Tranh giành cả những kho báu chìm

07:00 | 02/03/2015

1,642 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có thể nói đây không chỉ là những cuộc săn lùng kho báu vô tiền khoáng hậu mà còn là các vụ tranh giành nhốn nháo nhất lịch sử truy tìm kho báo thế giới…

Năng lượng Mới số 400

Từ một tài liệu cổ

Trận bão kinh hoàng bắt đầu từ ngày 19/2/1694 đã khiến thủy thủ con tàu chiến HMS Sussex của Anh chống chọi trong bất lực; và cuối cùng, ngày 1/3/1694, con tàu đắm, mang theo 560 người cùng 10 tấn vàng và 100 tấn bạc. Suốt 6 năm ròng, Tây Ban Nha cùng chính quyền tự trị Andalucia (thuộc Tây Ban Nha) đã cãi nhau như mổ bò với Anh để giành quyền khai thác kho tàng HMS Sussex. Là chiếc tàu chiến với 80 đại bác, HMS Sussex (47,8m) được hạ thủy tại cầu cảng Chatham ngày 11/4/1693 và được xem là niềm tự hào của Hải quân Hoàng gia Anh một thời lẫy lừng. Dưới sự chỉ huy của Đô đốc Francis Wheeler, HMS Sussex khởi hành từ Portsmouth ngày 27/12/1693 trong chuyến hải hành hộ tống 48 con tàu chiến khác cùng 166 tàu buôn đến Địa Trung Hải.

Sứ mạng đoàn tàu là hối lộ. Người nhận sẽ là Công tước Amadeus II, thủ lĩnh vùng Savoy (Tây Bắc Ý). Mục đích phi vụ chính trị đặc biệt là thuyết phục vị công tước tấn công biên giới phía nam nước Ý lúc đó đang được quân của vua Pháp Louis XIV trấn thủ. Tham gia cuộc đại chiến châu Âu này (1688-1697; còn được gọi là “Cuộc chiến 9 năm”), vua Anh William III và đồng minh đang bị thất thế. Sau chặng dừng ngắn tại Cadiz (Tây Ban Nha), đoàn tàu HMS Sussex bắt đầu đi vào Địa Trung Hải. Bất ngờ trận bão lớn xuất hiện. Sau vài ngày vật lộn trong tuyệt vọng trước cơn thịnh nộ thiên nhiên, HMS Sussex cùng 12 tàu khác bị đắm với tổng thiệt mạng hơn 1.200 người (1 năm sau, Anh lại định chuyển tiền đến Savoy nhưng đã quá muộn; Công tước Amadeus II lúc này trở mặt quay sang ủng hộ Pháp)...

Tàu thám hiểm Odyssey

Chuyện xảy ra quá lâu và có lẽ mãi chìm vào quá khứ nếu một nhà nghiên cứu Ý không xuất hiện. Theo Der Spiegel, năm 1995, với lá thư ngoại giao vàng ố (miêu tả vụ đắm HMS Sussex) tìm được trong kho tư liệu, nhà nghiên cứu Ý (nguồn Der Spiegel không nêu tên) tìm gặp Greg Stemm thuộc công ty Odyssey Marine Exploration tại Tampa (Florida, Mỹ). Thời điểm đó, Odyssey gần như vô danh, dù họ trang bị nhiều thiết bị hiện đại cho kỹ thuật săn lùng kho tàng trong lòng biển. Săn lùng kho báu là đam mê không thể cưỡng của Stemm. Sau khi tốt nghiệp đại học, Stemm làm nhân viên PR (quan hệ đối ngoại) cho diễn viên hài nổi tiếng Bob Hope và sau đó lập công ty quảng cáo tại Florida.

Là thành viên sáng lập Tổ chức doanh nghiệp trẻ Hoa Kỳ, Stemm có cơ hội gặp nhiều nhà điều hành trẻ tài năng như Phó chủ tịch Ted Leonsis của AOL (nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất Mỹ) hoặc Michael Dell thuộc Hãng máy tính Dell Computer (tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kêu gọi hùn vốn sau này). Bản tính mạo hiểm và phiêu lưu luôn sôi sục trong tim doanh nhân Stemm. Năm 1987, Stemm mua một chiếc tàu nghiên cứu từ một trường đại học và bắt đầu trang bị hệ thống thăm dò lòng biển, dù lúc đó anh gần như không có kiến thức gì về hàng hải. Thế rồi cùng John Morris (chuyên gia kỹ thuật hàng hải), Stemm thành lập Odyssey. Từ đó, Stemm lục lại tài liệu cũ để dò tìm kho báu đại dương. Và cơ duyên đã đưa nhà nghiên cứu Ý đến với anh. Từ lá thư thế kỷ XVII, Stemm thuê nhóm nghiên cứu chuyên nghiệp và kinh nghiệm từ Anh, Mỹ, Pháp và Hà Lan để cùng đào bới tất cả tư liệu liên quan HMS Sussex. Bản thân Stemm cũng mất nhiều tuần liền đọc tài liệu trong loạt thư viện và thư khố London.

