xâm hại ngày càng nhiều: Sự xuống cấp đạo đức ghê gớm

14:14 | 05/01/2012

1,726 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
GS.VS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TNTN&NĐ của Quốc hội bày tỏ lo ngại khi thực trạng bạo lực, XHTE đang diễn biến phức tạp, với hình thức và đối tượng đa dạng, mức độ và tính chất phạm tội ngày càng nghiêm trọng, đến mức đáng báo động về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư trong xã hội.

Chỉ riêng năm 2011, cả nước đã phát hiện 1.386 vụ xâm hại trẻ em (XHTE) với 1.397 nạn nhân, tăng 1,8% so với năm 2010, trong đó, 51 vụ giết trẻ em, 427 vụ hiếp dâm, 248 vụ giao cấu và 128 vụ cố ý gây thương tích với trẻ, chưa kể các vụ mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt, cưỡng dâm v.v… Con số này do Bộ Công an đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy hợp tác liên ngành phòng chống XHTE ở Việt Nam” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VH, GD, TNTN&NĐ) của Quốc hội phối hợp với Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, UNICEF và Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, đủ gióng lên lời cảnh báo về công tác bảo vệ trẻ em.

GS.VS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TNTN&NĐ của Quốc hội bày tỏ lo ngại khi thực trạng bạo lực, XHTE đang diễn biến phức tạp, với hình thức và đối tượng đa dạng, mức độ và tính chất phạm tội ngày càng nghiêm trọng, đến mức đáng báo động về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư trong xã hội. Các vụ ngược đãi, bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em… ít được cộng đồng chủ động phát hiện, trình báo với các cơ quan chức năng, mà phần nhiều là do các phương tiện truyền tin phát hiện và tố giác. Bởi vậy, những vụ việc bạo lực, XHTE bị phát hiện chỉ là một phần nhỏ so với thực tế.

Cháu Hào Anh bị chủ đánh đập gây thương tích gần 70% khiến dư luận xôn xao

Đại tá Nguyễn Chí Việt, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) nêu đích danh một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng về XHTE đã xảy ra như vụ cháu Hào Anh (Cà Mau) bị đánh đập thương tích gần 70%, vụ bé Như Ý, 9 tháng tuổi, bị mẹ ruột và cha dượng hành hạ dã man, vụ cháu Bùi Xuân Thuận (Hải Phòng) bị bố đẻ ngược đãi hay vụ bố hiếp dâm con gái gần 2 năm ở Thừa Thiên – Huế… Theo số liệu của Cục Thống kê tội phạm Viện KSNDTC, từ năm 2007 đến tháng 6/2011, chỉ riêng nhóm tội xâm hại tình dục trẻ em và mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em, Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố điều tra 5.502 vụ. Viện KSND các cấp đã truy tố 4.720 vụ và TAND các cấp đã đưa ra xét xử 4.570 vụ, trong đó nhiều vụ có mức án cao. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử trong những năm qua của Viện KSNDTC đã cho thấy, các vụ án có bị hại là trẻ em ngày càng gia tăng, chủ yếu là tội giết người, cố ý gây thương tích, tội hành hạ người khác; hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu hay dâm ô đối với trẻ em; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em; bắt cóc; bức tử; loạn luân; ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu… Hậu quả của tội phạm gây ra rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần và thể chất của trẻ em và có nhiều hệ lụy đau lòng, làm cho các em bị rối loạn nhân cách, sang chấn tâm lý, mất niềm tin vào cuộc sống, thậm chí có trường hợp đã tự sát.

Từ thực tế xét xử những năm qua, vị đại diện TANDTC cũng chỉ ra: hành vi XHTE đôi khi ngang nhiên, trắng trợn, tinh vi, xảo quyệt, có trường hợp những kẻ phạm tội còn tranh thủ vị trí xã hội của một số đối tượng tham gia, lợi dụng kẽ hở trong chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện tội phạm. Số lượng các vụ án XHTE chiếm tỉ lệ không lớn trong tổng số các vụ án hình sự đã được xét xử, nhưng hậu quả phi vật chất lại đặc biệt lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình TTATXH, đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục của dân tộc và tạo dư luận xấu, tác động nghiêm trọng và trực tiếp đến các chính sách xã hội.

Ông Đặng Hoa Nam, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), đưa ra điều đáng lo ngại: phần lớn đối tượng xâm hại chủ yếu là người thân quen như bố dượng, anh em trong gia đình, hàng xóm… nên thường bị bưng bít, khiến việc xử lý rất khó khăn, khi chính gia đình người bị hại thiếu hợp tác, làm cho số vụ được phát hiện, xử lý nhỏ hơn nhiều so với thực tế. Đại diện TANDTC cho biết, chính vì thế nhiều vụ án không xử lý hình sự được, phải chuyển sang xử lý hành chính, thậm chí phải đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra.

