Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Không bao giờ được hiểu lầm

07:03 | 17/07/2014

1,711 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù không phải là chính khách tên tuổi, nhưng chuyến công du kéo dài 8 ngày tới Mỹ (từ 6 đến 13-7) của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera vẫn được dư luận, nhất là Bắc Kinh quan tâm.

Bởi ông Itsunori Onodera đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel về các vấn đề an ninh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tiếp tục xây dựng các khung hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn và Mỹ - Nhật - Australia, cũng như hoàn tất sửa đổi các hướng dẫn hợp tác quốc phòng giữa Tokyo và Washington vào cuối năm nay. Nhật - Mỹ cũng nhất trí tiếp tục phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào làm thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông và các khu vực khác.

Phải giữ nguyên trạng Biển Đông

Sau 2 ngày tham dự hội thảo “Những diễn biến gần đây tại Biển Đông” tại Washington (ngày 11 và 12-7 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức), nhiều học giả quốc tế cho rằng, Trung Quốc phải trả giá cho những gây hấn trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong bài phát biểu kéo dài 15 phút, Chủ tịch Ủy ban Tình báo hạ viện Mỹ Mike Rogers đã chỉ rõ Trung Quốc đang cố tình thay đổi hiện trạng và các mối quan hệ trong khu vực, từ việc đơn phương tuyên bố áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông cho đến hạ đặt giàn khoan tại Biển Đông và Mỹ không thể bỏ qua chuyện này. Chủ tịch Ủy ban Tình báo hạ viện Mỹ còn cảnh báo, nếu Mỹ tiếp tục không hành động sẽ mang lại “cái chết của hàng ngàn vết cắt”.

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Không bao giờ được hiểu lầm

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đón Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ở Lầu Năm Góc

Giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc CSIS Christopher Johnson nhận định, hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là chiến lược đã định sẵn, không phải chiến thuật hoặc phản ứng nhất thời đối với các nước láng giềng. Giáo sư Jerome Cohen cho rằng, những gì Trung Quốc đang làm khiến người ta hoài nghi về sự trỗi dậy hòa bình của Bắc Kinh, đồng thời thất vọng trước cách hành xử của nước này. Giám đốc Chương trình An ninh Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm vì một nền an ninh mới của Mỹ Patrick Cronin cho rằng, Washington đã nhìn nhận vấn đề Biển Đông một cách nghiêm túc hơn so với một năm trước; và Mỹ cần tăng cường sự hiện diện tại khu vực này, phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác…

Theo trang GMA News (Philippines), việc truyền hình Trung Quốc vừa tái phát sóng bộ phim tài liệu nhiều tập (gồm 8 phần, đã phát sóng trên kênh CCTV4 từ 24 đến 31-12-2013) về các hoạt động trên Biển Đông nhằm thể hiện quyết tâm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền vô lý và tham lam của Bắc Kinh. Giáo sư Carl Thayer coi bộ phim kể trên là thông điệp tới các nước hữu quan: Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực như đâm va để thực thi cái gọi là “quyền chủ quyền của nước này” và từ video này cũng cho thấy, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã đưa việc đâm tàu vào danh mục chiến thuật của mình. Giáo sư đại học Quốc gia Singapore Parag Khanna coi những hành động của Trung Quốc cho thấy, Bắc Kinh kiên quyết khai thác tài nguyên tại vùng biển này, bất chấp những tranh chấp pháp lý.

Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chiến lược và đa phương Michael Fuchs đã bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông, đồng thời chỉ trích cách hành xử “khiêu khích và đơn phương” của Trung Quốc làm dấy lên hoài nghi về sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Theo ông Michael Fuchs, ASEAN và Trung Quốc nên thảo luận thực sự để thực hiện DOC, hướng tới COC.

Chiến thuật đối phó mới

Với 100% số phiếu ủng hộ, ngày 10-7 (theo giờ địa phương), Thượng viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết S.RES.412 về Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức trả lại nguyên trạng như trước ngày 1-5-2014, rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các lực lượng hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; kiên quyết phản đối việc ép buộc, hăm dọa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực cản trở tự do trong không phận quốc tế nhằm thay đổi nguyên trạng hoặc gây bất ổn tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo ông Alan Dupont, Giáo sư An ninh quốc tế thuộc Trường đại học New South Wales (Australia), trong năm 5 qua, Trung Quốc đã khá thành công trong việc gây sức ép để ASEAN nhượng bộ đối với các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, nhưng tình hình sẽ thay đổi trong thời gian tới khi các nước ASEAN đều lo ngại về chủ nghĩa đơn phương dựa trên sức mạnh vũ lực của Trung Quốc. Vì từng là Cố vấn cao cấp cho Bộ trưởng Quốc phòng và Thủ tướng Australia (1985-1991) nên những nhận định của ông Hugh White, Giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia được dư luận quan tâm khi cho rằng, cuộc đua giành giật đồng minh khiến cho bất ổn ở Đông Á càng thêm phức tạp.