Bản hợp đồng có một không hai

Trong thế giới nhỏ của giới săn lùng kho báu, thông tin luôn truyền cực nhanh. Chậm một bước, tất cả sẽ đổ sông đổ biển khi bị đối thủ phỗng tay trên. Do đó, Stemm vội vàng liên lạc Chính phủ Anh để xin cấp phép độc quyền. Thoạt đầu, Chính phủ Anh không ủng hộ. Họ yêu cầu Stemm cung cấp thêm bằng chứng thuyết phục cũng như chỉ rõ vị trí đắm HMS Sussex. Thế là Stemm tiếp tục ngày đêm lênh đênh sóng biển rồi lại trở về gặp Geoff Hoon (lúc đó là sếp Bộ Quốc phòng Anh, nơi về lý thuyết vẫn sở hữu HMS Sussex). Tháng 9/2002, thỏa thuận giữa Odyssey và Chính phủ Anh được ký, cho phép Odyssey trục vớt kho tàng HMS Sussex và phân chia theo tỷ lệ nhất định (Odyssey hưởng 80% nếu số vàng vớt được trị giá 45 triệu USD; 50% nếu từ 45 triệu USD đến 500 triệu USD; 40% nếu từ 500 triệu USD trở lên - như vậy Odyssey có thể thu được 2 tỉ USD nếu số vàng trị giá 5,3 tỉ USD như dự báo!).

Quan trọng nhất, thỏa thuận nêu rằng trong thời hạn 20 năm, Hải quân Hoàng gia Anh không cho phép bất kỳ ai trừ Odyssey có quyền mon men đến HMS Sussex. Đây là lần đầu tiên mà một chính phủ ký thỏa thuận với một công ty tư nhân trong hợp đồng trục vớt và khai thác tàu cổ. Thỏa thuận cũng đi đến việc thành lập Ủy ban điều hành khảo cổ HMS Sussex (SAE) với số thành viên Chính phủ Anh và Odyssey bằng nhau. Tin đồn lan nhanh như sao xẹt. Có người nói kho báu trị giá vài trăm triệu đôla nhưng cũng có kẻ khẳng định kho tàng HMS Sussex lên đến 4 tỉ euro - nhiều hơn so với số tài sản trị giá 1 tỉ USD vớt được từ con tàu hơi nước Central America năm 1991. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu hăm hở bỏ tiền vào dự án HMS Sussex với số tiền hùn lên đến 5 triệu USD, thu hút nhiều đối tượng trong đó có Mel Fisher, người từng kích thích cơn sốt săn lùng xác tàu cổ khi phát hiện một con tàu Tây Ban Nha với 300.000 đồng xu bạc hồi năm 1985.

Việc tìm HMS Sussex không đơn giản. Thiết bị định vị bằng kỹ thuật siêu âm trị giá 250.000USD chỉ cung cấp hình ảnh tốt khi nó được giữ ổn định ở khoảng cách 20-40m tính từ đáy biển. Bởi độ sâu lòng biển chênh lệch 300-900m, nhóm dò tìm Odyssey phải liên tục điều chỉnh tốc độ tàu dò cũng như độ dài dây cáp. Trong vài trường hợp, Odyssey phải thả tàu ngầm không người lái (ROV) trị giá 3 triệu USD để giúp dò tìm cũng như giám sát độ dài an toàn và hợp lý của dây cáp. Từ năm 1998, kế hoạch tìm kiếm HMS Sussex được triển khai và người ta xác định được vị trí đắm của nó ngoài khơi Andalucia (nam Tây Ban Nha) ở độ sâu 1.000m.

Trong quá trình dò tìm, Odyssey cũng định vị được 418 vị trí của nhiều con tàu cổ (trong đó có con tàu Melkarth từ thế kỷ III-V TCN), những con tàu thuộc Thế chiến thứ II và cả tàu chiến La Mã (năm 2003, Odyssey xác định được vị trí con tàu hơi nước SS Republic của Mỹ - bị đắm năm 1865 - ngoài khơi Georgia với số tiền vàng trị giá 75 triệu USD). Thế rồi, ngày kia, ROV vớt được một khẩu đại bác. Một nhà khảo cổ và một chuyên gia thuộc Bộ Quốc phòng Anh được mời khảo sát đã kết luận nó chính là khẩu súng từng đặt trên HMS Sussex...

Còn nhiều kho báu khác…

Đúng lúc này, Madrid bắt đầu làm khó. Họ nói rằng Anh không có tư cách ở vùng biển Tây Ban Nha mà không hỏi qua lấy một tiếng. Khi báo chí Anh dè bỉu, báo chí Tây Ban Nha nổi sùng nói rằng Anh “đang tuyên chiến”, rằng Tây Ban Nha còn chưa nguôi mối nhục đại bại tại trận Trafalgar năm 1805, khi tàu chiến Anh nghiền nát như cám hải đoàn Pháp - Tây Ban Nha. Để thị uy, Madrid yêu cầu Odyssey lập tức ngưng kế hoạch trục vớt HMS Sussex. Cùng lúc, Chính quyền khu tự trị Andalusia (thuộc Tây Ban Nha) cũng đưa ra quyết định tương tự khi cho rằng, Odyssey “đang tàn phá di sản của chúng tôi”. Cuối năm 2005, khi Stemm trở lại khu vực, 25 chiếc thuyền với những người phản đối đã vây kín chiếc tàu của anh.

Cuối cùng, sau nhiều lần thương lượng, trong cuộc gặp tháng 2/2006 tại Madrid giữa Chính phủ Tây Ban Nha, chính quyền Andalucia và Chính phủ Anh, Odyssey đồng ý giải pháp đệ trình toàn bộ kế hoạch dò tìm cho Madrid với những cam kết đặc biệt theo đúng yêu cầu mà Tây Ban Nha đòi hỏi. Có lẽ thông tin về số tài sản khổng lồ từ HMS Sussex là lý do khiến Tây Ban Nha thực hiện cuộc chiến pháp lý liên quan HMS Sussex. Năm 1985, họ từng bình chân như vại khi Mel Fisher tìm được chiếc tàu cổ Atocha (Tây Ban Nha) bị đắm năm 1622 ngoài khơi Florida và vớt được số tiền xu trị giá khoảng 400 triệu USD! Điều đáng nói nhất ở chỗ, cho đến nay, kho báu HMS Sussex vẫn chưa được trục vớt hoàn toàn để có thể thấy được giá trị thực của nó! Trong khi đó, các cuộc hỗn chiến khác lại bắt đầu…

Năm 2008, trong khi vấn đề “tranh chấp chủ quyền” quanh vụ khai thác kho báu HMS Sussex chưa ngã ngũ, Odyssey lại đấu đá với Tây Ban Nha khi họ thực hiện kế hoạch trục vớt khác trong dự án được đặt tên “Thiên nga đen”. Vụ việc bắt đầu ỏm tỏi khi Odyssey phát hiện một kho báu từ xác một tàu đắm và vớt được 17 tấn tiền xu vàng - bạc cùng nhiều cổ vật mà giới chuyên gia ước tính trị giá tổng cộng khoảng 500 triệu USD. Vấn đề ở chỗ, Odyssey chỉ cung cấp rất ít thông tin liên quan con tàu đắm và lặng lẽ chuyển kho báu về một nhà kho ở Tampa (Florida). Họ chỉ hé lộ rằng con tàu trên thuộc thế kỷ XIX, rằng xác tàu được phát hiện cách eo Gibraltar 100 dặm về phía tây, rằng nó nằm ở độ sâu khoảng 1.100m ở hải phận quốc tế. Sự úp úp mở mở của Odyssey khiến Tây Ban Nha nghi hoặc. Tháng 7 rồi tháng 10/2007, Chính phủ Madrid ra lệnh lực lượng tuần duyên và hải quân họ ngăn chặn và lục soát các con tàu của Odyssey dự tính cập cảng Gibraltar.

Thế rồi, giữa năm 2008, Tây Ban Nha loan bố họ xác định được “căn cước” con tàu nói trên. Nó là chiếc Nuestra Señora de las Mercedes của Tây Ban Nha, bị Anh đánh đắm ngoài khơi Mũi St. Mary (Bồ Đào Nha) vào tháng 10-1804. Bởi thuộc Tây Ban Nha nên kho báu tất nhiên cũng của Tây Ban Nha. Phần mình, Odyssey nói rằng, tiền xu cổ mà họ vớt được nằm rải rác quanh khu vực nên có thể nói chúng thuộc bất cứ con tàu nào, chứ chẳng phải chỉ riêng gì “con” Mercedes. Tuy nhiên, tháng 1/2012, trong phiên xử có tính quyết định tại Mỹ, quan tòa nói rằng, dự án “Thiên nga đen” của Odyssey rõ ràng là nhằm tìm kiếm Nuestra Señora de las Mercedes, rằng những đồng xu cổ, tất cả được làm từ trước năm 1804 tại Lima (Peru), đều phù hợp với những kiện tiền đồng mà Mercedes chở vào thời điểm đó.

Ngoài ra, khẩu đại bác được Odyssey tìm thấy cũng phù hợp với các khẩu đại bác trên chiếc Mercedes. Kết luận, chủ sở hữu đích thực của đống tiền xu phải thuộc về Tây Ban Nha và thuộc về hậu duệ của 250 thủy thủ Tây Ban Nha bị thiệt mạng khi con tàu bị Anh bắn nổ tung trong cuộc hải chiến xa xưa. Tuy nhiên, theo The Independent (23/2/2015), vị trí của 400.000 đồng xu nữa từ Nuestra Señora de las Mercedes vẫn còn chìm trong bí ẩn màn đêm biển cả...

Cao Minh