Theo bà Vân Anh, đại diện Bộ Tư pháp thì trước thực trạng ngày càng gia tăng các hành vi XHTE bằng nhiều hình thức khác nhau, những quy định hiện hành của Bộ Luật hình sự đã thể hiện một số hạn chế, bất cập và dường như là chưa đủ để trừng trị những hành vi xâm hại người chưa thành niên. Nạn nhân của hành vi bạo lực, xâm hại còn phải kể tới đối tượng là người chưa thành niên và trẻ em vi phạm pháp luật. Trong quá trình tố tụng, không thể khẳng định rằng, người chưa thành niên hoặc trẻ em vi phạm pháp luật không bị xâm hại hoặc bị bạo lực. Do vậy, để bảo vệ các em khỏi các hành vi bạo lực, xâm hại thì việc nghiên cứu xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên, trong đó quy định một cách cụ thể, chi tiết về thủ tục điều tra, truy tố, xét xử riêng biệt đối với trẻ em là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, định nghĩa về xâm hại tình dục trẻ em còn hẹp, như việc người lớn xem tranh ảnh, xem phim, có hành động xấu trước mặt trẻ gây ra kích dục với trẻ, lại chưa coi là hành vi dâm ô đối với trẻ em… Một số quy định còn chung chung, tạo ra khung hình phạt quá rộng (10 năm đến tù chung thân) và chưa được hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, mức hình phạt với một số tội XHTE còn nhẹ so với tính chất, mức độ nguy hiểm của nó, nên chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Chúng ta chưa có hệ thống cơ quan đấu tranh phòng, chống các tội phạm XHTE độc lập như nhiều nước, nên các vụ án XHTE chưa giải quyết những vấn đề căn nguyên trẻ bị xâm hại, cũng chưa tính đến vấn đề tái hòa nhập, bảo vệ trẻ em khỏi những tác động sau vụ án… đề phòng hành vi XHTE.

Để bảo vệ trẻ em, có sự thống nhất cao khi đề xuất: với người bị hại là trẻ em, đặc biệt là trẻ không gia đình, cần được hỗ trợ về tham vấn, chăm sóc y tế, pháp lý, tâm lý… Việc lấy lời khai người bị hại là trẻ em phải tiến hành trong môi trường thân thiện và không cho nạn nhân là trẻ em của các tội phạm tình dục, bạo lực tham gia các cuộc đối chất với bị can, bị cáo.

Một vấn đề được nhiều chuyên gia đặc biệt quan tâm là phải chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần khi trẻ bị xâm hại. Trong đó, vai trò của ngành y tế các cấp là rất quan trọng. PGS.TS Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, hiện các cơ sở y tế chưa có nhóm chuyên biệt về chăm sóc trẻ em bị xâm hại, chưa chú ý sàng lọc xâm hại trong công việc hàng ngày cũng như chưa chú trọng đánh giá và điều trị tổn thương tâm lý, phòng tránh xâm hại. Do đó, cần khắc phục tình trạng này cũng như phải có sự kết nối giữa các cơ sở y tế với nhau và với hệ thống bảo vệ trẻ em và cần thiết phải xây dựng quy trình chăm sóc và bảo vệ trẻ em khi bị xâm hại.

Hiện nay, dịch vụ dành cho trẻ em và gia đình mới chú ý vào các biện pháp phòng ngừa chung, hầu hết là hỗ trợ vật chất và tài chính, với hình thức tình nguyện chứ không phải can thiệp chính thống. Vì thế, cần xây dựng một luật toàn diện về bảo vệ trẻ em, từ giai đoạn phòng ngừa đến xử lý việc bạo hành trẻ em, như bổ sung tội danh liên quan đến việc sử dụng trẻ em trong sản xuất các tài liệu, sách báo, phim ảnh khiêu dâm, có tính chất đồi trụy hoặc xúi giục, ép buộc các em tham gia các cuộc biểu diễn khiêu dâm, tội phạm liên quan đến vấn đề cưỡng bức, bóc lột lao động trẻ em v.v…

GS.VS Đào Trọng Thi mong muốn, những hạn chế, bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành và trong việc thực thi nhiệm vụ của các bộ ngành, chính quyền các địa phương trong công tác phòng chống XHTE và các giải pháp đề xuất sẽ được kiến nghị với Quốc hội điều chỉnh chính sách, pháp luật khi sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vào năm 2013.

Thanh Hằng