Ngày 11-7, tờ Philstar (Philippines) dẫn tuyên bố của cựu Bộ trưởng Nội vụ Philippines Rafael Alunan III, theo đó tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc là ngụy biện, bản đồ “đường 10 đoạn là câu chuyện cổ tích”. Trước đó (9-7), tờ ABS CBN News đăng phân tích của chuyên gia về các vấn đề quốc tế Richard Heydarian người Philippines nhận định, sớm hay muộn Trung Quốc cũng sẽ thành "ông chủ Biển Đông" nếu không có một lãnh đạo mới bảo vệ lợi ích cho các quốc gia ven Biển Đông, bất chấp việc Mỹ vẫn tham dự vào khu vực này.

Ngày 10-7, Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) đăng bài phân tích của học giả J. Michael Cole, cựu sĩ quan tình báo an ninh Canada, chuyên nghiên cứu các vấn đề quân sự Đông Bắc Á và eo biển Đài Loan cho rằng, một khi đảng Cộng sản Trung Quốc rơi vào tình thế quẫn bách ở trong nước, họ có thể kích động các xung đột bên ngoài để đánh lạc hướng dư luận và tăng cường tính hợp pháp cho mình. Do đó, rủi ro trong khu vực tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của các khủng hoảng, bất ổn bên trong Trung Quốc.

Cũng trong ngày 10-7, Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) đăng nhận định của Tiến sĩ Lionel Pierre Fatton ở Đại học Sciences Po (Pháp), theo đó mức độ hợp tác an ninh (xuất khẩu vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo, tập trận chung…) giữa Nhật Bản với Australia, Philippines và Việt Nam lệ thuộc vào mức độ đe dọa của Trung Quốc. Được biết, Nhật Bản sẽ sử dụng ngân sách 10 tỉ USD để hỗ trợ đào tạo và giúp đỡ quân đội nước ngoài. Và Tokyo sẽ giữ vai trò lớn hơn trong liên minh Nhật - Mỹ bởi Nhật Bản quan ngại trước mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung; sẽ linh hoạt trong việc sử dụng quyền phòng vệ tập thể…

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Không bao giờ được hiểu lầm

Chủ tịch Ủy ban Tình báo hạ viện Mỹ Mike Rogers

Lại tố cáo lẫn nhau

Tại buổi họp báo chiều 11-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã phản ứng lại tuyên bố của Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khi đề nghị Bắc Kinh bố trí cuộc gặp cấp cao giữa 2 nước trong thời gian diễn ra Hội nghị APEC được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 11-2014. Tờ Thời báo Hoàn Cầu vừa cáo buộc Nhật Bản đang theo đuổi chính sách tái vũ trang toàn diện nhân chuyến công du tới Mỹ (từ 6 đến 13-7) của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera.

Ngày 11-7, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera tuyên bố, chính sách mới về quân sự của Nhật Bản sẽ giúp củng cố liên minh Tokyo-Washington, mở đường cho các hình thức hợp tác quân sự mới giữa hai nước; đồng thời cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng và đang cải tiến hệ thống phòng thủ tên lửa, thành lập các đơn vị lính thủy đánh bộ và tăng cường lực lượng trên biển để bảo vệ các đảo. Nhật Bản cũng cảnh báo sẽ đáp trả cứng rắn nếu Trung Quốc làm xáo trộn trật tự khu vực.

Khi phát biểu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Mỹ, ông Itsunori Onodera cho biết, chính sách quốc phòng mới sẽ giúp Tokyo thúc đẩy liên minh với Washington và cho phép lực lượng phòng vệ hỗ trợ tàu hải quân Mỹ trong trường hợp bị tấn công. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã ca ngợi sự thay đổi của Tokyo khi coi đây là quyết định táo bạo, mang tính lịch sử và bước ngoặt. Trước đó (10-7), tờ Sankei Shimbun cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera đã hội đàm với Tư lệnh Chiến lược Mỹ Cecil Hanny ở thành phố Omaha, bang Nebraska về hợp tác phòng thủ tên lửa Mỹ - Nhật.

Được biết, ông Itsunori Onodera đã xác định nhập khẩu 42 máy bay chiến đấu F-35, để trang bị cho căn cứ Misawa, tỉnh Aomori, cũng như thay thế cho số máy bay F-15 đã lỗi thời và sẽ xây dựng nhà máy lắp ráp chiến đấu cơ F-35 tại Hãng Mitsubishi ở tỉnh Aichi. Ngoài ra, Nhật Bản còn muốn mua máy bay vận tải MV-22 Osprey, tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp… Giới truyền thông Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản mua tàu tấn công đổ bộ của Mỹ không phải vì bảo vệ quần đảo Sekaku/Điếu Ngư, mà để điều động lực lượng tầm xa, ở nước ngoài.

Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc, để bảo vệ quần đảo Sekaku/Điếu Ngư, Nhật Bản khôi phục toàn diện khả năng tác chiến của lực lượng Thủy quân lục chiến, trang bị vũ khí cho lực lượng này. Bắc Kinh cho rằng, để kiểm soát Sekaku/Điếu Ngư không nhất định phải điều quân đến đó bởi ai kiểm soát được bầu trời và vùng biển của khu vực này, người đó kiểm soát được quần đảo này. Trên tờ Wall Street Journal, ông Bruce Bennett, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại Tập đoàn RAND về các vấn đề quân sự tại châu Á cho rằng, Mỹ ủng hộ Nhật Bản tham gia phòng vệ tập thể bởi đây là điều rất quan trọng trong việc củng cố quốc phòng của Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á.

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Không bao giờ được hiểu lầm

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đưa ra thông điệp mạnh mẽ với Trung Quốc

Ngày 9-7, tờ Japan Times cho biết, các liên minh ở châu Á đang liên tục thay đổi để thích nghi với tình hình khu vực và theo hướng thực dụng. Theo đó, sự thay đổi vì mục đích thích nghi chứ không phải mục tiêu chiến lược. Giám đốc Trung tâm Moskva Carnegie Dmitry Trenin cho rằng, các liên minh hiện nay ở châu Á không thể hiện sự phân biệt rõ rệt, nhưng tất cả đều thách thức trật tự toàn cầu mà Mỹ là trung tâm.

Phá vỡ quy định

Ngày 11-7, tờ Đa Chiều cho biết, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình vừa tổ chức lễ thăng quân hàm Thượng tướng (cấp hàm cao nhất trong quân đội Trung Quốc) cho ông Thích Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng; ông Vương Giáo Thành, Tư lệnh Quân khu Thẩm Dương; ông Biển Ích Dân, Chính ủy Quân khu Thẩm Dương và ông Ngụy Lượng, Chính ủy Quân khu Quảng Châu. Với quyết định kể trên đã nâng tổng số Thượng tướng tại ngũ của quân đội Trung Quốc lên 35 người. Riêng ông Tập Cận Bình đã đeo lon Thượng tướng cho 10 người. Theo tờ Apple Daily (Hongkong), kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, đã phá quy định trước đó do 2 người tiền nhiệm (Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào) đặt ra: 1 năm 2 lần thăng quân hàm tướng.

Giới bình luận cho rằng, Trung Quốc đang lợi dụng bối cảnh Mỹ gặp khó khăn về kinh tế, bị chi phối bởi các sự kiện ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi, để gây hấn với các nước láng giềng, trong đó có cả các đồng minh của Washington (Nhật Bản, Philippines), nhằm đuổi Chú Sam ra khỏi khu vực này. Bởi chiến lược “xoay trục” của Mỹ là kiềm chế, cô lập Trung Quốc tại Châu Á - Thái Bình Dương. Theo nhận định của Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học ở Hongkong Willy Lam, Bắc Kinh đang muốn tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong khu vực đối với tranh chấp lãnh hải của mình và phá vỡ liên minh Mỹ - Nhật - Hàn.

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Không bao giờ được hiểu lầm

 J. Michael Cole



Ngày 9-7, tờ World Affairs nhận định, Trung Quốc đang liên tục mua sắm tàu ngầm, tàu chiến, thủy lôi… để hiện thực hóa giấc mơ chủ quyền bất hợp pháp trên Biển Đông. Chiến lược của Trung Quốc là triển khai vũ lực quy mô nhỏ để từng bước lấn chiếm vùng lãnh thổ không thuộc về mình. Giáo sư James Holmes thuộc Đại học Hải quân Mỹ gọi chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông là “ngoại giao cây gậy nhỏ”, nghĩa là sử dụng lực lượng phi quân sự để theo đuổi mục tiêu quân sự.

Theo giới chuyên môn, Trung Quốc đã đơn phương “luật hóa”, “dân sự hóa” nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông bằng cách thông qua 6 luật, lập 2 cơ quan quản lý, một thành phố (Tam Sa); công bố 418 bản đồ, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá, xây dựng 10 “bia chủ quyền” ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn lập nhiều dự án phát triển kinh tế ở Biển Đông, cũng như đẩy mạnh công tác khảo sát, thăm dò tại Biển Đông với phương châm “ưu tiên khai thác trên biển trước, trên đất liền sau; biển xa trước, biển gần sau; khu vực tranh chấp trước, khu vực do Trung Quốc quản lý sau”.

Theo giới truyền thông Trung Quốc, giàn khoan bán ngầm nước sâu Hải Dương 982 đã chính thức được Công ty TNHH Công trình hải dương thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thuyền Đại Liên khởi đóng từ ngày 1-7, dự kiến hoàn thành và bàn giao cho Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vào cuối năm 2016.

Giàn khoan Hải Dương 982 (dài 104,5m, rộng 70,5m, có khả năng tác nghiệp ở độ sâu 1.500m) là phiên bản cùng loại với giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc đang hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế, nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Được biết, Trung Quốc đã kéo giàn khoan Nam Hải 4 xuống tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 18°36′48.″47 N/107°40′28.″43 E, nằm sát đường phân giới vịnh Bắc bộ trong thời gian gần 1 năm (từ 9-7 đến 30-6-2015).

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh